Conclave do Edward Berger đạo diễn, có sự tham gia của dàn diễn viên xuất sắc gồm Ralph Fiennes, Stanley Tucci, Isabella Rossellini và John Lithgow, mang đến sự kết hợp hấp dẫn giữa bí ẩn, nghi lễ, truyền thống nhưng trên hết là chính trị của quá trình lựa chọn giáo hoàng.
Bộ phim được mong đợi này - vốn từng gây sốt tại các liên hoan phim, dựa trên tác phẩm kinh dị năm 2016 của tiểu thuyết gia người Anh Robert Harris, được mô tả là câu chuyện về "sức mạnh của Chúa và tham vọng của con người".
Trọng tâm của cốt truyện là sự căng thẳng giữa những nhân vật cấp cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã giữa những đòi hỏi của đức tin và mong muốn có được chức vụ cao. Bộ phim mô tả những cuộc thảo luận thì thầm trong hành lang Vatican và những hoạt động chính trị tinh vi, với hậu trường liên quan đến một quá trình mà bất kỳ ai đang vận động cho vị trí này đều có khả năng bị loại.
Conclave đang đối mặt với sự chỉ trích
Giám mục Robert Barron, người sáng lập ra mục vụ truyền thông Công giáo Word on Fire và là một trong những người Công giáo được theo dõi nhiều nhất thế giới trên mạng xã hội, đã nói với những người theo dõi ông trên X rằng hãy "tránh xa nó càng nhanh càng tốt". Ông mô tả bộ phim nhằm đánh dấu "gần như mọi sự thức tỉnh" và gửi đi thông điệp chỉ có duy nhất việc nắm lấy "những từ ngữ thời thượng về sự đa dạng, hòa nhập, thờ ơ với giáo lý".
Barron nhận định bộ phim mô tả không công bằng hệ thống cấp bậc của nhà thờ như một "ổ tham vọng, tham nhũng, ích kỷ, những người bảo thủ là những kẻ cực đoan bài ngoại và những người tự do là những kẻ mưu mô tự phụ".
Conclave cố gắng khắc họa cuộc chiến giành linh hồn diễn ra trong cuộc bầu cử giáo hoàng, nhấn mạnh sự căng thẳng giữa những người cấp tiến và truyền thống, vai trò (hoặc sự thiếu vắng) của phụ nữ. Trường hợp của nhân vật Hồng y Lawrence, do Fiennes thủ vai, là cuộc khủng hoảng đức tin.
Steven P. Millies, giám đốc Trung tâm Bernardin tại Liên hiệp Thần học Công giáo, một trường thần học ở Chicago, cho biết cách bộ phim mô tả quá trình này đã được xác minh qua các báo cáo từ các hồng y rằng "Mật nghị là một sự kiện chính trị theo nghĩa tốt nhất của chính trị. Đó là sự cân nhắc chu đáo, thậm chí là cầu nguyện về tương lai của một cộng đồng", theo CNN.
Để tránh vận động hành lang bên ngoài và đảm bảo các hồng y được tự do lựa chọn người mà họ cho là phù hợp nhất cho công việc, các mật nghị diễn ra trong sự bảo mật nghiêm ngặt, với những người tham gia bị cô lập khỏi thế giới. Họ bị cấm nói chuyện với bất kỳ ai bên ngoài quá trình này, có thể mất vài ngày, bao gồm cả việc đọc các báo cáo truyền thông hoặc nhận tin nhắn.
Chỉ có các hồng y dưới 80 tuổi mới được bỏ phiếu. Họ bỏ phiếu tại Nhà nguyện Sistine, trước bức Phán quyết cuối cùng của danh họa Michelangelo. Lựa chọn của họ trên các lá phiếu giấy và được đốt sau khi kiểm đếm.
Các vòng bỏ phiếu tiếp tục cho đến khi một ứng cử viên đạt được 2/3 số phiếu. Đám đông chờ bên ngoài được thông báo rằng một giáo hoàng đã được bầu khi ống khói phía trên Nhà nguyện Sistine bốc lên khói trắng.
"Diễn xuất và sản xuất phim tuyệt vời"
Đạo diễn Edward Berger cố gắng hết sức để trở nên thực tế nhất có thể. Nhà văn Harris đã được cố hồng y người Anh Cormac Murphy O'Connor giúp đỡ khi viết cuốn tiểu thuyết. O'Connor từng tham gia các cuộc mật nghị năm 2005 và 2013, trong khi biên kịch Peter Straughan và các nhà làm phim được tham quan riêng Nhà nguyện Sistine.
Conclave có nhiều chi tiết chính xác, tái hiện các phòng trong nhà khách Domus Sanctae Marthae – nơi các hồng y ở trong suốt các cuộc mật nghị, với bữa ăn chung và xe buýt đưa đón họ đi lại giữa các phiên bỏ phiếu.
Khán giả cũng được chứng kiến cảnh niêm phong căn phòng của giáo hoàng quá cố và phá hủy chiếc nhẫn của ngài, lời tuyên thệ của các hồng y trước khi bỏ phiếu, việc sử dụng hóa chất để đảm bảo màu khói chính xác thoát ra từ ống khói để chỉ ra kết quả (màu đen cho biết chưa có quyết định và màu trắng cho biết đã bầu được giáo hoàng) và việc quét Nhà nguyện Sistine để tìm các thiết bị nghe lén.
Tuy nhiên, có những chi tiết nhỏ mà phim không làm tốt, chẳng hạn như cách sắp xếp bàn ghế trong Nhà nguyện Sistine và cách các hồng y xưng hô với nhau. Nhưng phần khó tin nhất của bộ phim là cái kết không thể ngờ tới.
Tom Reese, một linh mục dòng Tên và nhà bình luận tôn giáo có trụ sở tại Washington, DC, đã đưa ra phán quyết này với CNN: "Diễn xuất và sản xuất phim thì tuyệt vời, nhưng những nút thắt trong cốt truyện thì kỳ lạ và khó tin".
Đối với Millies, bộ phim không chủ yếu nói về tình tiết bất ngờ cuối cùng hay thậm chí là về quá trình lựa chọn giáo hoàng. Ông coi đó là câu chuyện về một vị hồng y vật lộn với đức tin của mình và tìm lại được nó – điều mà ông mô tả là "thật đáng để xem".
Bình luận (0)