Trong khi ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ tuyên bố công khai rằng ngân hàng Credit Suisse vẫn ổn, đằng sau những cánh cửa đóng kín, cuộc đua giải cứu ngân hàng lớn thứ hai của quốc gia này vẫn diễn ra, theo Reuters ngày 20.3.
Sau nhiều năm gặp bê bối và thua lỗ, Credit Suisse, có trụ sở tại Zurich, trong nhiều tháng qua đã chiến đấu với cuộc khủng hoảng niềm tin vào chính mình.
Thương vụ sáp nhập lịch sử giữa Credit Suisse và UBS có gì đặc biệt?
Trong ba tháng cuối năm 2022, khách hàng đã rút 110 tỉ USD từ Credit Suisse, dòng tiền chảy mà ngân hàng này đang cố gắng đảo ngược.
Ngay sau khi tin tức nổ ra vào ngày 12.3 rằng Mỹ sẽ can thiệp để đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi của hai ngân hàng cỡ trung bình đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về tiền mặt, sự chú ý đã đổ dồn vào Credit Suisse và cách ngân hàng này duy trì lòng tin của người gửi tiền.
Một người từng làm môi giới cho một số cuộc giải cứu ngân hàng châu Âu trong cuộc khủng hoảng tài chính, nhận định với Reuters rằng sau khi chứng kiến sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ, có rất ít nghi ngờ rằng UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, sẽ được kêu gọi để vực dậy Credit Suisse.
Người từng làm môi giới nói trên vào ngày 13.3 đã gọi điện cho UBS, cảnh báo ngân hàng này nên chuẩn bị nhận cuộc gọi từ chính quyền Thụy Sĩ.
Hai ngày sau, Credit Suisse bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Sau khi ông Ammar Al Khudairy, chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út, nói rằng ông không thể đầu tư thêm vào Credit Suisse, cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ này rơi vào tình trạng khó khăn. Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út là nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse, giữ 9,88% cổ phần.
Sau đó, nhiều khoản tiền gửi đáng kể được rút khỏi Credit Suisse, theo một nguồn tư vấn cho UBS về việc sáp nhập Credit Suisse tiết lộ với Reuters.
"Bất ngờ lớn"
Tại trung tâm ngân hàng Zurich và Bern, thủ phủ bang Alpine, áp lực đang gia tăng. Tuy nhiên, khi các cuộc thảo luận để cứu vãn Credit Suisse đang diễn ra, Cơ quan Giám sát thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ nói rằng "vấn đề của một số ngân hàng ở Mỹ không gây nguy cơ lây lan trực tiếp cho thị trường tài chính Thụy Sĩ".
Khi đó, Credit Suisse cũng đang tuyên truyền sự ổn định. Hôm 16.3, Credit Suisse cho Reuters hay rằng tỷ lệ thanh khoản trung bình, một thước đo chính về số tài sản giống như tiền mặt mà ngân hàng này có, không thay đổi trong khoảng thời gian từ ngày 8-14.3, bất chấp cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.
UBS, Credit Suisse đồng ý thỏa thuận 'sáp nhập gánh nợ'
Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter nói trong cuộc họp báo hôm 19.3 rằng hỗ trợ bổ sung cho Credit Suisse đã được đồng ý nhưng được giữ bí mật vì sợ mọi người hoảng sợ khi có hàng loạt thông báo khẩn cấp được đưa ra.
Bà Keller-Sutter cho biết thêm đã liên hệ chặt chẽ với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt. Cả hai quốc gia này đều có những công ty con lớn của Credit Suisse đang sử dụng hàng ngàn người.
Tuy nhiên, giới chức Thụy Sĩ có rất ít liên lạc với Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt (Đức), theo một nguồn thạo tin cho Reuters hay. "Họ đã tự mình làm điều này", nguồn tin khẳng định và mô tả kết quả là một "bất ngờ lớn".
Một phát ngôn viên FINMA cho hay dù họ nhấn mạnh đến Anh và Mỹ vì quy mô kinh doanh của Credit Suisse tại hai quốc gia đó, nhưng họ cũng đã thông báo cho các nhà chức trách châu Âu. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều không được cung cấp thông tin.
Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út đã gây áp lực lên Credit Suisse, cảnh báo rằng họ có thể có hành động pháp lý nếu không thu hồi được một số khoản đầu tư xấu số của mình, theo một nguồn thạo tin khác tiết lộ với Reuters. Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.
"Tiền phải đến từ đâu đó", một trong những quan chức tham gia đàm phán cho hay. Người này cho biết thêm hội đồng quản trị Credit Suisse, vốn quan tâm đến việc duy trì sự thống nhất trong bối cảnh tình hình ngày càng trở nên căng thẳng, đã tranh luận về việc chi trả cho các cổ đông.
"Đây không phải là gói cứu trợ"
Các nhà quản lý cũng muốn tránh một vụ xóa sổ các cổ đông mà có thể dẫn đến tình trạng Credit Suisse phải đóng cửa, khiến Thụy Sĩ phải đau đầu hơn và mất mặt chỉ vài giờ sau khi đứng về phía Credit Suisse.
Cuối cùng, các nhà quản lý Thụy Sĩ đã nhất trí chọn cách xóa sạch 16 tỉ franc trái phiếu, bồi thường cho các cổ đông 3 tỉ franc 9 (3,23 tỉ USD) và lật ngược nguyên tắc chính của việc tài trợ ngân hàng là các cổ đông chứ không phải trái chủ chịu đòn đầu tiên từ một ngân hàng thất bại.
Hôm 19.3, một hội đồng gồm các quan chức và giám đốc điều hành Thụy Sĩ công bố thỏa thuận sáp nhập Credit Suisse vào UBS. Theo đó, UBS đồng ý mua lại Credit Suisse với giá 3 tỉ franc, đồng thời tiếp quản khoản lỗ lên đến 5,4 tỉ USD. Ngoài ra, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ sẽ hỗ trợ cho UBS và Credit Suisse mức thanh khoản 100 tỉ franc (108 tỉ USD), theo Reuters.
Khi công bố thỏa thuận trên, các nhà điều hành Thụy Sĩ đã không tỏ ra hối tiếc. "Đây không phải là gói cứu trợ… Người đóng thuế trong kịch bản này có ít rủi ro hơn. Việc phá sản sẽ là rủi ro cao nhất vì chi phí cho nền kinh tế Thụy Sĩ sẽ rất lớn", Bộ trưởng Keller-Sutter khẳng định với các nhà báo.
Tuy nhiên, các thị trường đang quay cuồng với sự thay đổi bất thường của các sự kiện. "Khi bạn là ngân hàng dành cho các tỉ phú, tiền gửi có thể bay đi rất nhanh. Bạn có thể chết trong ba ngày", một trong những người liên quan vụ việc nói với Reuters.
Bình luận (0)