Phim về đề tài dân tộc thiểu số: Dễ hút khách nhưng nhiều thách thức

18/08/2024 06:00 GMT+7

Bộ phim truyền hình 'Đi giữa trời rực rỡ' phát trên VTV3 đang thu hút đông đảo khán giả. Một trong những yếu tố chính tạo nên sức hút này là đời sống, tính cách, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện trên phim.

Chất liệu mới lạ

Khán giả Việt đã từng xem Chuyện của Pao, phim truyện nhựa chuyển thể từ truyện ngắn Tiếng đàn môi sau bờ rào đá của Đỗ Bích Thúy, do Ngô Quang Hải làm đạo diễn. Phim công chiếu năm 2006 và tạo tiếng vang khi thể hiện sống động và đầy tính nhân văn về hành trình đi tìm mẹ của Pao, một cô gái người Mông tại Hà Giang. Qua đó, những nét văn hóa đặc trưng như phiên chợ ở Đồng Văn của người Mông, cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây với những hoạt động thường ngày như địu con, băm bèo, đeo gùi, đuổi dê… đều được các diễn viên thể hiện chân thực. Nhiều cảnh quay lột tả đặc trưng của người phụ nữ Mông như đôi bàn tay của bà Kía vì nhuộm vải may áo mà bị nhuốm đen hay hình ảnh bà Kía mặc bộ váy đỏ rất đẹp, tay cầm ly rượu, gương mặt sáng ngời cả một góc chợ phiên gây ấn tượng với khán giả. Chuyện của Pao còn khiến người xem mãn nhãn vì được chiêm ngưỡng một Hà Giang đẹp lung linh với đồng hoa cải vàng rực một góc trời, xanh phẳng những ruộng ngô hay hoa ban trắng trời.

Phim về đề tài dân tộc thiểu số: Dễ hút khách nhưng nhiều thách thức- Ảnh 1.

Cảnh trong phim Lặng yên dưới vực sâu

Chụp màn hình

Sự đa dạng văn hóa của hơn 50 dân tộc anh em trên đất nước VN là cơ hội lớn cho tất cả các nhà làm phim khai thác, qua đó cũng tạo ra những cơ hội quảng bá nét văn hóa đặc sắc riêng của bà con nơi đây.


Đạo diễn Lương Đình Dũng

Phim truyền hình Lặng yên dưới vực sâu dài 32 tập của đạo diễn Đào Duy Phúc lên sóng trên VTV3 năm 2017 cũng tạo dấu ấn và giúp người xem có cái nhìn gần hơn về phong tục tập quán của đồng bào Mông ở Hà Giang qua những lễ hội, thủ tục cưới xin, ma chay... Cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của người Mông cũng được biết đến qua việc cắt cỏ, rèn cuốc, xay ngô, cưỡi ngựa… Rồi những dãy núi đá tai mèo, cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pí Lèng hiện lên trong phim đẹp không góc chết.

Gần đây nhất có series phim truyền hình chiếu trên nền tảng số Tết ở Làng địa ngục của Trần Hữu Tấn cũng rất ăn khách. Phim thuộc thể loại kinh dị, bối cảnh chính được quay ở làng Sảo Há thuộc tỉnh Hà Giang với không gian hoang vu trong ngôi làng cổ nằm cheo leo giữa núi, sương trắng phủ đầy kết hợp với sự đầu tư về âm thanh, kỹ xảo, sự tỉ mỉ về trang phục cho diễn viên, đã tạo nên những thước phim đậm màu ma mị.

Ngay cả phim Đi giữa trời rực rỡ dù đang gây tranh cãi về vấn đề trang phục của người Dao, nhưng qua phim khán giả cũng hiểu thêm những nét đặc trưng về trang phục và một số phong tục tập quán liên quan đến thờ cúng… Đặc biệt, cảnh sắc Cao Bằng đẹp nên thơ và hùng vĩ cũng rất hút khán giả.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC VỚI NGƯỜI LÀM PHIM

Có thể thấy phim về đề tài dân tộc thiểu số là "miếng bánh" lạ trong bối cảnh đang có quá nhiều phim khai thác nội dung về gia đình, tâm lý xã hội, hài giải trí… Tuy nhiên đến nay chúng ta chưa có nhiều bộ phim khai thác đề tài người dân tộc thiểu số.

Phim về đề tài dân tộc thiểu số: Dễ hút khách nhưng nhiều thách thức- Ảnh 2.

Cảnh trong phim Đi giữa trời rực rỡ

"Để có một bộ phim hay về đề tài dân tộc thiểu số, điều đầu tiên là những người làm phim phải "nhập thân" vào đời sống văn hóa - phong tục của cộng đồng cư dân bản địa. Khi hiểu kỹ được tư duy từ chủ thể văn hóa, những vấn đề tốt - xấu của nền văn hóa đó sẽ được phản ánh "có hồn", chứ không bị áp đặt, gượng ép, gây hiệu ứng ngược như một vài bộ phim về đề tài này gần đây".

Tiến sĩ dân tộc học Bàn Tuấn Năng

Đề cập đến việc làm phim về đề tài dân tộc thiểu số, đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch Lương Đình Dũng khẳng định: "Sự đa dạng văn hóa của hơn 50 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam là cơ hội lớn cho tất cả các nhà làm phim khai thác, qua đó cũng tạo ra những cơ hội quảng bá nét văn hóa đặc sắc riêng của bà con nơi đây, góp phần phát triển du lịch các địa phương ở miền núi".

Việc không có nhiều phim về đề tài này có lẽ phần lớn do các nhà làm phim gặp nhiều thách thức. Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn của phim Đi giữa trời rực rỡ chia sẻ: "Chúng tôi đã mất khoảng 3 tháng cho việc chuẩn bị. Phải đi khảo sát nhiều địa phương để chọn bối cảnh. Nhưng thách thức lớn nhất với tôi và cả ê kíp làm phim là quá trình sản xuất vất vả, phải di chuyển nhiều bối cảnh khác nhau ở địa hình đồi núi rất nguy hiểm trong mùa mưa bão".

Một thực tế khác khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số là rất dễ gây tranh cãi, khi nội dung phim khai thác sâu vào phong tục, tập quán, trang phục và cuộc sống của người miền núi. Đi giữa trời rực rỡ gây tranh cãi về trang phục dân tộc Dao, còn trước đó Lặng yên dưới vực sâu cũng từng nhận nhiều góp ý về giọng nói, trang phục nhân vật.

"Một vấn đề rất khó, không chỉ cho các nhà làm phim mà cả với những người yêu quý chất liệu và sự đa dạng của hơn 50 dân tộc của Việt Nam, là phải tìm ra nguồn tư liệu, tư vấn có tính xác thực nhất. Tôi nghĩ phim ảnh cũng đã phân biệt rõ ràng về thể loại hư cấu, tưởng tượng... người xem phim cũng sẽ hiểu điều đó. Tuy nhiên đã lấy bối cảnh là một vùng miền nào đó cụ thể, một dân tộc cụ thể thì phải tôn trọng những điều đó như một nguyên tắc của sáng tạo", đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.