Sự lãng mạn trong cuộc chiến sinh tử
Chuyện đời bác sĩ (mùa 1 phát sóng năm 2020; mùa 2 đang phát sóng trên kênh tvN) xoay quanh 5 bác sĩ làm việc ở khoa nhi, thần kinh, ngoại, sản và tim mạch. Họ là những người bạn thân thiết ở Trường đại học Seoul và sau đó cùng về làm việc tại Bệnh viện Yulje. Vì vậy, những câu chuyện trong phim hầu hết được diễn ra tại bệnh viện này. Những ca phẫu thuật, ghép tạng phức tạp được mô tả tỉ mỉ, giúp khán giả hình dung rõ nét về công việc cũng như áp lực của nghề y. Bên cạnh đó, hình ảnh của các y bác sĩ được khắc họa đa chiều, không tô vẽ. Không ít y bác sĩ nhiều lần phải bỏ dở bữa ăn với bạn bè, hay những khoảnh khắc quý giá bên gia đình để vội vã đến bệnh viện khi có ca cấp cứu. Song cũng có một số y bác sĩ không đủ độ tận tụy với người bệnh, toan tính cho lợi ích, làm màu cho hình ảnh của mình để thăng tiến.
Trong khi đó, xuyên suốt 2 phần của Người thầy y đức, thông qua chuyên môn, y đức, cách sống của nhân vật Boo Yong-joo (Han Suk-kyu đóng) - một bác sĩ tài năng, tâm huyết với nghề nhưng vì sự cố đã nghỉ việc tại bệnh viện lớn ở thủ đô, về phục vụ cho bệnh viện nhỏ ở làng quê và được gọi là thầy Kim, phim mang đến những câu chuyện vừa đậm tính chuyên ngành, vừa đầy yếu tố lãng mạn.
|
Ở góc độ chân thực, trên các diễn đàn về phim, khán giả bày tỏ sự “hồi hộp, căng thẳng, thót tim” khi theo dõi các ca phẫu thuật khẩn cấp không thua những phim hành động. Bên cạnh đó, các vấn nạn nhức nhối trong ngành y cũng được bóc trần qua các tai nạn, ca mổ: che giấu sai phạm trong quy trình y tế, “lừa đảo” trong tuyển dụng nhằm dụ dỗ người tài về các bệnh viện cần PR thương hiệu, tạo phe cánh chèn ép nhằm hạ uy tín nhau… Người xem bắt gặp những phận đời của những con người cùng những câu chuyện mà có thể gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống này. Và trên hết, họ còn được học những bài học cuộc sống quý giá. Đó là sự thấu hiểu, đồng cảm giữa con người với con người; là việc đặt con người lên thành yếu tố thượng tôn trong mọi quyết định nghề nghiệp, là việc trân quý từng phút giây của sự sống… Trước những do dự về chọn lựa của mình, thầy Kim đã nói với các học trò rằng: Không thể lần nào cũng có câu trả lời đúng, nhưng hãy luôn đặt câu hỏi về việc tại sao chúng ta sống và chúng ta sống vì điều gì; khoảnh khắc các bạn ngừng câu hỏi đó, sự lãng mạn của cuộc đời kết thúc.
Có thể thấy, câu chuyện về ngành y lãng mạn không chỉ ở tình yêu lứa đôi của các bác sĩ trong bệnh viện, mà cao đẹp hơn là lòng yêu thương và cái tâm của họ đối với bệnh nhân cùng với lý tưởng mà họ theo đuổi.
|
Ý nghĩa trong đại dịch
Nam diễn viên nổi tiếng Jo Jung-suk - người thủ vai bác sĩ Lee Ik-jun trong Chuyện đời bác sĩ, đã tự nguyện giảm tiền cát sê của mình. Mức cát sê của nam diễn viên hạng A này thông thường ở mức 90 - 100 triệu won/tập (khoảng 1,7 - 1,9 tỉ đồng). Tuy nhiên, anh đã đề nghị chỉ nhận 70 triệu won/tập (khoảng 1,3 tỉ đồng) khi tin tưởng vào đạo diễn, nhà biên kịch cùng giá trị, ý nghĩa của bộ phim với cộng đồng và muốn được chia sẻ khó khăn với ê kíp làm phim trong thời điểm dịch bệnh. Với sức nóng của phần 1, phần 2 của Chuyện đời bác sĩ liên tục lập kỷ lục về số người xem. Tại Hàn Quốc, tập mới nhất của phim (phát ngày 22.7) đã đạt tỷ lệ người xem trung bình là 13,2%.
Trước Chuyện đời bác sĩ, phần 2 của Người thầy y đức (phát trên kênh SBS năm 2020) cũng được đề xuất xem nhiều trong những ngày giãn cách xã hội. Đây cũng là bộ phim chân thực về nghề y đạt tỷ suất người xem cao, trở thành phim truyền hình ăn khách nhất năm 2020 của các đài công cộng Hàn Quốc. Còn phần 1 phát sóng năm 2016 được đánh giá là một trong những phim về ngành y đặc sắc nhất của truyền hình Hàn Quốc, đã nhận trên dưới 10 giải thưởng lớn nhỏ, đáng chú ý là giải thưởng cho đạo diễn xuất sắc nhất tại Baek Sang Art Awards 2017 và cho diễn viên Han Suk-kyu (vai thầy Kim) tại SBS Drama Awards 2016.
Những thông điệp được truyền tải trong những bộ phim về nghề y càng thêm ý nghĩa nhất là trong thời gian dịch bệnh này. Chẳng thế mà nhà phê bình văn hóa đại chúng Hàn Quốc Jung Deok-hyeon khi nhận xét về bộ phim Chuyện đời bác sĩ đã nói phim giúp xoa dịu tâm hồn khán giả thời dịch.
Phim truyền hình Việt có chủ đề về ngành y cũng từng được giới làm nghề thực hiện không ít trong thời gian qua, dù là phim thuần Việt hay phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài. Chỉ có điều, tính đến thời điểm này xem ra vẫn chưa có mấy phim Việt khu biệt vào “địa hạt” y học cổ truyền dân tộc. Phim Việt chưa chạm được vào mảnh đất màu mỡ này, có lẽ một phần là từ hiện thực đời sống đương đại đến nay vẫn chưa thực sự chú trọng đẩy mạnh về phương hướng chữa lành từ thiên nhiên. Phần khác, những người làm phim dường như cũng ngại ngần nếu phải chọn làm phim với mảng chuyên ngành này, bởi những định kiến chủ quan của thời đại, của y học Tây y phủ bóng.
Nếu bây giờ phim Việt mạnh dạn tiếp cận và khôi phục các giá trị y học truyền thống, hẳn nhiên lớp khán giả trẻ sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị, từ đó góp phần tái khám phá những thành tựu y học cổ truyền từng có trên đất Việt xưa, được dịp hiểu thêm về các vị danh y nổi tiếng như Tuệ Tĩnh - vị thánh thuốc nam, ông tổ của y học cổ truyền Việt Nam; Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác - được suy tôn là Đại y tôn Việt Nam…
Chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước
|
Bình luận (0)