Phim điện ảnh Việt hợp tác nước ngoài không như kỳ vọng

15/08/2022 06:45 GMT+7

Hàng loạt phim điện ảnh Việt hợp tác với nước ngoài liên tục thất bại doanh thu phòng vé cho thấy chất lượng phim không như kỳ vọng của khán giả, thậm chí có phim dở tệ.

Thất vọng toàn tập

Mới đây nhất, bộ phim Là mây trên bầu trời của ai đó hợp tác với điện ảnh Thái Lan chiếu rạp Việt từ 22.7 đã không còn suất chiếu sau khoảng 10 ngày chiếu vì vắng khách, với doanh thu vỏn vẹn 515 triệu đồng. Phim có sự tham gia diễn xuất của hai gương mặt điển trai đình đám của Thái Lan là Push Puttichai (MC - diễn viên kiêm người mẫu với nickname “Hoàng tử trong mơ” của Thái) và August Vachiravit (được mệnh danh “nam thần” Thái Lan, nổi tiếng với phim Pee Nak - Ngôi đền kỳ quái), cùng ê-kíp diễn viên VN: NSND Hồng Vân, Ngọc Lan Vy, Trịnh Tú Trung, Lâm Bảo Châu, Hạo Đông, Nhâm Phương Nam, Quỳnh Lý… Bộ phim không chinh phục được khán giả là do kịch bản nhạt nhẽo, mô típ phim cũ kỹ dễ đoán, nữ chính diễn xuất gượng gạo. Phần đông khán giả bình luận chê: “Phim lan man, hời hợt, thiếu kịch tính, cao trào nên không đủ hấp dẫn, cảnh quay cũng không đẹp!”.

Phim Mỹ nhân thần sách

ĐPCC

Bộ phim hợp tác VN - Hàn Quốc Kẻ thứ ba chiếu rạp tháng 5.2022 với sự góp mặt của tài tử Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ cũng đã khiến nhiều khán giả thất vọng. Phim đầu tư 33 tỉ đồng nhưng doanh thu phòng vé Việt chỉ được 962 triệu đồng. Bộ phim thiếu thuyết phục về hình ảnh, âm thanh và cả tình tiết kịch bản lẫn diễn biến cảm xúc đầy lỗ hổng của các nhân vật chính. Tên tuổi và diễn xuất của ngôi sao Han Jae Suk cũng không thể gồng gánh hay cứu được chất lượng tác phẩm. Bản thân Lý Nhã Kỳ cho biết cô đã làm hết khả năng để giúp “sống lại” một bộ phim vốn bị phá sản, mua lại dự án chỉ vì cô đóng vai chính, và phải đón nhận một “mớ hỗn độn” do nhà đầu tư cũ để lại, sau đó chính cô cũng hoang mang do chưa từng có kinh nghiệm sản xuất phim.

Cũng cần nhắc lại, phim Mỹ nhân thần sách của đạo diễn Nguyên Phương với sự kết hợp dàn diễn viên VN - Thái Lan như: “nam thần” Thái Lan Korapat Kirdpan, Việt Linh, Trúc Anh Burin, Thiên Nga, Minh Beta, Hà Hương, Phi Phụng… chiếu hồi tháng 4.2022 đã gây hụt hẫng lớn cho khán giả với diễn xuất đơ và gượng ép, nhân vật chính là học sinh mà hóa trang, ăn mặc, tóc tai, trang điểm như U30… Phim có doanh thu 168 triệu đồng khi chiếu rạp Việt. Nhiều khán giả nhận xét khi xem bộ phim này rằng: “Phim dài dòng, kịch bản theo lối mòn cũ kỹ, không có chiều sâu, nhiều nhân vật vô thưởng vô phạt và kém thu hút đến mức phải ngủ gục trong rạp xong vẫn chưa hết phim”.

Lý Nhã Kỳ và Han Jea Suk trong phim Kẻ thứ ba

Trước đó, phim Sám hối hợp tác với Ấn Độ, do Peter Hein - nhà làm phim người Ấn Độ mang dòng máu Việt - làm biên kịch kiêm đạo diễn, kinh phí sản xuất 50 tỉ đồng, có Bình Minh, Anh Thư, Nguyễn Văn Sơn, Khả Ngân, Việt Hương, Quang Minh, Hồng Đào, Ramani Raja, Angelina Raja… đóng, chiếu rạp Việt vào năm 2021 chỉ thu lại được 1,2 tỉ đồng tiền bán vé. Phim được đánh giá là có mô típ nội dung không mới, khâu kỹ xảo vi tính (CGI) nhìn “giả”; kịch bản vừa sơ sài, không suy xét đến tính logic, vừa cường điệu khiến câu chuyện, diễn xuất nhiều chỗ phi lý, có phần sướt mướt với nhiều nước mắt đậm chất Bollywood.

Nên cân nhắc kỹ hơn từ kịch bản đến tư duy sản xuất

Đó là chưa kể đến những bộ phim thất bại khác ở những năm gần đây cả về doanh thu lẫn chất lượng, từng được xem là “thảm họa màn ảnh” bởi chất lượng tệ hại cùng nội dung rối rắm, phi lý, như: phim hợp tác với Hàn Quốc La La: Hãy để em yêu anh Chi Pu, “nữ thần thế hệ mới” Chae Yeon, tài tử San E, Jin Ju Hyung… đóng; phim hợp tác với Trung Quốc Yêu em từ khi nào có Khả Ngân, Lê Bê La, Kha Ly, Nhất Duy (VN) và Tôn Vĩ Luân, Lý Minh Tuyên (Hồng Kông) đóng chính; Những cô nàng Găng tơ 2 có Trần Bảo Sơn, hot girl Elly Trần (VN), Trương Quân Ninh (minh tinh Trung Quốc), võ sĩ quyền anh Mike Tyson đóng; Bí mật đảo linh xà có Khả Ngân, Hạ Anh, Phi Huyền Trang (VN) đóng với Dịch Dương, Dương Minh, Lưu Dũng của Hồng Kông (Trung Quốc)…

Cảnh trong phim Là mây trên bầu trời của ai đó

Trước nay, những bộ phim Việt hợp tác với nước ngoài luôn khiến công chúng háo hức kỳ vọng như một “bom tấn” phòng vé. Việc hợp tác làm phim với nước ngoài không chỉ là cơ hội để giao lưu văn hóa, học hỏi kỹ thuật làm phim, mà còn mở ra hướng phát triển, lan tỏa thương hiệu cho điện ảnh VN. Tuy nhiên, đa số phim Việt hợp tác với nước ngoài thường chỉ sử dụng danh tiếng của ê kíp thực hiện, nhất là dàn diễn viên ngoại để quảng bá cho tác phẩm; mà hiệu quả không để lại ấn tượng nhiều.

Có thể thấy, tên tuổi của diễn viên hay yếu tố nước ngoài cũng chẳng đem lại nhiều giá trị, nếu như kịch bản và kỹ thuật làm phim quá cẩu thả. Những thất bại đáng tiếc trên đến từ sự non nớt ở nhiều yếu tố, từ cốt truyện, kịch bản cho đến tư duy sản xuất. Bởi thực tế, phim dạng hợp tác ra rạp đều có chất lượng kém: kỹ thuật chắp vá tệ hại đến mức khó tin, nhất là ở khâu lồng tiếng đầy cẩu thả kiểu “tiếng một đằng, hình một nẻo”; còn nội dung kịch bản thì không phù hợp thời đại do không tương đồng về văn hóa, đời sống. Chính những nguyên nhân trên đã dẫn đến phim hợp tác chỉ đạt doanh thu thảm hại.

Bà Vũ Bích Liên, chủ rạp Mega GS và là nhà sản xuất nhiều phim Việt, nêu ý kiến: “Đừng để việc hợp tác vốn nhằm tạo ra bước tiến, nhưng lại là đi lùi. Khán giả ngày càng kỹ tính hơn, nên đừng tưởng bở là phim hợp tác nước ngoài thì sẽ thu hút người xem. Có lẽ các nhà đầu tư của cả VN lẫn nước ngoài nên cân nhắc kỹ hơn các khâu như kịch bản, kỹ thuật… trước khi thực hiện phim, tập trung hơn vào các yếu tố cơ bản đó để có thể tạo ra thành phẩm chất lượng trước, thay vì chạy theo “cái mác” phim hợp tác cho có vẻ hào nhoáng bên ngoài hòng dẫn dụ khán giả đến rạp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.