Phim Hollywood thiếu vắng kịch bản sáng tạo

14/05/2017 09:15 GMT+7

Nhìn vào danh sách phim mùa hè, khán giả không khỏi ngán ngẩm khi thấy toàn những dòng phim thương hiệu quen thuộc. Dường như Hollywood đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kịch bản trầm trọng hơn bao giờ hết.

Phim thương hiệu nhiều phần (franchise) là “cần câu cơm” chủ yếu của Hollywood trong những năm gần đây. Nếu lật lại danh sách những bộ phim ăn khách nhất qua các năm, thế nào cũng thấy hơn 50% tác phẩm thuộc một thương hiệu phim nào đó. Mà các phần của phim thương hiệu thì có đủ muôn hình vạn trạng cách biến hóa, nào là phần tiếp theo (sequel), làm lại (remake), ăn theo (spin-off), phần trước (prequel)... Thậm chí còn có chiêu trò “tái khởi động” (reboot) khi nhà sản xuất quyết định... làm lại từ đầu cả một thương hiệu phim nổi tiếng. Dòng phim Spider-Man chính là một ví dụ tiêu biểu của chiêu trò reboot, khi mà Spider-Man: Homecoming chiếu vào mùa hè sắp tới sẽ là phiên bản điện ảnh thứ ba về nhân vật này.
Sau phim thương hiệu, ta có phim chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện tranh vốn sẵn có tiếng tăm từ trước. Chẳng thiếu trường hợp phim chuyển thể sau thành công ban đầu cũng hóa thành phim thương hiệu. Đó là trường hợp của những ông lớn Marvel, DC sau khi dắt túi hàng tỉ USD với hàng loạt bộ phim lấy cảm hứng từ truyện tranh siêu anh hùng. Cá biệt hơn, ta có Twilight (2008), The Hunger Game (2012) hay Fifty Shades of Grey (2015) cũng vươn lên đến tầm thương hiệu nhờ tiểu thuyết gốc ăn khách. Nếu xét những phim riêng lẻ, thì năm nào Hollywood cũng chứng kiến vài chục bộ phim chuyển thể kiểu vậy. Thậm chí các nhà làm phim phương Tây còn “chẳng tha” cho manga, truyện tranh Nhật Bản với dự án vừa công chiếu Ghost in the Shell (Vỏ bọc ma).
Trong thực tế, phim thương hiệu hay phim chuyển thể là một giải pháp an toàn cho các nhà làm phim. Khán giả thường có xu hướng bỏ tiền đi xem những phim đã được đảm bảo về tên tuổi. Theo Variety, mùa hè năm nay có đến 15 phim là những phần tiếp theo, làm lại hoặc ăn theo. Nếu không thì cũng là phim chuyển thể từ những tiểu thuyết, truyện tranh tiếng tăm. Hầu như rất hiếm các phim với kịch bản gốc lại có thể lập doanh thu cao trên thị trường điện ảnh.
Phim Hollywood thiếu vắng kịch bản sáng tạo1
Dunkirk của Christopher Nolan được kỳ vọng sẽ mang đến cho Hollywood một luồng gió mới Ảnh: Warner Bros
Nội trong nửa đầu năm 2017, những bom tấn đạt doanh thu ngất ngưỡng như Beauty and the Beast, The Fate of the Furious, Logan đều là phần tiếp theo hoặc tác phẩm làm lại. Điểm qua danh sách phim mùa hè đang và sắp chiếu, ta dễ dàng nhận ra những thương hiệu quen thuộc như: Guardians of the Galaxy 2, Alien: Covenant, Pirates of the Caribbean 5, Cars 3, Transformers: The Last Knight, Despicable Me 3, Spider-Man: Homecoming…
Chỉ có một số phim không phải phần tiếp theo là: King Arthur: Legend of the Sword, Baywatch, Valerian and the City of a Thousand Planets, The Dark Tower Dunkirk. Dù vậy, King Arthur là một cốt truyện cũ rích đã được điện ảnh “vắt kiệt” từ lâu, Baywatch hầu như không được dòm ngó bởi mô-típ đã quá quen thuộc, còn Valerian and the City of a Thousand Planets chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng từ năm 1970. The Dark Tower cũng chỉ “dựa hơi” tiểu thuyết nổi tiếng của Stephen King, người đã có hàng chục tiểu thuyết được đưa lên màn ảnh.
Trong đó, siêu phẩm Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan xem ra còn có vẻ tươi sáng một chút. Bộ phim tái hiện lại trận đánh Dunkirk trong Thế chiến thứ hai. Dù được nhào nặn dưới bàn tay một đạo diễn tên tuổi, thế nhưng đề tài Thế chiến đã được khai thác sạch sẽ trong nửa thế kỷ qua. Thậm chí không ngoa khi nói rằng mỗi năm đều có vài phim về Thế chiến được sản xuất trên toàn thế giới. Dù vậy, người hâm mộ vẫn hi vọng một đạo diễn giàu sức sáng tạo như Nolan sẽ khai thác một khía cạnh nào đó mới ở đề tài hết sức quen thuộc này.
Trong năm nay, Hollywood chưa hẳn ''tuyệt vọng'' khi vẫn có vài điểm sáng như Split, Get Out, Colossal hay The Boss Baby gây ngạc nhiên cho khán giả nhờ vào kịch bản độc đáo, sáng tạo. Split là câu chuyện tâm lý - hình sự về tên sát nhân có 23 nhân cách. Get Out là phim kinh dị làm “dậy sóng” dư luận bởi cách làm phim vừa tạo cảm giác rùng rợn, vừa có giá trị lên án nạn phân biệt chủng tộc. Colossal tuy ít được chú ý nhưng lại được các nhà phê bình đánh giá cao nhờ cốt truyện quái dị chẳng giống ai, được chấm 78% trên Rotten Tomatoes. Còn The Boss Baby được lòng cả khán giả lớn tuổi lẫn trẻ em, không những thế, bộ phim hoàn toàn có khả năng trở thành một Zootopia thứ hai, qua đó, cho thấy các hãng sản xuất phim hoạt hình đang dần dấn thân vào những ý tưởng lạ lẫm hơn nhằm chinh phục khán giả.
Jeff Bock, chuyên gia phòng vé của trang Exhibitor Relations cho biết: “Tôi không thấy bất kỳ phim nào sắp tới có thể làm phần tiếp theo hay tạo dựng một thương hiệu mới. Nếu chúng ta lỗ nặng vào mùa phim hè, thì nền điện ảnh cần được cải cách toàn diện”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.