Mới đây, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng tỏ ra bức xúc trước vấn nạn phim Chị chị em em 2 bị rò rỉ tràn lan trên mạng. Chưa đầy 2 ngày công chiếu nhưng rất nhiều trích đoạn quan trọng của phim đã bị quay lén và tung lên TikTok, thu hút lượng xem "khủng".
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết phía nhà sản xuất và phát hành đã liên hệ với TikTok để yêu cầu gỡ các clip bị quay lén |
ĐPCC |
Trước đó, trao đổi với Thanh Niên, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: “Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần tôi, bởi con mình sinh ra lại được đem “khoe” không đúng tiêu chuẩn, định dạng và quá xấu xí. Những lời kêu gọi xem phim có ý thức và văn minh hầu như không có tác dụng. Luật đã có quy định về việc vi phạm quyền sao chép tác phẩm nhưng tôi thấy chưa ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị phạt hành chính quá nhẹ, không đủ để răn đe. Trong khi thiệt hại của các nhà làm phim có thể lên tới vài chục, vài trăm tỉ đồng. Tôi hoàn toàn bất lực".
Vậy pháp luật quy định sao về trường hợp trên?
Chia sẻ với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Tiến Hiểu (Văn phòng luật sư Đại Quốc Việt, Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định, phim Chị chị em em 2 bị quay lén, rồi đưa lên mạng xã hội là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Tại Điều 28 luật sở hữu trí tuệ, các hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (trừ trường hợp tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân và sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu) là xâm phạm quyền tác giả.
“Quay lén tác phẩm điện ảnh và truyền tải lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật”, luật sư Tiến Hiểu nhấn mạnh. Để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, tại rạp chiếu phim đều cảnh báo không được phép quay phim, chụp ảnh. Do đó, nếu người xem vi phạm, sẽ tùy vào tính chất, mức độ mà người sao chép sẽ bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phim này mới khởi chiếu chưa đầy 3 ngày đã bị quay lén và tuồn tràn lan lên mạng |
ĐPCC |
Đồng tình với luật sư Tiến Hiểu, TS. Nguyễn Hữu Thế Trạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV An Pha Na – Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm, trường hợp người vi phạm chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 27 Nghị định 131 năm 2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan).
Theo đó, người vi phạm là cá nhân có thể bị phạt hành chính lên đến 35 triệu đồng, nếu là tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi và buộc phải gỡ bỏ các bản quay lén hoặc buộc bị tiêu hủy toàn bộ tang vật do vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, người nào sao chép tác phẩm mà chưa có sự cho phép của tác giả có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật hình sự). Nếu thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
“Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân hoặc tổ chức nào đó thì người bị xâm phạm cần phải có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý”, luật sư Lê Văn Hoan (Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Lê Văn, Đoàn luật sư TP.HCM) nói.
Cũng theo luật sư Hoan, nếu mức độ vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị xâm phạm không khởi kiện đối tượng vi phạm ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền (thanh tra thông tin và truyền thông, thanh tra văn hóa thể thao và du lịch, công an nhân dân, UBND cấp huyện và cấp tỉnh…) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu người đến rạp xem phim cho dù chỉ quay 1 đoạn clip rất ngắn, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội với suy nghĩ đơn thuần để khoe với bạn bè, cũng bị xem là vi phạm pháp luật do nhận thức hạn chế. Thế nhưng, cũng không ít các đối tượng cố tình “trục lợi” từ việc vi phạm bản quyền. Việc làm này gây thiệt hại không hề nhỏ đến doanh thu của các tác phẩm điện ảnh. Vì thế các cơ quan có thẩm quyền phải quyết liệt xử lý để tránh tình trạng tiếp tục tái diễn.
Để hạn chế việc người xem vi phạm bản quyền, rạp chiếu phim nên đưa thêm những quy định của pháp luật về hành vi quay lén và gắn bảng nội quy ở những nơi người xem phim dễ dàng nhận biết.
Hàng loạt các trích đoạn phim bị "leak" trên TikTok với lượng xem khủng |
CHỤP MÀN HÌNH - TNO |
Luật sư Trần Văn Trí (Managing Partner - FUJILAW) lưu ý thêm, khi phim được công chiếu ở rạp là đã đến công đoạn “phổ biến phim”, tức đưa phim đến người xem.
Thông thường, việc phổ biến sẽ không do nhà sản xuất (chủ sở hữu) tiến hành trực tiếp mà gián tiếp chuyển giao quyền cho chủ sở hữu rạp, hệ thống truyền hình, không gian mạng (gọi là chủ thể phổ biến phim). Vì vậy quyền của nhà sản xuất khi này sẽ được ghi nhận trong các hợp đồng.
“Các chủ thể phổ biến phim thường sẽ chủ động xử lý các hành vi sao chép hay phổ biến bất hợp pháp. Tuy nhiên, theo tôi, nhà sản xuất nên bảo lưu quyền này để chủ động xử lý khi cần thiết, tránh việc bị “cạn quyền” khi giao quyền xử lý cho chủ thể phổ biến phim và mình lại lệ thuộc vào họ một cách bị động”, luật sư Trí nêu.
Vũ Ngọc Đãng, Minh Hằng bức xúc khi 'Chị chị em em 2' bị quay lén |
Chị chị em em 2 là một trong hai tác phẩm điện ảnh gia nhập đường đua phim Tết Quý Mão 2023. Bộ phim gây chú ý khi nội dung được lấy cảm hứng từ giai thoại Ba Trà, Tư Nhị, hai mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn một thời. Chị chị em em 2 cũng đánh dấu lần đầu hợp tác trên màn ảnh rộng của Minh Hằng và Ngọc Trinh. Chính thức "trình làng" khán giả từ mùng 1 tết (22.1.2023) và vẫn đang được tiếp tục chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc.
Như Võ
Bình luận (0)