Phim về 'tình chị em': Âu Mỹ kém chuộng, Nhật Hàn nở rộ

04/06/2018 11:45 GMT+7

Nếu mươi năm về trước không dễ để bắt gặp những bộ phim đề tài 'tình chị em', thì những năm gần đây, chuyện 'phi công lái máy bay bà già' lại xuất hiện khá nhiều trên màn ảnh.

Âu Mỹ không chuộng tình chị em
Cứ ngỡ các nước Âu Mỹ vốn có quan niệm thoáng về tình yêu, rằng tình yêu là không phân biệt tuổi tác, thế nhưng điểm lại những phim tình cảm của họ mới thấy thực tế hoàn toàn trái ngược. Phim phương Tây không xuất hiện quá nhiều chuyện tình “máy bay - bà già”, và nếu có thì cũng thường mang kết thúc buồn.
Nổi tiếng nhất có lẽ là phim The Piano Teacher. Bộ phim của Phần Lan xoay quanh mối quan hệ ám ảnh giữa nghệ sĩ dương cầm kiêm giáo viên dạy nhạc đứng tuổi và một sinh viên trẻ. Hay như The Reader dựa theo tiểu thuyết của Đức, phim tập trung vào chuyện tình chênh nhau đến 21 tuổi. Lần đầu tiên Michael gặp Hanna, cậu chỉ mới 15 tuổi để rồi bị cuốn vào mối quan hệ kỳ lạ khi Hanna yêu cầu Michael phải đọc sách cho cô nghe trước khi làm tình. Cũng giống hai phim kể trên, The Boy Next Door xoay quanh cô giáo viên đang có trục trặc tình cảm với chồng, trong khoảnh khắc yếu đuối đã sa vào vòng tay bạn của con mình, và phim cũng không có kết thúc trọn vẹn.
Tuy thế, cũng có những bộ phim với kết thúc đẹp, dù chuyện tình chị em của họ phải trải qua rất nhiều phong ba bão tố, như phim Adore, The Proposal, The Rebound, Sex and the City… Nhưng những bộ phim như thế thật sự không nhiều so với số lượng phim khổng lồ của điện ảnh và truyền hình Âu Mỹ.
Châu Á trăn trở với đề tài “tình chị em”
Đề tài tình chị em chưa bao giờ cạn trong ngành điện ảnh truyền hình Nhật Bản, và vẫn tiếp tục được khai thác Ảnh: NTV / Nippon Television Network Corporation
Vai trò của phụ nữ châu Á trong xã hội hiện đại có thể nói là bình đẳng so với nam giới. Tuy nhiên, để đạt được thành công trong sự nghiệp, họ thường phải hi sinh tuổi xuân và hạnh phúc cá nhân. Điển hình nhất là ở đất nước mặt trời mọc, có một luật bất thành văn rằng phụ nữ sau khi kết hôn sẽ nghỉ việc về làm nội trợ, còn nếu muốn tiếp tục gắn bó với công ty thì phải sống kiếp độc thân, đến khi cảm thấy cô đơn và muốn tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình thì đã quá muộn.
Lúc này đây, họ lại tìm thấy sự rung động với những chàng trai trẻ đang độc thân, nhìn mình với ánh mắt ngưỡng mộ nhưng cũng đầy mong muốn được bảo vệ. Và rất nhiều bộ phim Nhật Bản đã mang những câu chuyện tình từ đời thật này vào phim ảnh. Thập niên 90 có Long Vacation, Love & Eros… Những năm 2000 có Kimi wa Petto, Anego… Gần đây, khán giả có dịp “loạn nhịp” với Kyou wa Kaisha Yasumimasu, bản remake của Kimi wa Petto… Mối quan hệ của cặp nam nữ trong phim thường là đồng nghiệp, thậm chí là cô giáo - học sinh.
I Hear Your Voice gây sốt không chỉ Hàn Quốc mà còn khắp châu Á Ảnh: SBS
Còn ở Hàn Quốc thì sao? Xứ sở kim chi ban đầu không mặn mà lắm đề tài này, tìm mãi mới thấy Piano (2001), Tropical Nights in December (2004), Hello My Teacher (2005) đầy bi kịch. Tình hình càng khan hiếm hơn khi phim điện ảnh chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản Kimi wa Petto ra đời.
Dù phiên bản truyền hình rất thành công ở Nhật Bản, nhưng với bản chuyển thể của Hàn, với văn hóa giai đoạn 2011, thật khó để đàn ông chấp nhận việc có một bộ phim mà vai trò của họ và nữ giới đảo lộn.
Trong phim, nữ chính là một phụ nữ thành đạt, cô ta nhận nuôi một chàng trai trẻ, với điều kiện cậu ta phải hành động như một chú cún. Cho đến khi A Witch’s Romance, Tempurature of Love, I Hear Your Voice… ra mắt, khán giả xứ Hàn mới có thiện cảm với những bộ phim mô tả tình yêu chênh lệch tuổi tác như thế này.
Và những năm gần đây, đề tài này trở nên hot lạ kỳ ở xứ sở kim chi, khi hàng loạt bộ phim được ra mắt và đều gặt hái thành công như Strong Woman Do Bong Soon, Pretty Noona Who Buys Food For Me… Càng về sau, ta càng nhận thấy sự tương đồng trong các tác phẩm tình yêu của Nhật Bản và Hàn Quốc, ấy là ưu tiên khai thác tình chị em, và hầu hết các bộ phim này đều có kết thúc viên mãn. Rất ít phim có kết thúc gây nuối tiếc như Secret Love Affair. Bộ phim mới nhất mà Hàn Quốc thực hiện cũng mang đề tài này là Boyfriend.
Phim xứ Đài lại hiếm khi xuất hiện thể loại “tình chị em” Ảnh: SET / Sanlih Entertainment Television
Nhật Bản ngay từ đầu đã ủng hộ tình yêu cách biệt tuổi tác, Hàn Quốc thì về sau cũng đã có cái nhìn khách quan, còn phim xứ Đài lại thi thoảng mới có vài bộ nhưng không tập trung khai thác sâu, tiêu biểu là KO One có bối cảnh học đường. Một cậu học sinh say nắng cô giáo chủ nhiệm, nhưng sau đó cũng đã tìm được tình yêu thật sự với một bạn cùng tuổi. Phim tình yêu giữa cô gái quá lứa lỡ thì và chàng trai trẻ thật sự và nổi bật nhất của Đài Loan chính là Bại khuyển nữ vương vào năm 2009.
Chính đề tài mới lạ và cách khai thác độc đáo, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, và sau còn được Hàn Quốc mua bản quyền làm lại với tên A Witch’s Romance. Tuy nhiên, bộ phim này không hẳn là “happy ending”, nó có kết thúc mở khi nữ chính từ chối lời cầu hôn, bởi giờ việc lấy chồng không còn là ưu tiên hàng đầu của cô nữa. Và dường như sau Tỷ tỷ tiến lên phát sóng năm 2013, chẳng còn phim nào thuộc thể loại này được chú ý ở Đài Loan nữa.
Trung Quốc không quá lạm dụng đề tài này, nhưng luôn ưu ái cho nó một cái kết viên mãn Ảnh: Draw and Shoot Flims
Trung Quốc có dạo “thử sức” với Hơi thở mới của tình yêu, Giá trị gái ế, Một đêm vui vẻ mà điểm chung đều là những bộ phim hài hước, kết thúc vui vẻ. Hiếm hoi lắm mới có một phim nhiều nước mắt như Thê nương, nhưng kết phim vẫn vô cùng trọn vẹn.
Phim ảnh phản ứng một phần thực trạng xã hội. Ngày nay, mọi người đã suy nghĩ thoáng hơn về khoảng cách tuổi tác của các cặp đôi. Những bộ phim tình chị em lần lượt ra đời không chỉ tạo những phút giây giải trí cho khán giả, mà còn là “liều thuốc cho trái tim”, động viên chị em phụ nữ hãy cứ yêu đi, vì “đời cho phép”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.