"Được mùa" phim độc lập, phim nghệ thuật
Chiến thắng của Bên trong vỏ kén vàng - đạo diễn Phạm Thiên Ân với giải Camera d'Or (Camera vàng) dành cho phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim (LHP) Cannes 2023 - là "cú hích" cho những nhà làm phim độc lập VN. Phim tài liệu Children of the Mist - Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm năm qua cũng là một niềm tự hào của điện ảnh Việt khi đoạt nhiều giải quốc tế như Đạo diễn xuất sắc và Giải đặc biệt của ban giám khảo cho phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam; phim châu Á xuất sắc tại LHP châu Á Đà Nẵng... và vào top 15 hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc tại Oscar 2023. Hay cả như phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng rất thành công tại các giải thưởng quốc tế, trong đó có giải cao nhất tại LHP Ba Châu Lục (Pháp), Bông Sen Vàng cho Phim truyện điện ảnh... Những thành tích này đã thực sự "tiếp sức" cho các đạo diễn trẻ trong nước để cùng "vẽ" nên màu sắc mới cho phim Việt.
Hiện, nhiều dự án phim đậm dấu ấn cá nhân, làm theo hướng nghệ thuật nhiều hơn thương mại của các đạo diễn tên tuổi lẫn mới đã đóng máy, hoàn thành hoặc đang lên kế hoạch sản xuất. Nữ đạo diễn Dương Diệu Linh từng được biết đến với các giải thưởng phim ngắn trong nước, có phim ngắn Ngọt - Mặn tranh giải tại LHP Busan (Hàn Quốc) năm 2019, đoạt giải phim hay nhất tại LHP quốc tế Singapore 2019, nhận học bổng khóa học điện ảnh của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ tại Los Angeles..., sắp tới sẽ trình làng bộ phim dài đầu tay Don't cry, butterfly (Bướm ơi, đừng khóc). Đạo diễn Phạm Ngọc Lân từng gây ấn tượng với một loạt phim ngắn giành giải quốc tế như Một thành phố khác, Một khu đất tốt..., cũng sẽ ra mắt phim dài đầu tay Cu Li never cries (Cu li không bao giờ khóc). Phim là câu chuyện về những mảnh đời ở hai thế giới xa lạ, với cái nhìn về những mối quan hệ gia đình, xã hội giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây.
Sau thành công của phim Song Lang (2018), đạo diễn Leon Lê hiện đang thực hiện bộ phim thứ hai khai thác chất liệu văn hóa VN có tên Quán Kỳ Nam (nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đồng viết kịch bản), với nữ chính là Đỗ Hải Yến (từng đóng Người Mỹ trầm lặng, Chuyện của Pao...) kết hợp hai diễn viên trẻ Liên Bỉnh Phát, Lý Hồng Ân. Phim bấm máy từ đầu tháng 10.2023, thuộc thể loại tình cảm - tâm lý - xã hội, lấy bối cảnh Sài Gòn thập niên 1980, xoay quanh một góa phụ ở khu tập thể bị xáo trộn mọi thứ khi bước vào mối quan hệ với một dịch giả trẻ...
Đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) - từng gây tiếng vang với phim Vợ ba đoạt nhiều giải thưởng quốc tế sẽ trở lại với phim thứ hai có tên Skin of youth, kể câu chuyện tình éo le của một cặp muốn chuyển đổi giới tính với bối cảnh thập niên 1990. Đạo diễn Trương Minh Quý - từng có nhiều phim ngắn đoạt giải quốc tế, trong đó có The men who wait nhận giải Phim ngắn Đông Nam Á hay nhất tại LHP quốc tế Singapore 2021 sẽ giới thiệu "chân dung" mình rõ hơn với phim dài Trong lòng đất lấy ý tưởng từ sự kiện 39 người Việt tử nạn trong container khi nhập cư trái phép vào Anh…
Đa dạng hơn "tiếng nói" điện ảnh Việt
Với một nền điện ảnh đa phần là phim giải trí, thương mại với quẩn quanh những thể loại, nội dung quen thuộc như hài, tình cảm... đang chiếu mỗi tuần, mỗi tháng ở các rạp Việt, việc các đạo diễn thuộc "dòng chảy ngầm phim độc lập" nỗ lực tạo nên những tác phẩm có màu sắc, "tiếng nói" khác biệt là điều đáng được ghi nhận.
Cộng đồng làm phim độc lập ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt mới, có tư duy điện ảnh mới mẻ, đột phá hơn quả thật là tín hiệu vui. Những người trẻ này đều đến với phim ảnh bằng sự đam mê và nhiệt thành của tuổi trẻ thông qua việc tự học, tự cọ xát với các dự án nhỏ hoặc học thêm những khóa điện ảnh bài bản ngắn hạn. Với những thành phẩm đã được cấp phép làm phim, khi tiếng nói của điện ảnh Việt được hô vang trên trường quốc tế, khán giả Việt nào cũng cảm thấy tự hào như với Bên trong vỏ kén vàng tại LHP Cannes. Khi được hỏi về dự định ấp ủ trong tương lai, đạo diễn trẻ Phạm Thiên Ân khẳng định sẽ tiếp tục niềm đam mê với "ơn gọi" từ điện ảnh, bởi đã đi một hành trình rất dài để có được thành quả này và điện ảnh là "đức tin" gắn kết những tâm hồn đồng điệu, nên chắc chắn anh sẽ chọn hướng đi khai thác nội dung nghệ thuật với phong cách điện ảnh chiêm nghiệm và không chạy theo dòng phim thị trường ăn khách.
Nhà sản xuất Bích Liên chia sẻ: "Để tiến được xa hơn, các nhà làm phim thế hệ sau nhất định phải luôn trau dồi, nâng cấp kỹ năng, trình độ để nảy sinh các ý tưởng làm phim độc đáo và tiệm cận hơn với hơi thở của điện ảnh thế giới. Làm được như thế thì tôi tin phim nghệ thuật hay phim thương mại cũng sẽ xóa nhòa ranh giới, bởi công chúng luôn mong muốn được thưởng thức một bộ phim hay, chất lượng tốt. Phim hay thì nhất định sẽ có khán giả".
Hiện tại, bên cạnh nhiều cuộc thi phim ngắn, giới làm phim trong nước như nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng, Trần Xuân Cảnh, Trần Thị Bích Ngọc; đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp... cũng đang chung tay tổ chức nhiều hoạt động, khóa học, tọa đàm về nhiều khâu chuyên môn, nhằm xây dựng các kỹ năng vững chắc cho các nhà làm phim trẻ. "Phim độc lập Việt giờ đã không còn "cô đơn" vì được rất nhiều người ủng hộ. Hy vọng sự truyền lửa, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức này sẽ giúp ra đời một thế hệ các nhà làm phim trẻ tài năng hơn cho điện ảnh Việt - những người luôn hướng đến sự sáng tạo, đi tìm ngôn ngữ điện ảnh của riêng mình và không bị rập khuôn ở cái cũ", đạo diễn Trần Anh Hùng nói khi đứng lớp giảng dạy tại khóa học Gặp gỡ mùa thu tại VN.
Bình luận (0)