Bộ phim truyền hình Người phán xử công chiếu giờ vàng trên sóng truyền hình quốc gia vào tháng 3.2017, thuộc thể loại hình sự và dài 46 tập, từng là “bom tấn” thời điểm đó. Nội dung bộ phim được Việt hóa từ phim của Israel khai thác những mảng sáng tối trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của giới xã hội đen hiện đại. Nhưng bên cạnh đó là nội dung mang nhiều ý nghĩa về tình cảm gia đình… Thông điệp của bộ phim như đạo diễn Nguyễn Danh Dũng đã từng chia sẻ rằng điểm nổi bật nhất của bộ phim vẫn là đề cao gia đình là số 1 nên khi làm bất cứ điều gì mỗi người cũng phải nghĩ đến gia đình, bảo vệ sự bình yên của gia đình như một câu mà ông trùm Phan Quân trong phim đã nói: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng”.
|
Như vậy từ lúc phim Người phán xử phát sóng đến nay đã 4 năm. Trong suốt thời gian đó có rất nhiều bộ phim về đề tài giang hồ, xã hội đen được chiếu tràn lan trên YouTube, trên các nền tảng trực tuyến tạo nên “sức nóng” không hề nhỏ và chắc chắn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phần người xem, nhất là thanh thiếu niên. Nên để chỉ đích danh một bộ phim truyền hình như Người phán xử, được chiếu giờ vàng, cũng từng nhận được giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng của năm (Giải thưởng truyền hình VTV) nghe có phần chủ quan. Vì chắc chắn khi một bộ phim được công chiếu trên sóng truyền hình quốc gia phải qua một hội đồng duyệt phim gắt gao. Nội dung phim nếu không phù hợp có thể bị cắt bớt thậm chí là cấm sóng khi đang phát nửa chừng như có độc giả cho ý kiến: “Nếu chỉ 1 bộ phim mà thật sự có tác dụng ghê gớm như vậy thì có lẽ từ khi điện ảnh ra đời đến nay với hàng trăm, hàng ngàn bộ phim hành động được sản xuất thì thế giới phải có đến hàng triệu, hàng triệu tên tội phạm, thế lực đen tối... Mà nghe xong nguyên nhân tôi cứ tưởng mình đang xem phim, ai dè là phát biểu chính thức trong cuộc họp...”; “Tội phạm nhiều hay ít liên quan rất nhiều thứ như: giáo dục, xã hội, văn hóa, an sinh đời sống, luật pháp, cơ quan thực thi luật pháp... Cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng mới có giải pháp hữu hiệu. Nếu nói như lời phát biểu, có phải trước khi công chiếu Người phán xử thì tội phạm, xã hội đen rất ít không? Tôi không đồng tình”.
|
Thật ra một tác phẩm nghệ thuật, giải trí khi ra mắt công chúng thường sẽ mang nhiều thông điệp, nhiều nội dung mà ẩn chứa trong đó là cả vấn đề tiêu cực và tích cực. Với một bộ phim chắc chắn sẽ có cả mảng tối và sáng, thiện và ác trong một bức tranh xã hội tổng thể. Từ cái ác, cái tối sẽ nảy sinh những vấn đề và thông điệp sau cùng thường là nhân văn và tốt đẹp. Hơn nữa với thời đại 4.0 có nhiều kênh giải trí khác, không chỉ ở Việt Nam. Nên khán giả có thể tiếp cận rất nhiều thông tin, phim ảnh của Hàn Quốc, Mỹ... Nếu nói họ dễ bị ảnh hưởng như thế thì không chỉ có Người phán xử như một bạn đọc phản hồi: “Tôi đang lương thiện, xem xong Người phán xử, bỗng dưng tôi thành lập ngay băng xã hội đen (!?). Nghe thấy sao sao ấy. Thời nay là thời hội nhập, hàng chục kênh phim hành động đánh nhau máu me cả ngày. Từ hơn cả chục năm qua, Hồng Kông, Hàn Quốc... cũng sản xuất phim còn ghê rợn hơn nhiều”.
|
Như vậy để nói phim Người phán xử sau khi chiếu có thực sự làm tăng băng ổ nhóm xã hội đen lên rất nhiều không thì muốn chính xác phải có cơ sở, nghiên cứu, số liệu cụ thể. Và chắc chắn không chỉ có Người phán xử như rất nhiều ý kiến độc giả bày tỏ: “Lấy cơ sở, dữ liệu nào để chứng minh những điều ông nói? Phim ảnh nước ngoài toàn đánh đấm, bắn súng ầm ầm vậy là nước họ cũng tăng đột biến tỷ lệ tội phạm ư?”; “Cần lắm một báo cáo chính thức từ cơ quan chức năng tội phạm tăng là do các yếu tố nào? Yếu tố điện ảnh chiếm bao nhiêu phần trăm? Trong các vụ án đã triệt phá có bao nhiêu băng nhóm hoạt động do xem phim (cụ thể là ảnh hưởng bởi phim Người phán xử đã nêu)”; “Phải có nghiên cứu với các phương pháp thống kê, đánh giá phù hợp mới biết được có hay không mối tương quan giữa phim ảnh với tình trạng gia tăng tội phạm. Đâu thể cảm tính, hoặc nhìn vào một vài trường hợp mà đưa ra nhận định như vậy được. Tại sao các nhà quản lý không dựa trên kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội để xây dựng chính sách?”.
Cũng cần phải nói thêm rằng sức ảnh hưởng của các thể loại phim bạo lực, có yếu tố “bụi đời chợ lớn” đến sự phát triển tâm lý, suy nghĩ của một bộ phận thanh thiếu niên là không nhỏ. Điều đó tạo nhiều hệ lụy cho an sinh xã hội như một số ý kiến đồng tình: “Tuổi teen đang học theo các phim ngắn của nghệ sĩ về xã hội đen, băng đảng, thanh toán nhau rất nhiều. Đi ra quán cà phê hay vỉa hè đều nghe mấy đứa nhỏ nói chuyện hay cư xử nhau như trong phim. Bác này nói cũng đúng, trọng tâm là nên kiểm soát kỹ khi cho phát hành phim hoặc video trên YouTube”; “Phim bạo lực tội phạm không nên chiếu. Ảnh hưởng tư tưởng con người đặc biệt trẻ em. Nói tóm lại nhà làm phim và cơ quan quản lý phải xét phim mang lại giá trị tốt đẹp gì cho xã hội cho đất nước”.
|
Nhưng để quản lý nội dung phim cả truyền hình và điện ảnh thì cần phải có những chế tài nghiêm ngặt hoặc cần đưa ra những quy định hợp lý nhằm giảm bớt những tác động xấu từ phim ảnh. Điều này còn là trách nhiệm của các cấp quản lý văn hóa nghệ thuật. Nếu có sự rõ ràng về quy định thì chắc chắn các nhà làm phim cũng không thể “tự tung tự tác” đưa vào tác phẩm của mình như có ý kiến cho rằng: “Cái này Bộ Văn hóa phải kiểm duyệt kỹ. Cách đây 15 năm khi sang Thái lan làm việc tôi có xem một số kênh TV của họ thì thấy họ rất rõ ràng bài trừ các hình ảnh nhạy cảm. Tôi lấy ví dụ nếu trên phim có cảnh dí dao, súng vào đầu nạn nhân thì hình ảnh dao súng sẽ bị làm mờ đi, ngay cả nhân vật chính hút thuốc lá thì điếu thuốc cũng bị xử lý như vậy. Còn ở Việt Nam thì sao?”; “ Ủng hộ hai phương án tiền và hậu kiểm… (xu hướng là nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm) cũng cần quy trách nhiệm liên đới cho đơn vị quản lý đã không rà soát phim ảnh do mình quản lý, cần kỷ luật, khiển trách".
Bình luận (0)