Trong vụ kiện “tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn” giữa nguyên đơn là ông Đ.H.T (61 tuổi, ngụ Hà Nội) và bị đơn là bà T.T.H (46 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM), Tòa gia đình và người chưa thành niên (TAND TP.HCM) đã tuyên giao lại quyền nuôi bé A. (13 tuổi) cho bà H. nuôi dưỡng.
Con muốn ở với mẹ, tòa tuyên ở với cha
Sau khi kết hôn và có hai người con chung là bé L. (16 tuổi) và bé A. (13 tuổi). Năm 2015, ông T. và bà H. thỏa thuận ly hôn. Về con chung, bà H. là người trực tiếp nuôi dưỡng. Khoảng thời gian sau ly hôn, bà H. cùng hai con sinh sống tại TP.HCM, vào các dịp lễ, tết ông T. đều vào thăm và đón các con về Hà Nội.
Đến năm 2019, bà H. bất ngờ nhận được đơn khởi kiện giành lại quyền nuôi con của ông T. với lý do bà H. gây khó dễ mỗi lần ông vào thăm con, nói xấu ông với các con; bà H. có thêm con thứ ba, ảnh hưởng đến sự phát triển của hai con ông.
Vào thời điểm xét xử sơ thẩm, cả hai bé L. và A. đều bày tỏ nguyện vọng ở với mẹ. Trong những lá thư viết gửi cho HĐXX, các bé đều viết rõ: “Mẹ là người nuôi dạy, chăm sóc cháu từ nhỏ. Và từ nhỏ cháu đã sống trong TP.HCM với mẹ, nên cháu sẽ ở trong này với mẹ…”, “mẹ lo tất cả mọi thứ và tạo điều kiện tốt nhất cho chị em cháu… mẹ không cấm cháu gọi cho bố…”. Nhưng phía TAND Q.4 tuyên giao bé A. cho ông T. nuôi dưỡng với lý do ông T. hơn 60 tuổi, nhu cầu tình cảm cha con là có thật và việc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục con cái lúc nhỏ; con cái phải chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ khi về già là đạo lý tốt đẹp.
Tòa sơ thẩm vừa tuyên xong, ba mẹ con bà chỉ còn biết ôm nhau khóc. Một thời gian sau, bé A. lại rơi vào khủng hoảng, đi đâu cũng muốn có người theo cùng, bà H. hỏi ra mới biết, bé muốn ở với mẹ, nên sợ bị bố đến bắt đi. “Lúc đó, tôi chỉ biết trấn an các con, rằng mọi thứ rồi sẽ qua, nhưng trong lòng thì rối như tơ vò. Cứ cách vài ngày tôi lại xin nghỉ làm đến văn phòng luật sư để tư vấn. Đến mức ai chỉ tôi chỗ nào tôi cũng đi. Mỗi tối đi làm về tôi đều ngồi soạn đơn, để gửi đơn cầu cứu”, bà H. nhớ lại.
“Từ nay mẹ con mình không phải xa nhau”
Tại phiên xử phúc thẩm kết thúc vào ngày 5.3, phía HĐXX đưa ra ý kiến hai bên nên hòa giải để chọn ra hướng giải quyết tốt nhất cho các con. Đại diện Viện KSND TP.HCM khuyên cả hai người nên cân nhắc đến hai con của mình đã phải chịu tổn thương như thế nào khi chứng kiến cảnh cha, mẹ ra tòa. Hai cháu còn quá nhỏ nên cho ở với mẹ, đến khi 18 tuổi các cháu sẽ tự quyết định.
Về phía ông T., với những lý do như ở phiên tòa sơ thẩm, ông vẫn cương quyết giành quyền nuôi hai con, vì mỗi lần ông đến thăm con, đều bị bà H. tìm cách cấm cản, nói xấu ông với các con và ông có đủ điều kiện để lo cho các con.
Còn bà H. cho rằng, trong suốt thời gian bà vào TP.HCM sinh sống, ông T. vẫn vào thăm các con, vào các dịp hè và tết, các con đều về Hà Nội cùng ông T. Hiện các con đang sống ổn định cùng bà và đang ở độ tuổi trưởng thành nên không muốn làm xáo trộn cuộc sống của các con.
Xử phúc thẩm, HĐXX nhận định cả ông T. và bà H. đều yêu thương và có đủ điều kiện để chăm sóc hai con. Nhưng từ sau ly hôn, hai bé vẫn được bà H. nuôi dưỡng tốt và có nguyện vọng sống với mẹ, nên nếu được mẹ tiếp tục chăm sóc thì sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, ông T. khởi kiện yêu cầu trực tiếp nuôi hai con với lý do bà H. cản trở ông đến thăm các con, nói xấu ông với các con…, nhưng ông T. không cung cấp được tài liệu, chứng cứ cho các lý do nêu trên. Do đó, căn cứ điều 84 của luật Hôn nhân và gia đình 2014, HĐXX tuyên sửa bản án sơ thẩm, giao hai con cho bà H. nuôi dưỡng.
Phiên tòa phúc thẩm kéo dài với nhiều lần hoãn, không ít lần bà H. đã khóc nghẹn tại tòa khi để con chứng kiến cảnh tranh giành, cự cãi giữa bố và mẹ. Ngay sau khi nghe tòa tuyên án, bà H. chạy ra ngoài ôm chầm lấy con gái đang đứng đợi trước cửa phòng xử, nghẹn giọng: “Mẹ xin lỗi. Từ nay mẹ con mình không phải xa nhau…”.
Khởi đầu mới cho ba mẹ con
Sau phiên xét xử phúc thẩm, bà H. vẫn chưa tin rằng mình đã giành được quyền nuôi hai con.
Đối với bà H. chuyện xảy ra như là một giấc mơ, mà khi nhắc lại bà vẫn ngân ngấn nước mắt. Nhớ lại khoảng thời gian bà H. cùng 2 con chuyển vào TP.HCM sinh sống, không nhận được tiền cấp dưỡng nào từ ông T., bà H. làm việc cật lực để nuôi dạy hai con.
Suốt 3 năm xảy ra biến cố, cô con gái lớn sống khép kín hơn, để chia sẻ cùng con mỗi tối đi làm về, dù trễ đến mấy, bà H. đều cùng con đi tập thể dục để tâm sự với con nhiều hơn. Riêng cô con gái thứ hai, luôn có cảm giác sợ bị mẹ bỏ rơi, nên bà H. luôn dùng những hành động yêu thương tạo cho con cảm giác an toàn. Lúc đó, bà H. phải cáng đáng vai trò vừa là cha, vừa là mẹ, động lực duy nhất của bà để bước đi tiếp là các con.
Bản án phúc thẩm đã tuyên, cũng là lúc bà cùng hai cô con gái được đoàn tụ với nhau. Bà H. cùng hai người con tạm gác lại những chuyện đã qua, xem đó là một biến cố trong đời, để khi nhìn lại, lấy đó làm động lực bước tiếp. Hiện tại, cả ba người cùng nhau lập kế hoạch cho những dự định sắp tới. Họ vẫn sống ở căn hộ ở Q.4, bà H. vẫn là trụ cột chính trong gia đình. Còn hai cô con gái, ngoài việc học sẽ phụ bà H. làm việc nhà, cùng bà ngoại chăm sóc em nhỏ.
“Tôi được sống trong một gia đình đầy đủ bố mẹ, cuộc sống rất hạnh phúc, nên luôn muốn hai con được những ngày tháng vui vẻ như vậy. Không ai muốn con cái phải sống trong cảnh chia ly, nhưng giữa tôi và ông T. đã hết duyên, hết nợ với nhau. Dẫn đến chuyện ly hôn, ra tòa giành con, cả tôi và cả ông T. mỗi người đều có lỗi. Nhưng tôi luôn nói với hai con, không ai yêu thương các con bằng bố mẹ và tôi không cấm con gặp lại bố, vì làm vậy rất tội cho hai con”, bà H. chia sẻ.
Điều 84, luật Hôn nhân và gia đình quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 điều này, tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của bộ luật Dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
|
Bình luận (0)