Để tạo lòng tin, công ty này đã mời nhiều lãnh đạo cấp bộ, tỉnh, sở, ban, ngành tới dự. Tại đây, họ công bố đã trồng 10 ha vườn sâm Ngọc Linh, đồng thời trưng bày hàng trăm sản phẩm được cho là chiết xuất từ sâm Ngọc Linh và đặt tham vọng lớn là đưa sâm Ngọc Linh ra thị trường quốc tế.
Thế nhưng sau đó, các cơ quan chức năng ở Kon Tum đã xác minh làm rõ Công ty sâm Việt Nam không sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh như đã công bố mà công ty này chỉ mua của người dân 550 cây sâm Ngọc Linh rồi gửi lại người dân trồng. Hiện vườn sâm trên đã thu hoạch được khoảng 1.000 hạt và đang tiếp tục gieo tại vườn.
Ngoài ra, việc Công ty sâm Việt Nam mua sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân nào để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thì đến nay vẫn chưa xác định được, do công ty này không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng.
Sau khi sự thật được phanh phui, Công ty sâm Việt Nam đã gửi thông cáo cho UBND tỉnh Kon Tum “đính chính”, đại ý rằng, thông tin sở hữu 10 ha sâm chỉ là nhầm lẫn. Theo tính toán, tổng diện tích rừng trồng các sản phẩm mà đơn vị đã, đang và sẽ triển khai liên kết, hợp tác với các đối tác ước tính khoảng 10 ha.
Việc Công ty sâm Việt Nam đóng cửa, bất hợp tác với lực lượng chức năng tỉnh Kon Tum đã gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Nếu không sở hữu diện tích sâm như công bố, vậy những sản phẩm của công ty có được nguồn gốc ra sao, chiết xuất từ đâu? Các sản phẩm của công ty liệu có thành phần sâm Ngọc Linh như tuyên bố hay chỉ gắn mác để trục lợi? Những câu hỏi này cần phải được nhanh chóng làm rõ.
Thương hiệu sâm Ngọc Linh được xem là “quốc bảo”. Do vậy, để có thể mang thương hiệu này, cần những điều kiện quản lý, kiểm tra chặt chẽ, không thể tùy tiện công bố như câu chuyện nêu trên. Muốn vậy, cơ quan quản lý cần theo dõi, kiểm tra sát hơn nữa. Phía người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo, đừng bỏ tiền ra để mua một sản phẩm không đúng thực chất.
Bình luận (0)