Chuyện quảng cáo sản phẩm "chen" vào nội dung phim để trả quyền lợi cho nhãn hàng không còn lạ, nhưng có phim được "lồng ghép" tự nhiên, và vẫn còn không ít trường hợp "quá phô" khi sản phẩm bỗng dưng xuất hiện vô duyên trong khung hình. Thậm chí có những đoạn phim được cài cắm lời thoại để các nhân vật xuất hiện chỉ nhằm quảng cáo cho một sản phẩm khiến câu chuyện khiên cưỡng, đôi khi chả ăn nhập gì.
Trong tập 51 của phim chiếu giờ vàng Đi giữa trời rực rỡ, cảnh Pu mời Tả đến phòng ăn của khu trọ để dùng bữa với mục đích hỏi thăm tình hình của Chải. Nhưng trong gần 2 phút trò chuyện của 2 nhân vật này, hình ảnh chai nước mắm của một hãng khá nổi trở thành "nhân vật chính". Đây là cảnh được cho là không cần thiết! Chưa hết, ở những tập phim trước đó của Đi giữa trời rực rỡ, có đoạn Thái chở Pu đến một siêu thị chỉ để mua chai nước mắm nữ chính thích với những câu thoại "PR hơi lộ' - khen loại nước mắm này ngon, chất lượng… Ở tập mới nhất của Đi giữa trời rực rỡ, chai nước mắm lại xuất hiện trong cảnh Lê và Quang ăn cơm cùng nhau.
Nhiều khán giả tỏ ra bức xúc khi cho rằng phim chiếu giờ vàng chưa tới 30 phút mỗi tập nhưng phần quảng cáo được cài cắm vào quá "lố": "Quảng cáo nhãn hàng lộ quá. Như đang xem quảng cáo chứ không phải xem phim"; "Quảng cáo nước mắm mấy tập liền rồi. Tập nào cũng quảng cáo nước mắm, phim gì vậy trời"; "Chai nước mắm trở thành nhân vật chính lúc nào thế"; "Phim nhạt quá, giờ thêm nước mắm vào nhiều cho mặn lên à?"...
Việc quảng cáo sản phẩm trong phim, căn cứ điều 26 Luật Điện ảnh 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) quy định: quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong phim nếu tuân thủ đúng pháp luật, có giấy phép về chất lượng sản phẩm thì đều không cấm. Song dù là phim chiếu trên sóng miễn phí cho hàng triệu khán giả thì người làm phim cũng đừng nên bỏ qua tâm lý "bội thực vì quảng cáo", bởi khán giả truyền hình rất dễ chuyển kênh và bỏ theo dõi phim nếu thấy "tuột cảm xúc".
"Quảng cáo bựa quá, lố quá thể, hãy làm nó một tự nhiên hơn được không"; "Diễn quảng cáo gây khó chịu cho người xem quá. Đạo diễn nên học hỏi phim Hàn. Họ quảng cáo trong phim nhưng dễ chịu lắm"..., nhiều ý kiến của khán giả góp ý sau những tập vừa qua của Đi giữa trời rực rỡ.
Ai làm phim lại chẳng mong có nhiều quảng cáo càng tốt, nhưng người làm phim, nhất là khâu biên kịch, nên "cài cắm" sao cho hợp lý, tự nhiên và duyên dáng, tinh tế để tránh làm giảm giá trị bộ phim chỉ vì "nhân vật gây xốn mắt". Khi đó, tưởng là quảng cáo nhưng có khi lại gây tác dụng ngược.
Bình luận (0)