Phim Hãy nói lời yêu: Lời cảnh tỉnh nghiệt ngã khiến khán giả khóc thương

25/06/2021 14:03 GMT+7

Phim Hãy nói lời yêu tập 21 tối qua có những diễn biến được đẩy lên đỉnh điểm của bi kịch trong gia đình bà Hoài. Cái chết tức tưởi của Minh được cho là sự nghiệt ngã với lời cảnh tỉnh dành cho các bà mẹ.

Bi kịch gia đình trong 'vỏ bọc' hoàn hảo

Ngay từ những tập đầu tiên của phim Hãy nói lời yêu, người xem đã phần nào nhìn thấy hạnh phúc trong gia đình bà Hoài - ông Tín có phần khiêng cưỡng. Một vỏ bọc được bà Hoài cố công giấu rất kỹ, bà càng cố bọc kín thì nó càng trở nên bí bách và tung tóe hết lên.
Hình ảnh một người mẹ hoàn hảo, một người vợ luôn vun vén cho gia đình khiến người xem cảm thấy bất công cho bà Hoài, nổi giận thay cho bà khi ông Tín có nhân tình. Khi bị tổn thương, bị phản bội thì bà Hoài càng cố sức phản kháng theo cách của mình. Thay vì cho ông Tín cơ hội quay đầu thì bà lại tiếp tục đay nghiến, chì chiết, hỏi tội ông mỗi ngày theo cách của mình rồi đẩy ông Tín xa bà hơn. Hay nói đúng hơn ông cảm thấy sợ, thấy ám ảnh khi sống chung trong một mái nhà với vợ mình. Câu nói rất phũ phàng của ông Tín rằng: “Tôi ngoại tình là do cô đấy” nghe rất đau nhưng lại rất thấm.
Bởi ông không thể sống trong một gia đình với người vợ mà suốt ngày cứ đặt sỉ diện lên trên tất cả. Sỉ diện vì có một gia đình hạnh phúc, một người chồng yêu thương mình hết lòng. Sỉ diện vì có một đứa con trai học giỏi như thần đồng và cô con gái cũng rất giỏi… Bà Hoài muốn bày thứ sỉ diện, hoàn hảo của gia đình mình ra bên ngoài cho thiên hạ “tung hoa” mà quên rằng thứ “thuốc độc” giết chết những người thân của mình cũng chính từ những điều ấy.
Bà Hoài đã dùng mọi quyền lực của một người mẹ, tình thương của một người mẹ để ép buộc, bức bách các con phải làm theo ý mình, sống theo ý mình. Còn với ông Tín, nếu bà Hoài có cho ông đường lùi sau khi phạm sai lầm, thì ông cũng phải sống mãi trong sự dày vò, đay nghiến của vợ.

Ông Tín quá đau khổ khi con trai chọn cái chết để giải thoát

Ảnh: Chụp màn hình

Phim Hãy nói lời yêu khi xem đến những phân cảnh có bà Hoài xuất hiện thì hầu như khán giả đều cảm thấy nghẹt thở vì cách đối xử, kiểm soát con cái của bà. Dường như bà Hoài đã chọn sai cách yêu thương hay nói đúng hơn bà yêu thương một cách ích kỷ vì “bộ mặt” của mình nhiều hơn mà bỏ qua cảm xúc, suy nghĩ của chồng con.
Ngay cả với My, một cô con gái mới lớn, sau khi phạm sai lầm cũng phải nghe những lời mắng mỏ chua chát, cay độc từ mẹ mình. Những lời khó nghe gây tổn thương từ chính người đã sinh ra cô được thốt ra nhiều hơn là sự cảm thông, vỗ về…. Và cuối cùng bà Hoài dùng cái chết để “thu phục” My và bà xem đó là một sự lựa chọn hợp lý, sẽ khiến My biết sợ mà nghe lời.

Bà Hoài đã chọn sai cách yêu thương và bảo vệ gia đình

Ảnh: Chụp màn hình

Trong các diễn biến ở những tập về sau, dường như khán giả không còn thương cảm hay xót xa cho bà Hoài nữa khi cách hành xử của bà ngày càng quá đáng, điên loạn… Ông Tín dù chưa ly hôn nhưng phải rời khỏi nhà ra ở riêng vì quá sợ vợ mình. Nhưng ông lại lo cho các con khi phải sống với một người mẹ như thế, nhất là Minh - một đứa con trai suốt ngày bị mẹ ép học, phải bằng mọi cách học để giành giải nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia rồi đổ thủ khoa trường đại học Y. Minh đã sống lặng lẽ trong ngôi nhà ấy hay nói đúng hơn là sự chịu đựng một cách tội nghiệp. Sống đơn độc như không thể bình yên vì phải sống cho niềm kiêu hãnh, tự hào của mẹ. Và có lẽ chuyện gì đến sẽ phải đến…

Lời cảnh tỉnh cho các ông bố, bà mẹ

Phim Hãy nói lời yêu tập 21 tối qua là những nội dung quá bi kịch khiến khán giả sốc... Bi kịch cho gia đình bà Hoài, cho chính bà và cho Minh. Bà Hoài đã dùng con trai mình như một “lá bài” cuối cùng để chứng minh cho tình yêu thương của một người mẹ, niềm kiêu hãnh của một người mẹ. Và bà xem đó là cách đúng và tốt nhất. Nhất là sau khi Minh không đạt được bất cứ giải nào trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì bà Hoài càng thúc ép con trai phải đỗ thủ khoa trong kỳ thi đại học sắp tới.

Minh đã chọn cái chết để giải thoát và phản ứng lại mẹ

Ảnh: Chụp màn hình

Khi xem cảnh bà Hoài nhốt Minh trong phòng, không cho tiếp xúc, đi chơi với ông Tín rồi bà còn hắt đổ chén cơm của Minh khi con trai phản ứng lại với mình bằng ánh mắt…. thì người xem đã không thể chấp nhận được nữa. Đỉnh điểm của bi kịch đã bị đẩy lên khi Minh một mình trong phòng lặng lẽ uống thuốc ngủ và chọn cái chết tức tưởi trong tay vẫn ôm trái bóng mà bố mình đã mua tặng.
Rất nhiều khán giả trên diễn đàn Hội yêu phim Việt Nam đã bày tỏ sự thương cảm dành cho Minh: “Hãy nói lời yêu để Minh chọn cách ra đi tức tưởi thật là tận cùng của mọi bi kịch. Người ở lại sống tiếp sao đây”; “Mong trên đời không có đứa trẻ nào đáng thương như thế...”; “Ám ảnh cảnh Minh tự tử và chết. Cái giá quá đắt cho bà Hoài. Kì vọng quá nhiều về con cộng với sự độc đoán, ích kỉ, tham vọng một cách bệnh hoạn đã đẩy Minh đến cái chết tức tưởi. Dự đoán sau bà Hoài sẽ phát điên. Bài học cho các bố mẹ ngoài đời nhé”.

Lời cảnh tỉnh cho các bà mẹ luôn áp đặt, bảo bọc con thái quá

Ảnh: Chụp màn hình

Công bằng mà nói thì ai xem phim Hãy nói lời yêu từ những tập đầu có thể thấy ông Tín là người có lỗi, đã khơi mào cho bi kịch gia đình mình nhưng người đẩy gia đình đến tận cùng của bi kịch lại chính là bà Hoài. Khi nhận sự tổn thương từ chồng, bà Hoài phần nào đó đã dùng con cái làm “bàn đạp” để trả đũa chồng mình, để chứng minh rằng không có ông Tín thì bà còn có những “lá bài” để tự hào, để vớt vát cho cái sỉ diện mà bà đã gìn giữ suốt 20 năm bị chồng đạp đổ…
Nhiều khán giả đã lên án bà Hoài khi Minh chọn cái chết như một sự giải thoát: “Xem cảnh bà Hoài ôm con gào thét mà mình chỉ thấy giận bà ấy chứ không thấy thương. Một phụ nữ quá độc đoán và điên rồ, nỗi khủng khiếp của ông chồng và các đứa con...”; “Đây cũng chính là lời cảnh tỉnh cho các bà mẹ đang có con ở tuổi ăn học. Nếu chỉ vì sự ích kỷ của bản thân thì hậu quả sẽ không lường trước được và đến lúc ấy hối hận thì cũng đã quá muộn”; “Các bà mẹ rất cần phải xem phim này! Cách hành xử của bà Hoài là bài học quý cho những người mẹ quá bao bọc và kì vọng vào con đến mức thái quá”.

Minh trở thành nạn nhân cho cái gọi là sự yêu thương, niềm kiêu hãnh của mẹ

Ảnh: Chụp màn hình

Nhưng xem những cảnh đẫm nước mắt trong tập tối qua cũng có nhiều khán giả cho rằng đạo diễn và biên kịch đã “quá ác” với Minh. Nhiều người vẫn hi vọng Minh uống thuốc tự tử nhưng được phát hiện kịp thời và chỉ dọa để cho bà Hoài cảm thấy hối hận… “Mình mong một cái kết đẹp hơn, nhân văn hơn, dẫu biết rằng đây là lời cảnh tỉnh đối với các bậc cha mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái và gìn giữ hạnh phúc gia đình”; “Tự tử có phải là cách để giải quyết mọi vấn đề? Và liệu người còn sống sẽ sống tốt và vui? Kịch tính đỉnh điểm này mạnh tay quá. Ám ảnh với phân cảnh này của Minh”; “Đạo diễn đẩy phim lên cao trào, bi kịch luôn, không hề nương tay với bà mẹ chút nào. Âu đó cũng là một lời cảnh tỉnh.Thương Minh!”, một vài ý kiến của khán giả.
Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng bi kịch của Minh và gia đình bà Hoài là một “đòn mạnh” để thức tỉnh các ông bố, bà mẹ: “Ủng hộ vì sự dũng cảm của biên kịch và đạo diễn vì lần đầu phim Việt Nam dám làm cảnh này. Nhưng thực sự thương Minh. Khóc nấc lên được luôn”; “Một bộ phim tưởng như quá nặng và hơi ảo so với thực tế nhưng nếu ai đang ở trong trường hợp như vậy sẽ hiểu là nó rất đời, rất thực. Chỉ là mình may mắn hơn vì có bố mẹ hiểu tâm lí thôi. Cứ bảo làm sao mà tỉ lệ tự tử của người trẻ ngày càng cao. Cái giá phải trả cho sự đặt áp lực quá cao cho con mình mà không bao giờ chịu lắng nghe xem con mình muốn gì”.
Phim Hãy nói lời yêu với những diễn biến đầy bi kịch nhưng lại là lời cảnh tỉnh cho các ông bố, bà mẹ và hành trình đi tìm hạnh phúc, vun vén hạnh phúc của gia đình thời nay. Một hạnh phúc hoàn hảo thì ai cũng muốn nhưng cách mà ta xây dựng hạnh phúc ấy không thể được đặt để trong sự áp đặt, chịu đựng và miễn cưỡng được. Để rồi cái giá phải trả cho cái “vỏ bọc” ấy lại quá đắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.