Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang ở mức 537 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 39 USD, cao hơn gạo Ấn Độ 49 USD và Pakistan 56 USD. So với thời điểm trước khi Ấn Độ mở kho gạo vào ngày 28.9, giá gạo Thái Lan giảm khoảng 60 USD và Pakistan giảm 50 USD, Việt Nam giảm 25 USD.
Gạo Việt Nam chỉ bị tác động nhẹ so với các nguồn cung khác do khách hàng lớn nhất là Philippines có nhu cầu tiêu thụ mạnh.
Theo Cơ quan Thống kê Philippines, nước này đã sản xuất được 8,53 tấn lúa trong nửa đầu năm nay, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này khiến lượng gạo nhập khẩu trong 9 tháng của năm 2024 tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt tới 3,28 triệu tấn. Việt Nam vẫn là nước cung cấp gạo hàng đầu cho Philippines với số lượng lên đến trên 2,6 triệu tấn, Thái Lan trên 416.000 tấn, Pakistan 157.000 tấn và Ấn Độ gần 77.000 tấn.
Số liệu thống kê của Philippines cho thấy, lượng gạo nhập khẩu của nước này thấp kỷ lục trong tháng 7, do các doanh nghiệp chờ đợi luật thuế nhập khẩu gạo mới có hiệu lực. Sau khi chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo có hiệu lực (từ 35% xuống còn 15%), lượng gạo nhập khẩu trong tháng 8 và 9 tăng mạnh. Cụ thể, trong tháng 9, cơ quan chức năng Philippines đã cấp 1.132 giấy phép nhập khẩu gạo với sản lượng lên tới trên 886.000 tấn. Chỉ riêng 3 ngày đầu tháng 10, con số giấy phép nhập khẩu gạo được cấp là 204 và lượng gạo được cấp phép là 163.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm 2024 sẽ đạt mức kỷ lục là 4,7 triệu tấn. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm nay Philippines sẽ cần nhập khẩu thêm khoảng 1,4 triệu tấn gạo. "Trong năm 2025, Philippines tiếp tục sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng dự báo có thể lên tới 4,9 triệu tấn", USDA cho biết.
Bình luận (0)