Hôm qua (27.2), Đài GMA dẫn lời Tổng thống Philippines, phát biểu trong một sự kiện diễn ra cùng ngày, cho biết lực lượng vũ trang nước này phải thay đổi trong bối cảnh tình hình phức tạp ở Biển Đông và sự cạnh tranh khốc liệt của các siêu cường.
Cùng ngày, tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin Thủy quân lục chiến Philippines (PMC) đang xem xét sử dụng khu đất rộng 10 ha trên đảo Lubang thuộc tỉnh Occidental Mindoro, hướng ra Biển Đông, làm cứ điểm quan trọng trong "chiến lược phòng thủ bờ biển" của quân đội nước này trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Khu đất trên được chính quyền Lubang chuyển cho phía quân đội sử dụng.
Thay đổi chiến thuật
Không chỉ củng cố về quân sự, Philippines còn đổi mới trong cách thức hoạt động của lực lượng tuần duyên nước này (PCG) ở Biển Đông. Ngày 25.2, thông tin đến giới truyền thông, phát ngôn viên PCG Jay Tarriela cho biết Philippines sẽ công khai tất cả hành vi gây quan ngại của Trung Quốc trên Biển Đông, thay vì chủ yếu phản đối qua đường ngoại giao như trước đây.
Tờ Philippine Daily Inquirer dẫn lời ông Tarriela khẳng định: "Để Trung Quốc thay đổi thái độ ứng xử, chúng tôi đã quyết định rằng tất cả những hành vi bắt nạt, hung hăng của Trung Quốc sẽ được công bố công khai". Ông giải thích thêm: "Nếu chúng tôi chỉ phản đối qua đường ngoại giao, đôi khi họ chỉ im lặng. Nhưng mỗi lần chúng ta công khai là lúc họ lại đứng ra giải thích, thanh minh. Nên tôi nghĩ chúng tôi đang đi đúng hướng".
Giữa tháng 2, PCG đã công bố nhiều hình ảnh và tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu laser cấp độ quân sự vào tàu BRP Malapascua của PCG trên Biển Đông. Không chỉ công khai vụ việc, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ sau khi nước này triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Manila Hoàng Khê Liên để phản đối. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn cho rằng hải cảnh Trung Quốc "hành động theo luật pháp".
Nhận xét khi trả lời Thanh Niên về vụ chiếu laser trên, PGS Kei Koga (Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công - Trường Khoa học xã hội - Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) đánh giá: "Philippines đã có phản ứng mạnh mẽ liên quan cáo buộc hải cảnh Trung Quốc chiếu "laser cấp độ quân sự" về phía các tàu của PCG ở Biển Đông. Manila dường như phản ứng nhanh hơn và thực chất hơn đối với hành động của Bắc Kinh ở vùng biển này".
Thách thức cả chiến lược vùng xám của Trung Quốc
Cũng liên quan đến PCG, ngày 20.2, Reuters đưa tin Mỹ và Philippines đang thảo luận về việc tiến hành tuần tra chung giữa lực lượng tuần duyên 2 nước, trong đó có khu vực Biển Đông. Về vấn đề này, ông Tarriela đã thông tin việc đối thoại với Washington đã bước qua giai đoạn sơ bộ và khả năng tiến hành tuần tra chung là cao.
Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) phân tích: "Thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu là thách thức thực thi pháp luật. Vì vậy, việc tuần duyên Mỹ, cơ quan thực thi pháp luật hàng hải và cứu hộ của nước này, phối hợp cùng các quốc gia Đông Nam Á là hoàn toàn hợp lý". Theo TS Holmes, Bắc Kinh thời gian qua áp dụng chiến lược vùng xám bao phủ sức mạnh quân sự kết hợp cùng mũi nhọn hải cảnh ở Biển Đông, sẵn sàng leo thang căng thẳng bằng cách điều lực lượng hải quân. Qua đó, Bắc Kinh có thể chọn lựa cách thức gia tăng áp lực bằng ngoại giao hay quân sự. Cụ thể hơn, với lực lượng hải cảnh hùng mạnh hơn, Trung Quốc có thể chiếm ưu thế và nếu các bên khác sử dụng quân đội để ứng phó thì Bắc Kinh sẽ lấy cớ điều động quân đội tiếp ứng.
"Tuy nhiên, nếu tuần duyên Mỹ và Philippines tuần tra chung sẽ đặt Trung Quốc vào tình thế tiến thoái lưỡng nan", vị chuyên gia phân tích. Bởi khi lực lượng tuần duyên của các bên phối hợp mạnh mẽ thì hải cảnh Trung Quốc không dễ dàng áp đặt mà lại không có lý do để điều động hải quân.
Chính vì vậy, cách thức trên của Philippines và đồng minh có thể phá thế đối với chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông.
Philippines được đào tạo vận hành tên lửa siêu thanh BrahMos
Truyền thông Ấn Độ đưa tin nước này vừa hoàn thành khóa đào tạo cho 21 thành viên của quân đội Philippines vận hành tên lửa hành trình BrahMos. Khóa huấn luyện tập trung hoạt động và bảo trì một số gói hậu cần quan trọng nhất của Hệ thống tên lửa chống hạm căn cứ trên bờ (SBASMS) sử dụng tên lửa BrahMos. Đầu năm 2022, Manila và New Delhi ký kết thỏa thuận Ấn Độ cung cấp 3 khẩu đội tên lửa Brahmos trên bờ cho Philippines. Thỏa thuận có tổng trị giá khoảng 375 triệu USD, bao gồm cả việc đào tạo và bảo trì.
BrahMos là tên lửa hành trình chống hạm có thể đạt tốc độ lên đến gấp 3 lần vận tốc âm thanh và đạt tầm bắn tối đa gần 300 km. BrahMos có thể được phóng từ đất liền, tàu chiến, máy bay và dùng để tấn công tàu chiến hoặc mục tiêu trên mặt đất.
Bình luận (0)