Philippines điều tra vụ Trung Quốc lấy cát Philippines xây đảo ở Biển Đông

27/08/2016 11:06 GMT+7

Thượng viện Philippines sẽ điều tra vụ khai thác đất, đá được cho là qui mô lớn và cực kỳ nguy hiểm, rồi tuồn cho Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông, Manila Times cho hay hôm 26.8.

Vụ điều tra do Ủy ban thượng viện về trách nhiệm của công chức - hay còn gọi là Ban ruy băng xanh - tiến hành vào tuần tới. Thượng nghị sĩ Richard Gordon sẽ dẫn đầu cuộc điều tra đối với hoạt động “khai thác phá hoại quốc gia” này.
"Cần qui trách nhiệm đối với những cá nhân đứng đằng sau hành vi cực kỳ bất thường, bất hợp pháp và nguy hiểm này vì không chỉ phá hoại môi trường mà còn nhạo báng pháp luật của chúng ta”, Sun Star dẫn lời thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, người đã kiến nghị mở cuộc điều tra.
Chưa có số liệu về lượng đất, đá khai thác cung cấp cho Trung Quốc, tuy nhiên thượng nghị sĩ Lacson nói rằng ông nhận được báo cáo về hoạt động khai thác mà theo ông là đã “sang phẳng” nhiều núi đồi ở thị trấn Santa Cruz, tỉnh Zambales.
Báo cáo dẫn phát biểu của Thống đốc Zambales, ông Amor Deloso nói rằng đất đá được lấy từ các khu vực này, sau dó “vận chuyển cho phía Trung Quốc để xây dựng 3.500 ha đảo nhân tạo ở biển Tây Philippines, hoạt động gây ra thiệt hại không kể xiết đối với môi trường biển". Philippines gọi Biển Đông là biển Tây Philippines.
Thượng nghị sĩ Lacson cho rằng cuộc điều tra cần tập trung vào việc đánh giá mức độ thiệt hại trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục, đồng thời phải lên tiếng và xử lý hành vi vi phạm an ninh quốc gia.
Năm 2011, cựu thống đốc Zambales, ông Hermogenes Ebdane Jr. cấp phép khai thác khoáng sản cho một công ty, và với giấy phép này công ty thực hiện nhiều hoạt động khai thác phi pháp từ nguồn tài nguyên của tỉnh. Năm 2015, thanh tra Philippines phát hiện những sai phạm của ông Ebdane và buộc tội ông về hành vi tham nhũng, cố ý làm trái những qui định nhà nước và trộm cắp tài nguyên khoáng sản.
Thượng viện Philippines sẽ có buổi điều trần vào cuối tháng 8.2016 dưới sự chủ trì của Ban ruy băng xanh và Ủy ban về môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Trước đó, chính phủ Philippines đã chỉ đạo thành lập một lực lượng đặc nhiệm để xem xét vụ “sang phẳng” núi.
Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng 7 đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận đảo nhân tạo cũng như hoạt động xây dựng phi pháp được đánh giá nguy hại đến môi trường biển này của Bắc Kinh. Hồi tháng 7.2016, theo đơn kiện của Philippines, Toà trọng tài ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.