Phi hành gia thay đổi như thế nào sau một năm sống ngoài vũ trụ?

12/04/2019 22:10 GMT+7

Các nhà khoa học vừa công bố kết quả nghiên cứu được coi là “bước ngoặt” về những thay đổi sinh học đối với cơ thể phi hành gia khi sống ngoài vũ trụ.

Nghiên cứu “Song sinh NASA” được khảo sát dựa vào những thay đổi trên cơ thể của hai anh em sinh đôi Scott và Mark Kelly (55 tuổi), phi hành gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Reuters dẫn kết quả nghiên cứu cho thấy sau 340 ngày sống trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), động mạch cảnh và võng mạc của ông Scott dày hơn, hệ vi khuẩn đường ruột bị biến đổi, giảm cân, giảm khả năng nhận thức, tổn thương ADN, thay đổi cấu trúc gien so với người anh em song sinh sống trên trái đất.
Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian ông Scott ở trên ISS từ ngày 27.3.2015-1.3.2016. Các mẫu máu, nước tiểu, phân của phi hành gia này được đưa về trái đất trên các phi thuyền tiếp tế để so sánh với mẫu của ông Mark.
Kết quả cho thấy ông Scott giảm 4% trọng lượng cơ thể trong khi ông Mark tăng 4%. Ông Scott bị suy giảm khả năng nhận thức về tốc độ và độ chính xác sau khi quay về trái đất.
Ông Scott Kelly trên ISS ngày 29.2.2016 Reuters
Bên cạnh đó, độ dài của đoạn telomere trong chuỗi nhiễm sắc thể của ông Scott cũng bị ngắn lại sau khi trở về từ không gian. Giới chuyên gia cho hay telomere là đoạn cuối của chuỗi nhiễm sắc thể, thường bị ngắn lại khi con người già đi. Telomere được coi là thước đo sinh học của việc già đi hoặc đánh giá nguy cơ các chứng bệnh tim mạch và ung thư.
Các nhà khoa học nhận thấy hầu hết những thay đổi sinh học của ông Scott đều trở lại bình thường sau khoảng 6 tháng về lại trái đất ngoại trừ một vài biến đổi trong hệ thống miễn dịch và ADN. Nguyên nhân được xác định có thể là do môi trường không trọng lượng và bức xạ cao ngoài không gian.
[VIDEO] Vì sao phi hành gia vừa hạ xuống trái đất được... ẵm?
Ông Scott nói rằng cảm thấy cực kỳ mệt sau khi quay về trái đất. “Tôi cảm giác như bị cảm cúm trong những ngày đầu tiên, sau đó là mệt mỏi nhiều ngày. Tôi bị buồn nôn, chóng mặt và đau khớp, cơ”, AFP dẫn lời phi hành gia Mỹ.
Nghiên cứu này đã được đăng trên chuyên san Science và được cho là sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về những thay đổi sinh học của các phi hành gia trong những chuyến du hành vũ trụ dài ngày. Kiến thức thu thập được sẽ giúp cơ quan hàng không chuẩn bị cho những chuyến du hành lên mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.