Chứng kiến chồng tự cầm tông đơ cắt mái tóc dài, chị Oanh không cầm được nước mắt. Phía sau, người chồng cũng kìm nén cảm xúc mới có thể tự tay cắt đi mái tóc của người bạn đời. Anh cũng cắt tóc của mình để chia sẻ, động viên với nỗi đau mà vợ phải gánh chịu.
"Xem bệnh như người bạn"
Phía sau clip chồng tự tay cắt tóc cho vợ khiến dân mạng xúc động
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Danh Thị Lan Oanh (29 tuổi, ở TP.Cần Thơ) cho biết, nếu không cạo, tóc sẽ rụng dần khiến chị càng buồn hơn. Trước khi cắt, chồng chị, anh Đỗ Quốc Phong (29 tuổi), chững lại khá lâu, không dám khóc vì sợ chị buồn thêm. Anh đã lấy hết can đảm để hoàn thành một trong những thử thách khó khăn.
"Anh có bảo mình muốn ra tiệm để cắt thì sẽ đưa đi, nhưng vì mình sợ không chịu nổi nên quyết định cắt ở nhà. Mình thực sự đã giao một nhiệm vụ khó khăn cho anh. Dù cắt ở nhà nhưng mình vẫn khóc. Mình khóc không phải do bệnh mà khóc vì tiếc mái tóc và thương chồng vô cùng", chị Oanh chia sẻ.
Khoảng một năm trước, chị phát hiện có khối u bé bằng hạt tiêu trong ngực. Chị đi xét nghiệm ở nhiều phòng khám tư nhân nhưng kết quả chỉ là nang vú bình thường. Sau đó, khối u cứ to dần, chị tiếp tục đi khám nhưng vẫn có kết quả là u lành tính.
8 tháng sau, chị thấy đau xương, tình trạng không cải thiện nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khám và chụp cộng hưởng từ MRI. Chờ đợi 15 ngày, chị được bác sĩ kết luận ung thư vú giai đoạn 4 đã di căn xương.
"Trước đó mình đã phần nào đoán được kết quả, nói với chồng có thể bị ung thư nhưng anh không tin. Mình đã chuẩn bị tinh thần trước, còn anh khóc rất nhiều khi biết kết quả. Mình không thể khóc được nữa, giờ không phải lúc buồn rầu mà phải vui vẻ, chấp nhận sống chung với nó", chị Oanh bày tỏ.
Hiện cứ 21 ngày thì chị Oanh lên Bệnh viện Chợ Rẫy ở TP.HCM để hóa trị. Lần đầu hóa trị, chị bị sốc phản vệ, cơ thể ngứa ngáy, khó chịu. May mắn, sau khi uống thuốc, tình trạng ngứa đã hết nhưng vẫn mệt mỏi. Chồng chị làm hết mọi thứ từ nấu cơm, quét nhà, chăm sóc để chị yên tâm nghỉ ngơi.
"Mình nghĩ rằng mỗi người sẽ có một số phận, nếu không bị cái này sẽ đối mặt với cái khác. Mọi người thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên nên mình có thêm tinh thần lạc quan. Giờ mình coi bệnh như người bạn", chị Oanh chia sẻ.
Chỗ dựa vững chắc từ người chồng
Vợ chồng chị chưa có con. Trong thời gian điều trị, chị tâm sự với anh về việc trữ trứng thay vì toàn tâm trị bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ động viên tiếp tục điều trị, mọi thứ khác không còn quan trọng. Chồng cũng là người an ủi, lo toàn bộ mọi thứ để chị yên tâm tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Hai người kết hôn năm 2018. Cặp đôi tình cờ gặp nhau khi cùng có một người bạn chung. Ngay từ lần gặp đầu tiên, anh đã thích chị và xin số điện thoại từ người bạn. Chị là người hoạt bát, năng động; còn anh trầm tính.
"Tụi mình quen nhau được 3 tháng thì anh phải ra nước ngoài làm việc, yêu xa khoảng 2 năm. Tụi mình đã tính đến chuyện cưới xin sau khi anh về nước. Anh là người không bao giờ để mình phải lo lắng, buồn phiền bất cứ điều gì", chị Oanh trải lòng.
Anh Phong bày tỏ lúc đầu không tin vào sự thật khi vợ mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khoảng 1 tuần từ khi bác sĩ chẩn đoán, anh lấy lại tinh thần, làm chỗ dựa để cùng chị vượt qua thử thách cam go này.
"Mình rất buồn khi tự tay cắt tóc cho vợ nhưng không thể nào khóc được. Mình phải mạnh mẽ đối diện với sự thật, vợ cũng có tinh thần khá tốt. Hồi trước giờ mình ít khi chăm sóc người nhà trong bệnh viện nên những ngày đầu có nhiều điều khá lạ lẫm, sau mới quen dần. Mình ước vợ sẽ khỏe mạnh lại, có cuộc sống bình thường như bao người khác", anh Phong nói.
Bình luận (0)