Phim truyền hình về nông thôn giảm sức hút

03/08/2023 07:20 GMT+7

Dù vẫn được sản xuất và phát sóng, song chưa có phim nào trong những bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn thời gian gần đây tạo được tiếng vang lớn.

Bộ phim Làng trong phố của đạo diễn Mai Hiền vừa ra mắt vào cuối tháng 7, nói về những chuyển biến của giới trẻ nông thôn từ quê lên TP lập nghiệp, khiến khán giả nhớ về Chuyện nhà Mộc, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Người thổi tù và hàng tổng..., những bộ phim truyền hình về đề tài nông thôn đình đám một thời.

Trước đó, các bộ phim về đề tài nông thôn như Cô gái nhà người ta, Mùa hoa tìm lại cũng được khán giả chú ý, nhưng chưa thể tạo được ấn tượng mạnh mẽ như các phim giai đoạn trước.

Làm phim về nông thôn bây giờ "khó"

Đó là chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, người từng được mệnh danh là "đạo diễn của những bộ phim nông thôn". Vị đạo diễn của Ma làng, Gió làng Kình, Đất và người cho hay đối với các đạo diễn trẻ hiện nay, để làm một bộ phim "đặc" tính nông thôn là một chuyện không hề đơn giản. "Làm phim nông thôn bây giờ khó hơn thời của tôi vì nông thôn bây giờ đang bị đô thị hóa, lằn ranh giữa nông thôn và thành thị dần bị xóa nhòa. Mặt khác, hiện nay các bộ phim đề tài tình yêu, giới trẻ, cuộc sống nơi thành thị... dễ hút khán giả, kịch bản dễ viết. Chính vì thế số đạo diễn làm phim về nông thôn ngày càng ít đi", ông nói.

Phim truyền hình về nông thôn giảm sức hút - Ảnh 1.

Phim Cô gái nhà người ta

Chụp màn hình

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng với một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp như Việt Nam thì những vấn đề về xã hội ở nông thôn vẫn có nhiều, tuy nhiên "khi làm phim truyền hình chúng ta đang bị bệnh là không có kế hoạch, vớ được kịch bản nào người ta gửi đến thì lấy cái đó, các đài truyền hình cũng không đặt ra tỷ lệ phim về đề tài này bao nhiêu phần trăm thành ra đề tài nông thôn không được chú trọng. Và một yếu tố nữa là nhà sản xuất lại phụ thuộc nhiều vào nhà tài trợ. Nhà tài trợ đặt hàng những bộ phim về đời sống hiện đại, những chuyện về gia đình, tình yêu, anh nhà giàu yêu cô nhà nghèo, cô nhà giàu yêu anh nhà nghèo, vì người ta tin rằng những bộ phim này sẽ thu hút được quảng cáo nhiều hơn phim về nông thôn".

Biên kịch Huyền Lê (viết kịch bản cho Mùa hoa tìm lại, Cô gái nhà người ta), cho biết: "Đề tài về nông thôn dạo này cũng ít xuất hiện trên truyền hình vì khó tìm thấy người viết tốt về nông thôn. Nông thôn bây giờ là nửa nông thôn, nửa thành thị. Lớp biên kịch già lớn tuổi chưa quen lối sống đó nên không viết được, lớp trẻ như tôi thì không đủ trải nghiệm và sâu sắc để hiểu về "nông thôn" nên viết cũng khó. Nếu viết cũ thì không hợp thời đại, mà viết mới hẳn thì không đúng với nông thôn. Tôi cũng sinh ra ở nông thôn, có được chút ít sự trải nghiệm tuy nhiên mấy bộ phim mà tôi viết về nông thôn, bản thân tôi thấy đều khá là khó. Bây giờ các vùng nông thôn đang đô thị hóa rất nhiều, nếu muốn viết tốt cũng phải nghiên cứu, đi đây đi đó…".

Đạo diễn, NSND Trọng Trinh với vai trò vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, cho hay phim đề tài nông thôn không còn hấp dẫn các đạo diễn trẻ, bản thân ông cũng thích làm phim về đề tài nông thôn nhưng chưa tìm được kịch bản hay, thu hút khán giả. Một phần nữa ông cho rằng phim truyền hình bây giờ phụ thuộc vào nhà tài trợ và các đơn đặt hàng, mà đề tài nông thôn nếu không thú vị thì sẽ rất khó thu hút được khán giả.

Phim truyền hình về nông thôn giảm sức hút - Ảnh 2.

Phim Làng trong phố của đạo diễn Mai Hiền

"Vẫn còn nhiều vấn đề để làm phim lắm"

"Ở nông thôn nhiều vấn đề lắm. Ở mỗi thời nông thôn lại có những vấn đề riêng. Vấn đề nông thôn hiện nay khác với thời xưa. Nông thôn thời đô thị hóa khác với nông thôn thời "thuần chất". Phải tìm hiểu thật kỹ mới hiểu được, mới làm phim được…", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần khẳng định. Ông lấy ví dụ về phim Gió làng Kình được ông làm về vấn đề nổi cộm ở nông thôn: Chuyện cán bộ lợi dụng chức quyền để trục lợi. Đây là vấn đề ông đã để tâm quan sát từ trước đó khá lâu.

Vị đạo diễn "chuyên về phim nông thôn" cho rằng muốn hiểu về nông thôn hiện nay thì các đạo diễn, các nghệ sĩ phải dấn thân mới làm được. "Chúng ta đang thiếu người đi tìm hiểu, đi sống thực tế với vấn đề nông thôn", ông nói. Ông cho rằng người nông dân vẫn thích được xem câu chuyện của mình trên ti vi, nhưng phải là câu chuyện gần gũi, chân thực và hấp dẫn.

Biên kịch Huyền Lê cũng cho rằng khó có thể làm phim đề tài nông thôn hay nếu ít sự trải nghiệm thực tế. "Những đạo diễn có nhiều vốn sống làm phim nông thôn sẽ hay và tốt hơn. Với một biên kịch trẻ như tôi thì tôi cũng sẽ chỉ viết về những gì mà mình hiểu rõ", Huyền Lê chia sẻ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.