Đoàn làm phim Cô gái nhà người ta mong muốn khắc họa bức tranh nông thôn muôn hình muôn vẻ, với những nền nếp sinh hoạt và thói quen của người nông dân.
Ở đó có cả những vất vả, cần cù, lẫn thói sĩ diện, háo danh, những thật thà, dễ tính đến u mê, lạc lối khi thời cuộc hay đổi. Ở đó, còn có cả một bộ phận không nhỏ những con người vì quyền lợi riêng mà bị tha hóa, bất chấp luật pháp để làm giàu cho mình, và một lứa thanh niên dám đứng lên chống lại bất công xã hội…
|
Lựa chọn những vấn đề nghiêm túc, nhưng Cô gái nhà người ta được đạo diễn Trịnh Lê Phong thực hiện với cách tiếp cận và cách kể nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Đây cũng là phong cách quen thuộc của anh trong nhiều bộ phim đã thực hiện trước đây như Ghét thì yêu thôi, Yêu thì ghét thôi…
Bộ phim xoay quay “tổ hợp thanh niên” rắc rối là Khoa, Cân, Viện, nhưng lại lấy tên là Cô gái nhà người ta. Thắc mắc với Trịnh Lê Phong vì sao bộ phim có tên như vậy, đạo diễn cười cho hay: “Cái tên Cô gái nhà người ta có nghĩa chắc chắn không phải cô gái nhà mình rồi, khi xem mọi người sẽ nói xem cô gái nhà người ta đi. Nói vui vậy thôi, chứ cái tên này để thu hút khán giả vì gợi sự tò mò. Nói xem phim Cô gái nhà người ta, người ta sẽ thấy thích hơn là xem Anh chàng nhà người ta. Mà nhân vật nữ lại rất xinh đẹp nữa”.
Phim lấy bối cảnh ở làng quê, bởi vậy có nhiều câu chuyện hậu trường hài hước mà chỉ ở nông thôn mới có. Chẳng hạn như cảnh trong cảnh quay Viễn (diễn viên Quang Trọng đóng), chàng thanh niên làm nghề phối giống lợn đang làm việc ở một chuồng lợn. Không hiểu sao mà những chú lợn ở đây lại “quý” Quang Trọng đến thế, chúng bâu lấy anh khiến nam diễn viên phải vừa cười vừa xua đi. Ngay trước cảnh quay này, Quang Trọng còn được hướng dẫn cẩn thận cách tiêm lợn thế nào.
Trong cảnh quay đám tang Viễn, nhiều người dân làng đi qua phát hoảng khi nhìn vào ảnh thờ và nhận ra người trong ảnh đang đứng sừng sững bên cạnh. Nam diễn viên Quang Trọng đành vừa cười vừa giải thích rằng mình vẫn còn sống, chỉ có nhân vật trong phim mới không còn nữa.
Trên màn ảnh, trong cảnh Cân (diễn viên Việt Bắc đóng) đến cửa hàng của Đào để gội đầu, khán giả nhìn thấy Việt Bắc đang được gội đầu thật, nhưng kỳ thực lại không phải vậy. Người quay phim ngồi ngay phía dưới chân nhân vật Đào để máy quay hất lên lấy mặt nữ diễn viên. Cô vẫn luôn tay làm các động tác như gội đầu để máy quay bắt hình. Trong khi đó, diễn viên Việt Bắc ngồi cách đó khoảng nửa mét, ngửa cổ giống như đang được nhân vật Đào gội đầu cho.
Diễn viên Đình Tú kể cảnh Khoa “giải cứu” Uyên khỏi cuộc tỏ tình của Cường dù chỉ chiếu khoảng 5 phút trên màn ảnh, nhưng thực tế, để thực hiện cảnh quay, cả đoàn đã mất cả buổi sáng.
Trong cảnh quay đó, Đình Tú phải phi xe chở Phương Oanh (đóng nhân vật Uyên) vào giữa đám đông. Cảnh quay này thực hiện ở ngay một con dốc. Nhân vật Khoa phải phi xe từ trên dốc xuống lao vào đám đông, sau đó lại chở Uyên rẽ đám đông phi lên trên dốc. Đình Tú đã phải phi lên phi xuống con dốc này không dưới 10 lần, có lúc suýt ngã.
Bình luận (0)