Bị quay trộm tức thì
Ra rạp ngày 30.12.2016, Chạy đi rồi tính đã bị quay trộm ngay hôm đó. Biên bản của Lotte Vũng Tàu, TP.Vũng Tàu cho thấy nữ khán giả N.T.N.A (16 tuổi) đã quay phim rồi phát trực tiếp trên Facebook cá nhân. Hôm sau, một trường hợp quay trộm khác lại bị phát hiện và khoảng 30 phút đầu của bộ phim này đã được phát trên Facebook. Chưa hết, ngày 2.1.2017, thêm một trường hợp livestream phim Chạy đi rồi tính bị phát hiện. “Bạn bè của những người đó lên mạng xem, rồi bàn tán là phim vui quá, phim hay quá. Không ai phản đối việc quay trộm cả”, đạo diễn phim Chạy đi rồi tính Nam Cito nói.
Bộ phim ra rạp đầu tay của Nam Cito và Bảo Nhân Gái già lắm chiêu cũng đã bị quay và đăng trên mạng. “Chúng tôi có báo để YouTube gỡ bỏ nhưng những người quay lén còn đưa phim lên những mạng khác. Tới khi chúng tôi mang phim này qua Mỹ chiếu cũng không lời nhiều vì bên đó họ đã tìm xem online rồi”, Nam Cito chia sẻ.
Ngay khi phim hoạt hình Mỹ Hành trình của Moana đang còn chiếu rạp vào cuối năm 2016, trên mạng đã có bản phim này. Tuy chất lượng hình ảnh xấu song người xem vẫn phải xem quảng cáo trước khi thưởng thức phim, điều đó chứng tỏ trang mạng thu được tiền từ bộ phim này. Đặc biệt, phiên bản đó có thuyết minh tiếng Việt cho thấy nó được quay tại rạp Việt.
|
Chỉ xử lý hành chính
Ông Lê Quang Lộc (Hãng phim BHD) cho biết việc xử lý vi phạm mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính: “Cho tới giờ chúng tôi chưa thấy vụ nào khởi tố hình sự mà mới chỉ xử lý hành chính thôi. Những người vi phạm cũng xin là đã xóa rồi, chứ họ cũng không tiếp tục phát tán”.
Nhà sản xuất - đạo diễn Ngô Thanh Vân đã chia sẻ về câu chuyện gây thiệt hại cho phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể: “Một bạn gái trẻ xem phim tại rạp ở Q.7, TP.HCM đã bật chế độ livestream toàn bộ nội dung phim lên Facebook cá nhân. May mắn là công ty của tôi và Hãng phim BHD đã kịp thời phát hiện ra. Chúng tôi liên hệ với quản lý rạp chiếu phim mời bạn nữ ra ngoài làm việc, yêu cầu gỡ bỏ đoạn video đó. Đồng thời lập biên bản xử lý tại cụm rạp, chụp hình có che mặt người vi phạm đăng lên fanpage của phim mà không đề nghị cơ quan chức năng khởi tố. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền khác nếu có”.
Cuối năm 2016, phim Yêu chỉ mới ra rạp được 2 ngày đã bị quay trộm và phát tán trên mạng. Nhà sản xuất phim là ông Martin Nguyễn cho biết: “Tôi phát hiện phim bị một cậu tên Văn Phước (dựa theo tài khoản trên mạng) quay lén tung lên YouTube từ đầu đến cuối phim. Tôi đã phải tức tốc liên hệ với trụ sở YouTube Đông Nam Á đặt tại Singapore để yêu cầu gỡ bỏ những thước phim này và họ đã gỡ ngay sau khi xác minh”.
Luật sư Cẩm Tú, đại diện của Hiệp hội điện ảnh Mỹ MPA tại VN, cho biết năm ngoái bà cũng xử lý một vụ bắt quả tang khán giả quay trộm trong rạp CGV bằng một thiết bị chuyên dụng được giấu trong ba lô, điều khiển từ xa. Bà Cẩm Tú cho biết vụ việc đó cũng chỉ phạt hành chính mà không thể xử lý hình sự, do mới chỉ có hành vi quay trộm chứ chưa có hành vi phát tán phim, gây hậu quả ở quy mô thương mại.
Theo luật sư Trần Tám, Hội Doanh nhân sáng tạo, muốn bảo đảm việc xử phạt vi phạm pháp luật, các rạp nên chủ động liên hệ với các văn phòng thừa phát lại để có thể hỗ trợ lập vi bằng, có nghĩa là lập văn bản xác nhận vi phạm pháp luật. “Xử lý vi phạm thì rạp vẫn xử lý. Còn chủ sở hữu phim có thể yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính hay kiện người đó ra tòa vì xâm phạm sở hữu trí tuệ”, bà Tám cho biết. Bà Tám nói thêm, các hệ thống rạp có thể liên kết với nhau để cấm các khán giả đã vi phạm không được vào rạp trong thời gian nhất định.
Về trường hợp của phim Chạy đi rồi tính, theo bà Tú hiện cũng có khả năng chứng minh bộ phim đã bị thiệt hại trên quy mô thương mại. Chẳng hạn dựa vào lượt xem các bản phim đã bị đưa lên mạng trái phép. Điều này là cơ sở để xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.
Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, nói: “Để ngăn chặn hành vi sao chép lậu này, phải tăng mức phạt tiền và thậm chí giam giữ. Đây cũng là cách cảnh tỉnh những người quay lén có thể vì vô ý thức và không biết họ đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho những người sản xuất cũng như sự phát triển của cả nền điện ảnh”.
Luật sư Trương Hữu Huy (Công ty luật YKVN, TP.HCM) cho biết: “Nếu chủ thể sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 170a bộ luật Hình sự, bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
|
Tòa án liên bang California (Mỹ) tháng 9.2016 tuyên phạt William Kyle Morarity (31 tuổi), sinh sống tại Lancaster, bang California số tiền 1,12 triệu USD cùng án 8 tháng quản thúc tại nhà riêng, 24 tháng thử thách vì tung phim The Revenant (Người về từ cõi chết) và The Peanuts Movie (Snoopy) trái phép lên mạng vào năm 2015, theo báo Variety (Mỹ). Chỉ trong chưa đầy một tuần lễ, đã có hơn 1 triệu người tải về 2 bộ phim, khiến Hãng 20th Century Fox thiệt hại trên 1 triệu USD. Morarity đã thừa nhận tung 2 phim trên lên mạng internet trong hai ngày 17 và 19.12.2015.
Ngày 22.8.2014, tờ The Independent (Anh) đưa tin Philip Danks (25 tuổi) đến từ West Midlands (Anh) đã bị tòa kết án 33 tháng tù giam vì tội quay lén phim rồi tung lên mạng. Trước đó, ngày 17.5.2013, khi bộ phim bom tấn của Hollywood Fast and Furious 6 (Quá nhanh, quá nguy hiểm 6) khởi chiếu ở Anh, Philip Danks đã quay lén toàn bộ rồi đăng phim này trên mạng. Bộ phim được hơn 700.000 lượt tải về và theo lời khai của Danks thì anh ta đã rao bán trên facebook giá 2,5 USD cho mỗi DVD copy bộ phim, thu được hơn 1.600 USD. Danks bị bắt ngày 23.5.2013. Hãng phát hành Fast and Furious 6 là Universal Pictures đã chứng minh trước tòa mức thiệt hại họ phải chịu là 3,8 triệu USD khi Danks tung phim này lên mạng. Cùng với Philip, một người đàn ông khác là Michael Bell cũng bị phạt 120 giờ lao động công ích do liên quan đến vụ vi phạm bản quyền này vì đã giúp Danks trong quá trình đăng tải bộ phim lên mạng. Đ.T
|
Bình luận (0)