Văn phòng Các năng lực nhanh của Bộ Không quân Mỹ đang phối hợp cùng Lực lượng Không gian để chuẩn bị phóng sứ mệnh thứ 7 của phi thuyền X-37B. Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo này sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida vào ngày 7.12.
X-37B là gì?
X-37B là phi thuyền có thể tái sử dụng của Mỹ, giúp giảm chi phí cho các nhiệm vụ không gian. Theo kênh SyFy, chương trình X-37 được bắt đầu tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 1999, nhiều năm trước chuyến bay cuối cùng của chương trình tàu con thoi vào năm 2011. Năm 2004, X-37 và các hoạt động liên quan được đưa về sự kiểm soát của Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2006, không quân Mỹ công bố chương trình riêng mang tên X-37B, còn được gọi là Phương tiện thử nghiệm quỹ đạo (OTV). Đến năm 2019, quyền quản lý X-37B được thay đổi và hiện thuộc giám sát của Lực lượng Không gian Mỹ.
Phi thuyền X-37B do hãng Boeing chế tạo với thiết kế tương tự tàu con thoi nhưng có kích thước nhỏ hơn. Phi thuyền này dài 8,9 m, cao 2,9 m, sải cánh 4,5 m và không có người bên trong. Nó được phóng lên bằng tên lửa đẩy sau đó tách ra và hoạt động nhiều ngày trong không gian nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời. Động cơ của phi thuyền giúp nó quay về trái đất và hạ cánh như máy bay thông thường.
Nhiệm vụ đầu tiên của X-37B được thực hiện vào năm 2010 và đến nay đã có 2 chiếc được chế tạo, hoàn thành 6 nhiệm vụ quỹ đạo với tổng thời gian là 3.774 ngày.
Nhiều thí nghiệm được thực hiện
Các nhiệm vụ trước đó, X-37B được phóng lên bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX và Atlas V của United Launch Alliance (ULA), công ty chung của Lockheed Martin và Boeing. Tuy nhiên, trong nhiệm vụ vào tháng 12, phi thuyền sẽ lần đầu tiên được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy của SpaceX.
Theo trang Space News, công ty không gian của tỉ phú Elon Musk đã được trao hợp đồng trị giá 130 triệu USD hồi tháng 6.2018 để phóng tàu X-37B trong sứ mệnh này, mang ký hiệu USSF-52. Vụ phóng ban đầu được dự kiến diễn ra vào năm 2021 nhưng bị trì hoãn do vấn đề tải trọng.
Lực lượng Không gian Mỹ không tiết lộ nhiều thông tin về sứ mệnh sắp tới. Họ chỉ cho hay một phần nhiệm vụ là vận hành phi thuyền tái sử dụng "theo các chế độ quỹ đạo mới". Việc này là lý do vì sao X-37B sẽ được phóng bằng tên lửa Falcon Heavy, vì nó cần được đẩy lên quỹ đạo cao hơn bình thường.
Phi thuyền cũng sẽ thực hiện các thử nghiệm với "các công nghệ nhận thức trong không gian" và nghiên cứu tác động của phóng xạ đối với vật liệu do NASA cung cấp.
Hầu hết những món hàng và thí nghiệm trên X-37B đều được giữ kín, nhưng một trong số đó là mô hình thí nghiệm Seed-2 của NASA. Theo đó, phi thuyền sẽ đưa hạt giống lên không gian để kiểm tra tác động của phóng xạ đối với chúng trong những chuyến bay dài. Kiến thức từ sự tác động của môi trường không gian đối với thực vật có thể ảnh hưởng đến tương lai của các nhiệm vụ có người lâu dài trong không gian.
Trong sứ mệnh X-37B lần 6, được phóng vào tháng 5.2020, phi thuyền lần đầu được thiết kế với một mô đun dịch vụ đặc biệt cho phép nó thực hiện nhiều thí nghiệm hơn các sứ mệnh trước đó. Sứ mệnh này còn có mô đun thử nghiệm chuyển năng lượng mặt trời thành năng lượng vi sóng, 2 thí nghiệm của NASA để nghiên cứu tác động của phóng xạ và các hiệu ứng không gian đối với vật liệu và hạt giống cây lương thực. X-37B lần 6 còn triển khai vệ tinh nhỏ mang tên FalconSat-8 do Học viện Không quân Mỹ phát triển với sự hỗ trợ của Phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân.
Sứ mệnh 6 kết thúc vào tháng 11.2022 sau khi phi thuyền X-37B lập kỷ lục 908 ngày trong quỹ đạo và quay về trái đất.
Bình luận (0)