Phim Việt chuộng kịch bản ngoại

03/10/2017 07:18 GMT+7

Ngày mai Mai cưới vừa ra rạp cuối tuần qua được Việt hóa từ kịch bản của Indonesia, cùng với hàng loạt phim Việt có kịch bản được mua từ nước ngoài đã và sắp ra mắt cho thấy sự thiếu hụt kịch bản phim Việt đã đến mức báo động.

Ngày mai Mai cưới có sự tham gia diễn xuất của Diệu Nhi, Cát Phượng, Trung Dân… do Nguyễn Tấn Phước đạo diễn được làm lại từ phim gốc có tựa tiếng Anh là Get Married ra mắt 10 năm trước tại Indonesia. Điều đáng nói là, cho đến nay cả bộ phim gốc lẫn các diễn viên vẫn khá xa lạ với khán giả VN, và bản thân nền điện ảnh Indonesia cũng không phải là nền điện ảnh mạnh trên thế giới. Tất nhiên chất lượng phim chuyển thể còn phụ thuộc rất nhiều vào ê kíp Việt, nhưng với việc mua kịch bản từ Indonesia, Ngày mai Mai cưới đã mất đi lợi thế “đánh động” khán giả nhờ sự nổi tiếng của diễn viên và bản phim gốc - điều rất quan trọng đối với một bộ phim làm lại.

Bây giờ tìm được một kịch bản phim Việt “ra hồn” để thực hiện là cực kỳ gian nan, trong khi nhà sản xuất nào cũng muốn nhanh chóng kiếm lợi nhuận triệu đô ở phòng vé

Đạo diễn Charlie Nguyễn

Có thể nói, thành công rực rỡ về doanh thu (102 tỉ) vào năm 2016 của Em là bà nội của anh (Việt hóa từ phim nổi tiếng Hàn Quốc Miss Granny) đã kích thích các nhà sản xuất săn tìm kịch bản nước ngoài để làm lại. Cho đến nay đã có hàng loạt phim điện ảnh làm lại ra mắt khán giả: Sắc đẹp ngàn cân (làm lại từ 200 Pounds Beauty của Hàn Quốc), Bạn gái tôi là sếp (Việt hóa từ phim Thái Lan ATM: Er Rak Error), và mới nhất là Yêu đi, đừng sợ (làm lại từ Spellbound, Hàn Quốc). Danh sách các phim làm lại đang được thực hiện và sẽ tung ra chiếu là: Tháng năm rực rỡ làm lại từ phim Sunny (Hàn Quốc); Ông ngoại tuổi băm làm lại phim Speed Scandal (Hàn Quốc); Yêu em bất chấp làm lại từ My sassy girl (Hàn Quốc); phiên bản điện ảnh của Người phán xử làm lại từ bộ phim Israel… Đó là chưa kể hàng chục phim truyền hình làm lại từ kịch bản Hàn, Thái, Israel, Trung Quốc được phát sóng lâu nay.
“Bây giờ tìm được một kịch bản phim Việt “ra hồn” để thực hiện là cực kỳ gian nan, trong khi nhà sản xuất nào cũng muốn nhanh chóng kiếm lợi nhuận triệu đô ở phòng vé, thế nên mới có tình trạng đổ xô săn lùng kịch bản phim ngoại”, đạo diễn Charlie Nguyễn lý giải.
Cần đào tạo từ gốc
Nếu tư duy các nhà sản xuất thay đổi, chịu bỏ ra số tiền lớn, huy động đội ngũ biên kịch giỏi, có nghề thì chắc chắn sẽ có được kịch bản tốt
Nhà biên kịch Ngọc Bích
Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh than thở: “Có hàng trăm kịch bản được gửi đến hãng phim của tôi, nhưng không thể tìm ra một kịch bản để đưa vào sản xuất vì quá yếu và không có sự hấp dẫn mang tính thương mại. Hiện có thể thấy tình trạng chung là các bạn trẻ viết kịch bản thường thiếu vốn sống, thiếu va chạm thực tế, còn các biên kịch lớn tuổi lại thiếu sức trẻ, không thổi được “hồn” của cuộc sống vào tác phẩm”.
Nhà biên kịch Ngọc Bích của phim Sài Gòn anh yêu em - từng nhận giải biên kịch và phim hay nhất Cánh diều vàng 2017, cho rằng việc sử dụng quá nhiều kịch bản nước ngoài để làm lại chứng tỏ “sự thụt lùi của tay nghề biên kịch VN”. Về nguyên nhân, bà Ngọc Bích cho biết nhiều nhà sản xuất phim trả thù lao cho kịch bản phim Việt quá rẻ khiến các nhà biên kịch không thực sự đầu tư vào kịch bản. “Nếu tư duy các nhà sản xuất thay đổi, chịu bỏ ra số tiền lớn, huy động đội ngũ biên kịch giỏi, có nghề để tập trung cùng nhau cho ra đời một câu chuyện có phản biện trong khi viết thì chắc chắn sẽ có được kịch bản tốt”, Ngọc Bích nói.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì nhìn nhận: Ở VN, các nhà biên kịch vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng dẫn đến việc đầu tư cho kịch bản và đào tạo biên kịch chưa đúng mức. “Nhiều nhà sản xuất vẫn có ý nghĩ: để thu hút khán giả, trước hết phải có dàn diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp, nhiều người hâm mộ...
Đây là điều quan trọng nhưng vẫn là thứ yếu so với kịch bản hay. Tôi nghĩ tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh VN. Muốn tạo được kịch bản hay và nguồn kịch bản dồi dào, không có biện pháp nào khác là phải đào tạo từ gốc và bài bản hơn; bởi đây là yếu tố sống còn để làm nên một bộ phim hay”, đạo diễn Nhật Linh nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.