Kể từ đầu năm 2023 đến nay, không ít người bất ngờ khi tìm hiểu các khóa học lái xe ô tô. Không chỉ thay đổi một số điểm về nội dung, hay quy định về thời gian… học phí học lái xe ô tô các hạng B1, B2, C… tại các trung tâm đào tạo lái xe cũng đang tăng chóng mặt.
Lướt điện thoại tìm kiếm trên mạng thông tin về các khóa học lái xe, sau đó liên hệ với văn phòng ghi danh tuyển sinh của các trung tâm đào tại lái xe tại TP.HCM, bạn Nguyễn Trọng Hạnh (21 tuổi, ngụ TP.HCM) ngỡ ngàng khi nghe "báo giá" học phí từ tư vấn viên của các trung tâm.
"Hầu hết các trường đào tạo lái xe đều báo giá chi phí trọn gói cho mỗi khóa học, thi bằng lái xe ô tô hạng B2 khoảng 20 triệu đồng. Chỉ duy nhất một trung tâm ở quận 7, TP.HCM báo giá gần 18 triệu đồng nếu đi học trong tuần, trường hợp học cuối tuần cũng gần 20 triệu đồng", bạn Nguyễn Trọng Hạnh cho biết.
Tương tự như Hạnh, anh Tuấn Thành, 34 tuổi ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng bất ngờ khi liên hệ với các trung tâm đào tạo lái xe để đăng ký học lái xe ô tô. Từng dự định đi học lái xe ô tô hạng B2 từ giữa năm ngoái, anh Thành đã liên hệ với một số trung tâm để tìm hiểu. Tuy nhiên, do công việc và vợ mới sinh con, nên anh Thành đã quyết định dời kế hoạch học lái xe sang đầu năm 2023.
"Không ngờ sau vài tháng mà học phí tăng cao quá. Tháng 9 năm ngoái tôi hỏi một số trung tâm thì được báo học phí học lái xe hạng B1, B2 chỉ từ 12 - 14 triệu đồng. Nay liên hệ lại họ đều báo trên 20 triệu đồng. Có nơi thông báo chi phí trọn gói cho khóa học bằng lái B2 lên tới 23 triệu đồng. Hầu hết đều cho phép đóng thành nhiều đợt, tuy nhiên mức học phí tăng khá cao so với trước đây", anh Tuấn Thành chia sẻ.
Thực tế, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, mức phí đào tạo mỗi học viên cho mỗi khóa học, thi bằng lái ô tô hạng B1, B2 tại các trường, trung tâm đào tạo lái xe hiện nay dao động từ mức 17 - 23 triệu đồng. Tăng khoảng 5 - 8 triệu đồng so với trước đây. Với khóa học lái ô tô hạng C, có thể lên đến 25 - 27 triệu đồng.
Tuy nhiên, chi phí này có thể gia tăng, bởi theo tư vấn viên của một trung tâm đào tạo lái xe tại TP.Thủ Đức, TP.HCM, theo quy định nội dung học thực hành lái xe ô tô hạng B2, thời gian học thực hành trên đường giao thông là 40 giờ, số kilomet thực hành lái xe trên đường giao thông với mỗi học viên là 810 km. Trường hợp nếu đã học xong số giờ thực hành theo quy định nhưng chưa đi đủ 810 km thì học viên sẽ phải thuê xe để đi đủ số khoảng cách quy định với chi phí là 200.000 đồng/giờ lái.
Đây cũng là nội dung đã được quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Bên cạnh đó, từ năm 2023 các học viên học lái xe phải học thêm môn học lái xe ô tô trên cabin mô phỏng. Trong đó, học viên học bằng lái xe ô tô hạng B1, B2 và C, thời gian học lái xe trên cabin mô phỏng là 3 giờ/khóa học. Học viên học nâng hạng bằng lái xe ô tô sẽ học lái xe trên cabin mô phỏng 1 giờ.
Điều này đòi hỏi các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải đầu tư sắm sửa thiết bị, bố trí lại phòng học, đào tạo chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên giảng dạy,… để phục vụ cho việc giảng dạy môn học. Đây cũng chính là những yếu tố khiến các trung tâm đào tạo lái xe ô tô tăng học phí. Đại diện một trung tâm đào tạo lái xe ở TP.HCM cho biết: "So với những năm trước, mức học phí đào tạo lái xe đã tăng do các trường đào tạo phải đầu tư, trang bị và duy trì cabin học lái, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT) theo đúng Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ".
Liên quan đến mức thu học phí đào tạo lái xe ô tô, theo quy định tại khoản 4, điều 2 Thông tư liên tịch 72/2011/TTLT-BTC-BGTVT, các cơ sở đào tạo lái xe được trao quyền tự xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng giấy phép lái xe chi tiết theo từng học phần rồi báo cáo Bộ chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền để theo dõi.
Các cơ sở đào tạo tự chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị. Trường hợp ban hành mức thu và thực hiện thu học phí không đúng quy định, thực hiện xử lý theo quy định.
Bình luận (0)