Tại TP.HCM, nơi có tỷ lệ đóng góp lớn nhất, Hiệp hội Bất động sản TP còn ra công văn hiến kế tăng ngân sách cho TP.
Ấy thế mà thông tin mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số thu ngân sách trong 11 tháng qua ước đạt 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Cả 3 khoản thu từ nội địa, dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu đều tăng mạnh.
Đọc con số này vừa vui mà vừa băn khoăn.
Thu ngân sách vượt dự toán thì tất nhiên là vui quá rồi. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp nên ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch, chi an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển... đều cần và đều tăng. Thực tế, do ngân sách có hạn, chúng ta trước nay vẫn phải dè sẻn, cân nhắc trước khi thực hiện các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN). Chẳng nói đâu xa, mới tháng rồi trước tình trạng xăng dầu tăng quá mạnh, nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế, phí mặt hàng này để kiểm soát mặt bằng giá tiêu dùng trong bối cảnh cuộc sống đại bộ phận người dân khó khăn vì dịch bệnh. Thế nhưng, các cơ quan có thẩm quyền cũng không thể quyết do sợ ảnh hưởng tới số thu ngân sách. Hay các chính sách giãn, giảm, gia hạn thuế cho DN cũng phải nâng lên đặt xuống từ tỷ lệ cho tới thời gian hỗ trợ... cũng chỉ vì sợ ngân sách hụt thu. Vậy mà giờ tổng thu ngân sách vượt dự toán, mừng quá đi chứ.
Nhưng mừng chưa hết thì lại thấy băn khoăn. Chúng ta đều biết, kinh tế VN nói riêng và thế giới nói chung đã trải qua một năm đầy khó khăn, vất vả. Lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi VN tính GDP theo quý, GDP quý 3 vừa rồi tăng trưởng âm. Chỉ mới cách đây 3 ngày, chiều 1.12 tại Hội nghị lần thứ 10 mở rộng của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM
khóa XI, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ, lần đầu tiên trong lịch sử từ giai đoạn đổi mới, TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%. Những con số này cho thấy, nền kinh tế đã trải qua một giai đoạn cực kỳ cam go. Nhưng làm sao kinh tế TP.HCM không tăng trưởng âm cho được khi trong những tháng giãn cách chỉ có khoảng 2.000 DN, tương đương 0,7% tổng số DN toàn TP hoạt động. Nghĩa là khoảng 99% đơn vị ngừng hoạt động, kéo theo người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng. Mà không chỉ TP.HCM, cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam cũng rơi vào tình trạng này...
Vậy mà thu thuế ở cả 3 khu vực cơ bản là DN nhà nước, tư nhân và nước ngoài đều tăng thì hỏi sao không băn khoăn. Liệu các chính sách thuế đã thu đúng, thu đủ, phù hợp hay chưa? Chính sách thuế có “dưỡng” hay đã tận thu? Bởi có những số thu tăng, nhưng đằng sau nó là sự thiệt thòi của rất nhiều người. Đơn cử như thuế thu nhập cá nhân. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, số thu từ nguồn này chỉ cần 11 tháng đã cán đích cả năm 2021. Thế nhưng, suốt gần 2 năm đối mặt với dịch bệnh, thu nhập giảm thì hàng vạn, hàng triệu người làm công ăn lương lại không được hỗ trợ giãn, giảm thuế dù đã có rất nhiều đề xuất, kiến nghị được đặt ra.
Phía sau những con số, luôn là rất nhiều vấn đề cần được đặt ra. Làm thế nào để nuôi dưỡng nguồn thu, củng cố nội lực của nền kinh tế, thúc đẩy DN làm ăn, tạo công ăn việc làm cho xã hội và từ đó tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách. Chỉ khi đó, nhìn số thu tăng mới hết những băn khoăn.
Bình luận (0)