“Sự hiện diện liên tục của lực lượng dân quân biển Trung Quốc ở khu vực hé lộ ý đồ của họ chiếm thêm (khu vực ở Biển Đông)”, Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh trong tuyên bố hôm nay 4.4, theo Reuters.
Đó là tuyên bố mạnh mẽ thứ 2 của Bộ trưởng Lorenzana trong 2 ngày liên tiếp khi ông lặp lại yêu cầu của Manila là tàu Trung Quốc phải rời khỏi đá Ba Đầu trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trong tuyên bố ngày 3.4, ông Lorenzana cho biết Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên “có rất nhiều điều phải giải thích” về sự hiện diện của khoảng 220 tàu Trung Quốc bị cho là tàu dân binh gần đá Ba Đầu từ ngày 7.3, theo tờ Philppine Daily Inquirer.
“Hiện vẫn còn 44 tàu Trung Quốc đang ở đá Ba Đầu. Tôi không phải là kẻ ngốc. Đến nay, thời tiết trong khu vực rất tốt nên họ không có bất kỳ lý do gì để ở lại đó. Những chiếc tàu này phải rút khỏi đó", ông Lorenzana nhấn mạnh.
Đáp lại tuyên bố này của ông Lorenzana, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines hôm 3.4 tiếp tục khẳng định những tàu neo đậu ở đá Ba Đầu là tàu cá, không phải tàu dân binh và ngang nhiên tuyên bố vùng biển xung quanh đá Ba Đầu là ngư trường truyền thống đối với ngư dân Trung Quốc trong nhiều năm, theo Đài ABS-CBN News.
Trước đó, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22.3 khẳng định hàng trăm “tàu cá” tập trung ở đá Ba Đầu là để “tránh thời tiết xấu”.
|
Chiều 25.3, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự hiện diện thường xuyên của hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc tại khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như việc phía Philippines gần đây lên tiếng về sự kiện này và yêu sách chủ quyền với khu vực trên.
Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hơp với luật pháp quốc tế.
Là quốc gia ven biển và thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước.
Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển.
Bình luận (0)