Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện nhiều video được gọi là "phim ngắn" do một số cá nhân, đơn vị sản xuất. Bên cạnh những bộ phim có nội dung tích cực thì ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm phản cảm. Những nội dung trong phim ngắn này thường khai thác chủ đề như ngoại tình, mâu thuẫn gia đình, đánh ghen, tệ nạn xã hội, chuyện chăn gối vợ chồng, lừa đảo…
Nhiều kịch bản bị người xem nhận xét là nhảm nhí, tình tiết phim phi thực tế, không mang lại giá trị nào. Thậm chí một số kịch bản còn có cả tình huống phản cảm, lời thoại thô tục, lệch chuẩn. Bất chấp sự tranh cãi, bức xúc từ người xem, nhiều đơn vị, nhà sáng tạo nội dung vẫn liên tục sản xuất, đăng tải các phim ngắn có nội dung tiêu cực trên mạng xã hội.
Các video kể trên xuất hiện ngày càng phổ biến trên Facebook, YouTube, TikTok... Để câu view, các đơn vị sản xuất còn đặt tiêu đề gây sốc. Trung bình mỗi video đăng tải thu hút hàng trăm ngàn đến hàng triệu lượt xem cùng rất nhiều bình luận. Tuy nhiên, đa phần người xem đều bày tỏ phẫn nộ, bức xúc lẫn lo ngại trước nội dung phản cảm, tiêu cực của các video này.
Trước những phản ánh của báo chí, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 26.9, Sở VH-TT TP.HCM đã phản hồi về vấn đề này. Theo đại diện Sở VH-TT TP.HCM, căn cứ Điều 8 Nghị định 144 "Hình thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật", tại khoản 4: "Tổ chức biểu diễn nghệ thuật không trực tiếp trước công chúng được đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng do người đăng, phát chịu trách nhiệm". Do đó, các tổ chức, cá nhân đăng tải các video trên không gian mạng phải chịu trách nhiệm về nội dung cũng như phải có trách nhiệm ghi chú giới hạn độ tuổi người xem.
"Vừa qua, Sở VH-TT TP.HCM cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan làm việc, kiến nghị xử lý một số trường hợp cụ thể theo phản ánh của báo chí, người dân. Đồng thời, Sở cũng thường xuyên phổ biến quy định pháp luật, quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật, định hướng cho các tổ chức, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo thẩm quyền. Tuy nhiên, với sự phức tạp trên môi trường mạng, để xử lý một cách triệt để những vấn đề như báo chí phản ánh thì cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ ngành từ cấp trung ương đến địa phương, hệ thống pháp luật cần được hoàn thiện nhằm tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý", đại diện Sở VH-TT TP.HCM cho hay.
Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM cho biết thêm, phía Sở đã ký kết liên tịch với một số sở ngành trên địa bàn thành phố để phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục kiến nghị một số vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách mà xã hội đang quan tâm.
Vào tháng 4.2023, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông ký quyết định thành lập Tổ công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.
Tổ công tác gồm 10 thành viên, do Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành làm tổ trưởng. Tổ công tác có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Luật Điện ảnh và nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh. Cụ thể như: cấp hoặc thu hồi giấy phép phân loại phim đối với phim của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chưa đủ điều kiện phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; kiểm tra nội dung phim, phân loại phim, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; yêu cầu chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng dừng, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm; yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm...
Bình luận (0)