Những cuộc xuất bản yểu mệnh
Ban đầu Tản Đà lập Tản Đà thư điếm ở Hà Nội năm 1922 để bán sách, chủ yếu là sách của ông, sau phát triển thành Tản Đà thư cục, một đơn vị xuất bản sách của thi sĩ và của nhiều tác giả khác. Nguyễn Công Hoan còn nhớ năm 1922, tập Truyện thế gian của mình được đơn vị này in. Tản Đà thư cục in sách tại nhà in Nghiêm Hàm. Nhìn về sự nghiệp làm sách của vị thi sĩ say sưa, Trương Tửu trong Uống rượu với Tản Đà cảm thán: “Trong công cuộc xuất bản sách và báo, nhà nho Nguyễn Khắc Hiếu chỉ gặp toàn thất bại”.
Tản Đà thư điếm được lập nên để bán sách, Tản Đà thư cục ra đời để xuất bản sách. Nhưng công tác quản lý phong cách thi sĩ của Tản Đà làm cho sự nghiệp xuất bản của ông lận đận. Ngay cả việc lưu chiểu cũng bi hài khi có lần, muốn tái bản cuốn Giấc mộng con của chính mình, Nguyễn Khắc Hiếu phải đăng An Nam tạp chí số 1, ngày 1.7.1926 để nhờ tìm cuốn sách, đổi lại sẽ tặng một năm An Nam tạp chí.
Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư được Ngân Sơn tùng thư xuất bản |
Có nhà xuất bản chưa kịp ra đời, đã lịm ngay từ khi khởi phát ý định. Sau khi ra tạp chí Hữu thanh năm 1921, Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp ái hữu định lập nhà xuất bản là Ích hữu thư xã với ý định “dịch những sách Tân thư của Tầu, của Nhật, để mở mang dân trí”, theo Đời viết văn của tôi. Nguyễn Mạnh Bổng đi kêu gọi các nhà hữu sản góp cổ phần với số tiền 25 đồng một cổ phần. Nguyễn Công Hoan cho biết tiền thì thu được nhiều nhưng nhà xuất bản thì chỉ có trên giấy và không thành hình.
Lưu Trọng Lư cũng có kỷ niệm không vui với nghề này. Năm 1933, Ngân Sơn tùng thư ra đời với tên gọi được lấy theo núi Ngân Sơn ở Quảng Bình nơi Lưu Trọng Lư đang sống. Người sơn nhân của Lưu Trọng Lư được in bởi tùng thư này với lời giới thiệu của Hoài Thanh, khi ấy chưa nổi danh phê bình văn học, mà đang làm chân sửa morasse cho nhà in Đắc Lập. Trong sách, Ngân Sơn tùng thư có “Cùng các bạn độc giả” giới thiệu sẽ xuất bản tiểu thuyết, thi ca, phê bình với mục đích “gây cho độc giả được nhiều tình cảm đẹp đẽ, và một cái quan niệm thâm trầm đối với hết thảy mọi sự vật”. Nhưng rồi, Người sơn nhân thì được bình phẩm tốt đẹp trên mặt báo, chỉ có tùng thư chết yểu (ra thêm được Những nét đan thanh, Quyển đặc biệt về Tết, 1934) khi Lưu Trọng Lư sau đó rời Huế ra Hà Nội.
Mua bản dịch hay, mất vào tay người khác
Nói về mối duyên ngắn ngủi với công việc làm xuất bản, trong Hồi ký song đôi, Huy Cận còn nhớ đã cùng với Xuân Diệu lập nên NXB Huy Xuân. Dạo năm 1939, NXB này đã mua bản dịch Tây sương ký của Nhượng Tống với giá 90 đồng bạc Đông Dương, giá trị hơn 1 tấn gạo lúc ấy. Có bản dịch nhưng NXB chưa in thì năm 1940, chủ NXB Tân Việt là Lê Văn Văng, vốn quen biết 2 nhà thơ, đã mượn bản dịch này với lý do bên Tân Việt cũng có một bản dịch khác, muốn mượn để tra cứu vài chỗ. Tin tưởng bạn, Huy Cận đưa cho mượn.
Bản in đầu cuốn Mái Tây của NXB Tân Việt |
TƯ LIỆU CỦA ĐÌNH BA |
Thế nhưng rồi “mấy tháng sau thấy Tân Việt cho phát hành bản Mái Tây do Nhượng Tống dịch”. Vậy là NXB Huy Xuân mất trắng bản dịch hay về tay người khác. Thật là một kỷ niệm không vui với nghề. Xem về mặt thời gian, thì Mái Tây được Tân Việt xuất bản lần đầu năm 1943, sách in tại nhà in Asiatic, Hà Nội với số lượng 1.000 cuốn chứ không phải khoảng 1940 - 1941 như trí nhớ của tác giả Tràng giang. Nguyễn Đức Chính thì lập NXB mang tên mình, in 1.000 bản truyện dài Nhà ai (1942) hơn 400 trang. Nhưng rồi sách ấy bị ế, NXB Nguyễn Đức Chính dẹp tiệm. Số tiền để lập NXB, là tiền bán căn nhà ở Bắc Giang của người cha làm mục sư.
Trường hợp của Phạm Cao Củng và Lê Tài Phúng (tức nhà báo Lê Tràng Kiều sau này) lại là sự học đòi nổi tiếng sớm. Năm 1932, Phạm Cao Củng tuổi 19, cùng bạn là Lê Tài Phúng mộng làm văn sĩ, đã tập hợp truyện ngắn và xuất bản thành cuốn Hang gió, lấy bút hiệu là Văn Tuyền và Tràng Kiều. Hang gió xuất bản năm 1932, được in ở nhà in Nam Việt ở Nam Định với số lượng 3.000 cuốn.
Hai chàng thanh niên mới lớn lạc quan với mộng tưởng tác phẩm sẽ bán sạch như chùi 2.000 cuốn khi được gửi ở chợ phiên bên hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Số còn lại gửi hiệu sách túc tắc bán. Nhưng giấc Nam Kha chóng tàn, sách được gửi từ Nam Định lên Hà Nội, bán được khoảng 20 cuốn ở chợ phiên. Hai anh chàng sau đó bị nhà in Nam Việt đòi nợ, dọa sẽ đưa việc thiếu tiền in sách ra tòa. Vụ việc sau đó chỉ êm xuôi khi gia đình của 2 văn sĩ vỡ mộng kia chia nhau trả nợ cho 2 ông con. Thất bại ê chề ban đầu là thế, nhưng về sau Phạm Cao Củng thì nổi danh với tiểu thuyết trinh thám, còn Lê Tràng Kiều là một nhà báo có tiếng trong làng báo chương. (còn tiếp)
Bình luận (0)