Không chỉ là cầu nối ngôn ngữ, chị Na Rết còn xem họ như người thân, sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện với mong muốn bệnh nhân được chữa trị tốt nhất.
Chị Na Rết quê Trà Vinh, vì là người dân tộc Khmer nên chị biết tiếng Campuchia từ ngày nhỏ. Năm 2006, khi bắt đầu công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài công việc chính là một điều dưỡng, chị còn tham gia hỗ trợ phiên dịch cho các bệnh nhân Campuchia.
Giúp người cũng là giúp mình
Đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào một ngày cuối năm 2024, lượng bệnh nhân và người nhà chăm bệnh dường như quá tải. Đứng từ xa, tôi thấy chị Na Rết vẫn đang tất bật với công việc, hướng dẫn cho các bệnh nhân đến thăm khám.
Trước đây chị Rết là một điều dưỡng viên, về sau được chuyển công tác về Phòng Công tác xã hội của bệnh viện. Theo lời chị, trước đây, khi Bệnh viện Chợ Rẫy chưa có chi nhánh tại Phnom Penh, lượng bệnh nhân Campuchia đến Việt Nam chữa trị rất đông. Do đó các bệnh nhân “ngoại” và cả y bác sĩ đều cần người hỗ trợ thông dịch để quá trình chữa trị diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng.
“Khi các bệnh nhân người Campuchia qua đây thăm khám, đa số họ đều cần phải thuê phiên dịch ở bên ngoài. Tuy nhiên, với nhiều bệnh nhân khó khăn hay các trường hợp khẩn, việc tìm phiên dịch không phải dễ. Biết tôi thông thạo tiếng Campuchia, các anh chị trong bệnh viện cũng có đề xuất tham gia hỗ trợ. Làm lâu năm, thấy công việc này cũng rất ý nghĩa với người bệnh nên tôi duy trì”, chị Na Rết bộc bạch khi tôi hỏi về cơ duyên đến với nghề.

Chị Na Rết đang hướng dẫn cho một bệnh nhân người Campuchia đến thăm khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy
ẢNH: NVCC
Đối với chị Na Rết, công việc phiên dịch không phải là nghề để kiếm thêm thu nhập mà cách chị giúp đỡ những bệnh nhân lúc hoạn nạn. Trong suốt 18 năm làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị chưa bao giờ nhận tiền công từ bất kỳ bệnh nhân Campuchia nào, dù có những lần họ ngỏ ý trả thù lao.
Người phụ nữ tâm sự: “Mỗi lần giúp được cho bệnh nhân, tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, bình an đến lạ. Tôi chưa bao giờ mưu cầu quyền lợi gì cho bản thân mình, cứ nghĩ đó là một phần trách nhiệm. Mình làm vì bệnh nhân, vì bệnh viện chứ không cần tiền bạc, quyền lợi gì cả”.
Có những trường hợp bệnh nhân sau khi khỏe lại quay trở về thăm chị Na Rết, mang tặng chị những món quà quê như khô bò hay đặc sản Campuchia. “Những món quà nhỏ ấy là tình cảm quý giá, tôi luôn trân trọng. Giúp người khác cũng là giúp chính mình”, chị khẳng định.
Bản thân chị Na Rết cũng xem công việc này như cách để tích đức cho bản thân, gia đình. Chị tâm niệm rằng giúp đỡ người bệnh là việc thiện, và biết đâu, một ngày nào đó cha mẹ hay người thân của chị cũng sẽ được những người tốt bụng giúp đỡ.
Chính suy nghĩ tích cực ấy đã nhiều lần giúp chị Na Rết vượt qua những áp lực trong công việc. Đôi khi chị cũng mệt mỏi vì cường độ làm việc cao hay gặp những bệnh nhân cáu gắt, khó tính.
“Tôi luôn cố gắng thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người bệnh để làm việc. Bởi lẽ, bản thân họ không hề có ý xấu, chẳng qua vì bệnh tật đau đớn, mệt mỏi nên khó tránh khỏi những cọc cằn”, chị cười nói.
Mỗi lần phiên dịch xong, nhìn bệnh nhân và bác sĩ đều hài lòng, chị cảm thấy nhẹ nhõm và hạnh phúc. “Giúp được người bệnh, tôi cũng thấy lòng mình thoải mái hơn. Niềm vui nhỏ bé ấy đủ để tôi có thêm động lực gắn bó với công việc”, chị nói.
Học hỏi mỗi ngày để phiên dịch tốt hơn
Dù đã làm công việc phiên dịch tiếng Campuchia nhiều năm nhưng chị Na Rết vẫn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi bản thân mỗi ngày. Chị bộc bạch, thời gian đầu, chị chỉ dịch những câu giao tiếp thông thường giữa bác sĩ và bệnh nhân. Nhưng về sau thì xuất hiện thêm nhiều thuật ngữ y khoa chuyên ngành nên chị phải học thêm trong sách vở hay trao đổi với thầy cô.
Chia sẻ với tôi, chị cho biết mình thường tự mua sách và từ điển về y học để học thêm. Chị ghi chép tỉ mỉ những thuật ngữ phẫu thuật, tên các loại bệnh, cách giải thích dễ hiểu nhất cho bệnh nhân và người nhà.
“Chỉ khi mình hiểu đúng, nói đúng thì mới giúp bệnh nhân nắm rõ tình trạng sức khỏe và quyết định chính xác được,” chị chia sẻ.
“Tôi nghĩ làm nghề gì cũng đòi hỏi bản thân chúng ta phải trau dồi, rèn luyện mỗi ngày. Tôi tuy biết tiếng Campuchia nhưng không có chuyên môn sâu trong y tế, do đó việc nghiên cứu thêm các tài liệu, bài báo, tra từ điển, cập nhật từ ngữ mới là hết sức cần thiết”, chị khẳng định.
Khi tôi hỏi về một kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm nghề, chị xua tay cười nói: “Mỗi ngày đi làm với tôi đều là một kỷ niệm đáng nhớ. Đơn giản vì tôi yêu thích công việc và cảm thấy điều mình làm có ý nghĩa”.
Chị Na Rết kể về một trường hợp bệnh nhân người Campuchia điều trị ở khoa Nội cơ xương khớp. Vì bệnh tình phức tạp nên buộc phải mời bác sĩ ở Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch sang hội chẩn. Tuy nhiên, thông dịch viên lúc đó lại không thể giải thích rõ ràng cho bệnh nhân, dẫn đến nhiều khúc mắc.

Chị Na Rết (áo xanh) hướng dẫn sư và cô bác người Khmer uống thuốc theo toa của bác sĩ trong một dịp chị đi khám tim sàng lọc ở tỉnh Trà Vinh năm 2024
ẢNH: NVCC
Khi được điều đến hỗ trợ, chị Na Rết đã chậm rãi giải thích cho cả người bệnh và người nhà cùng hiểu để bệnh nhân chịu hợp tác điều trị.
Chị nói: “Chuyên môn là quan trọng nhưng cách mình tiếp cận với bệnh nhân cũng quan trọng không kém. Bởi lẽ, khác biệt về ngôn ngữ đã là một rào cản lớn, nếu mình không có cách giải thích khéo léo, tỉ mỉ thì bệnh nhân khó lòng yên tâm. Phiên dịch không chỉ là việc chuyển ngữ đơn thuần mà còn là trách nhiệm giúp bệnh nhân hiểu và tin tưởng vào quyết định điều trị”, chị nói.
Xem công việc phiên dịch tiếng Campuchia như một niềm vui trong cuộc sống, chị Na Rết nói mình sẽ còn làm, còn học hỏi, trau dồi đến khi nào không còn sức mới thôi.
Bản thân chị khi đã làm việc nhiều năm, cảm thấy đây cũng là một công việc có tương lai cho các bạn trẻ biết tiếng Campuchia. Chị chia sẻ, hiện nay, nền y học Việt Nam ngày càng phát triển nên nhu cầu thăm khám của bệnh nhân ngoại cũng ngày càng nhiều.
“Nếu mình biết tiếng Campuchia, mình sẽ có thêm một cơ hội việc làm tốt. Bởi vì khi các bệnh nhân Campuchia sang đây thăm khám, họ sẽ phải thuê phiên dịch ở ngoài với giá cao, đôi khi còn nguy hiểm vì sợ bị lừa gạt. Nếu mình cố gắng trau dồi, làm việc tử tế, đàng hoàng, tôi nghĩ công việc này cũng giúp cho các bạn kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”, chị Rết tâm tình.
Anh Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết chị Na Rết là người duy nhất biết tiếng Campuchia trong Phòng Công tác xã hội nên thường xuyên được điều đi giúp đỡ các bệnh nhân.
Anh Hiển đánh giá, chị Na Rết là người có trách nhiệm cao trong công việc, luôn hết lòng giúp đỡ bệnh nhân của mình.
Bình luận (0)