Năm 2021, Philippines tiếp tục tăng cường các khả năng cho hải quân. Mới đây nhất vào cuối tháng 12.2021, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã ký một hợp đồng mua 2 khinh hạm trị giá 28 tỉ peso (hơn 12.500 tỉ đồng) với Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai (HHI) của Hàn Quốc, theo tờ Philippine Daily Inquirer.
Khí tài quan trọng
Theo thỏa thuận nói trên, HHI sẽ đóng cho hải quân Philippines 2 khinh hạm có lượng giãn nước 3.200 tấn, chiều dài 116 m và vận tốc tối đa hơn 46 km/giờ, được trang bị hệ thống 16 ống phóng tên lửa thẳng đứng, pháo cận chiến, pháo 76 mm và 2 bệ phóng ngư lôi. Hai chiến hạm này, dự kiến được bàn giao vào năm 2026, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Mô hình khinh hạm HHI sẽ đóng cho hải quân Philippines |
Dailysabah.com |
Phát ngôn viên Lực lượng vũ trang Philippines Ramon Zagala cho rằng 2 khinh hạm do HHI đóng “chắc chắn cải thiện khả năng của hải quân trong lĩnh vực phòng không, chống tàu ngầm và tác chiến điện tử”. Tương tự, nhà bình luận quân sự Max Montero, từng là sĩ quan trong hải quân Philippines, nhận định 2 chiến hạm mới sẽ giúp nâng cao các khả năng của hải quân Philippines, được tối ưu hóa cho các chiến dịch tác chiến trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Chuẩn đô đốc Philippines về hưu Rommel Jude Ong cũng cho rằng 2 khinh hạm mới sẽ là “khí tài quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích hàng hải ở biển Tây Philippines nói riêng và dọc EEZ của chúng tôi nói chung”, theo SCMP. Biển Tây Philippines là vùng biển ở Biển Đông mà chính phủ Philippines tuyên bố thuộc EEZ của nước này. Trong năm 2021, Manila đã gửi ít nhất 183 công hàm phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, theo CNN dẫn dữ liệu từ Bộ Ngoại giao Philippines.
Vẫn phụ thuộc vào đồng minh ?
Hợp đồng đóng 2 khinh hạm với HHI là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa hải quân của Philippines.
Tàu hộ vệ BRP Antonio Luna của Philippines trong lễ triển khai tuần tra ở Biển Đông hồi tháng 6.2021 |
TWITTTER@FMANGOSINGINQ |
Hồi tháng 3.2021, Philippines đã đưa vào biên chế tàu hộ vệ BRP Antonio Luna, cho thấy dù chống chọi với Covid-19, hải quân Philippines vẫn tiếp tục nỗ lực nâng cao các khả năng để bảo vệ vùng biển nước này, theo Hãng thông tấn PNA.
Tàu BRP Antonio Luna là chiếc thứ 2 thuộc tàu hộ vệ lớp Jose Rizal do HHI cung cấp theo hợp đồng đóng 2 chiếc với tổng trị giá hơn 300 triệu USD được ký trong năm 2016. Lớp chiến hạm này có độ choán nước khoảng 2.600 tấn, tích hợp nhiều công nghệ điện tử và được trang bị các loại vũ khí như: pháo OTO Melara 76 mm, pháo Aselsan SMASH 30 mm, pháo cận chiến, ống phóng tên lửa chống tàu chiến, 8 ống phóng tên lửa thẳng đứng, hệ thống tên lửa đối không…
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hồi tháng trước đã thông báo chính phủ nước này sẽ mua 6 tàu tuần tra xa bờ do Úc đóng.
Nhà bình luận Custodio cho rằng hải quân Philippines đang trong quá trình chuyển tiếp vì đã cho tất cả tàu thời Thế chiến 2 (do Mỹ tặng) “về hưu” và bây giờ có chưa tới 10 tàu chiến nổi cỡ lớn, trong khi số còn lại là tàu vận tải và tàu tấn công nhỏ.
“Khinh hạm được xem là nhỏ nhất trong loại chiến hạm nhỏ và vì Trung Quốc sẽ luôn hơn hẳn Philippines về mặt khí tài, Philippines sẽ phải phụ thuộc nhiều vào mối quan hệ chiến lược với các đồng minh. Với nhiều tàu chiến hơn, chúng ta ít nhất có thể đóng một vai trò đáng tin cậy trong việc đảm bảo khu vực này nằm trong sự hợp tác với các đối tác”, ông Custodio nhận định.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay việc mua 2 khinh hạm từ HHI sẽ “đảm bảo sự tương đồng và khả năng tương tác với các khí tài hiện có của chúng tôi” cũng như “dễ bảo trì”. Hai tàu chiến mới có sự cải tiến từ thiết kế của tàu hộ vệ lớp Jose Rizal mà HHI đã bàn giao cho hải quân Philippines, theo chuẩn đô đốc về hưu Rommel Jude Ong. Giới phân tích còn cho rằng quyết định của chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mua khinh hạm mới từ Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi việc Seoul tặng chiếc khinh hạm lớp Pohang đã loại biên cho Manila vào năm 2019, theo SCMP.
Bình luận (0)