Phim Việt đặt cược vào danh hài

02/03/2016 05:55 GMT+7

Tối 29.2, bộ phim Taxi, em tên gì của đạo diễn Đức Thịnh - Tuấn Vũ đã có buổi chiếu ra mắt khán giả với gương mặt hài đang 'nổi như cồn' Trường Giang thủ vai chính.

Tối 29.2, bộ phim Taxi, em tên gì của đạo diễn Đức Thịnh - Tuấn Vũ đã có buổi chiếu ra mắt khán giả với gương mặt hài đang 'nổi như cồn' Trường Giang thủ vai chính.

Trường Giang và Angela Phương Trinh trong phim hài 'Taxi, em tên gì' - Ảnh: Thiên PhúcTrường Giang và Angela Phương Trinh trong phim hài 'Taxi, em tên gì' - Ảnh: Thiên Phúc
Đây là một trong nhiều bộ phim được kỳ vọng hút khách nhờ vào sự có mặt của các danh hài.
Nhờ cú hích của những bộ phim chiếu rạp có doanh thu gần cả trăm tỉ đồng mà thị trường điện ảnh Việt ngày càng sôi động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp nào đủ sức kéo khán giả bỏ tiền mua vé xem phim vì tên tuổi của mình. Trong khi đó không ít khán giả đến rạp xem phim chỉ vì phim có những diễn viên hài mà họ yêu thích.
Chi hàng tỉ đồng trả cát sê
Trường Giang không muốn đóng khung trong vai hài
Thời điểm này, Taxi, em tên gì đã gỡ gạc lại phần nào bức tranh xám xịt của dòng phim hài từ đầu năm tới nay khi đây là bộ phim duyên dáng, đáng xem. Trường Giang cho biết: “Tôi hy vọng khán giả sẽ nhìn nhận tôi dưới góc độ khác, không chỉ đóng khung trong những vai hài hước kiểu muốn nói gì thì nói, muốn diễn gì thì diễn như các phim trước; mà vai diễn này có cảm xúc, có đầu tư, với câu chuyện ý nghĩa nhân văn. Bộ phim này không phải phim hài nhảm nên tôi cũng đặt cược vào ê kíp làm phim”.
Một loạt bộ phim có mặt hai diễn viên sân khấu hài Thái Hòa, Hoài Linh: Để mai tính 2 (doanh thu 101 tỉ đồng), Quả tim máu (90 tỉ đồng), Tèo em (85 tỉ đồng), Cưới ngay kẻo lỡ (65 tỉ), Hello cô Ba (hơn 50 tỉ), Nhà có 5 nàng tiên (hơn 70 tỉ)... đã khiến họ lập tức được xem là các “ông vua phòng vé”, và các nhà đầu tư chuyển hướng xem danh hài là “lá bùa hộ mệnh” cho phim. Ngoài hai diễn viên kể trên và các diễn viên “thống trị” sân khấu hài cả chục năm nay như Việt Hương, Thúy Nga, Cát Phượng, Tấn Beo, Tiết Cương... thì các gương mặt trẻ cũng được săn lùng ráo riết để mời vào phim: Trường Giang (Lật mặt, 49 ngày), Trấn Thành (Hai lúa, Trùm cỏ…), Lê Khánh (Cô dâu đại chiến
1 - 2, Ngày nảy ngày nay), Thu Trang (Em là bà nội của anh), Hoàng Phi (49 ngày), Diệu Nhi (Gái già lắm chiêu), La Thành (Yêu là phải xài chiêu)...
Nhà sản xuất Bích Liên (Hãng phim Sóng Vàng, đơn vị sản xuất hàng loạt phim hài suốt từ 4 - 5 năm nay), cho biết hãng chọn dòng phim hài với những gương mặt danh hài chủ chốt như: Hoài Linh, Việt Hương, Tấn Beo… xuất hiện gần như độc quyền trong phim là do “sức hút có thật của các gương mặt hài này trên thị trường giải trí; hãng phim chọn làm phim theo hướng hài gần gũi với mọi đối tượng trong gia đình; và cả việc dòng phim hài tập trung vào câu chuyện và diễn xuất tự thân của diễn viên hơn là phải tốn quá nhiều kinh phí cho bối cảnh, phục trang như các thể loại phim hành động, kiếm hiệp, lịch sử, kinh dị… nên khả năng thu hồi lại vốn không phải là canh bạc quá cân não đối với nhà
làm phim”.
Tuy kinh phí làm phim hài không cần quá lớn, song vấn đề khiến nhiều nhà sản xuất đau đầu chính là cát sê của các danh hài đang tăng quá cao kể từ khi họ ý thức được “giá trị” của mình. Ngoài Hoài Linh, Việt Hương được nhà sản xuất công bố ký hợp đồng độc quyền với giá cát sê trên 1 tỉ đồng/phim, thì các diễn viên khác cũng đòi hỏi mức cát sê cao không kém, thậm chí yêu cầu ngoài cát sê, họ còn có cổ phần hùn để được chia lợi nhuận trên doanh thu, như trường hợp Trường Giang với Taxi, em tên gì. Diễn viên K. - một gương mặt tài năng, diễn hài rất duyên dáng, nhưng sau vài thành công trong các bộ phim thu hút khán giả, cô đã bất ngờ ra giá cát sê cho các vai diễn của mình phải trên 1 tỉ đồng mới nhận vai khiến các nhà sản xuất chịu thua.
Có danh hài cũng… khóc
Tuy nhiên, không phải phim Việt nào dựa vào danh hài cũng hốt bạc, mà vẫn có các phim thất bại thảm hại nếu làm cẩu thả, sơ sài.
Phim Cưới chạy dù gom một loạt danh hài như Chí Tài, Việt Hương, Hữu Nghĩa, Phương Dung, Hoàng Mập cũng khiến khán giả phải... bỏ chạy khi phim quá cẩu thả với những đoạn cắt ghép, bối cảnh sơ sài. Phim Hai Lúa với sự góp mặt của NSƯT Thanh Nam, Trấn Thành, Phương Mỹ Chi và hoa hậu Diễm Hương… cũng không đạt doanh thu như kỳ vọng. Thất bại thê thảm nhất là Hy sinh đời trai dù được đạo diễn tên tuổi Lưu Huỳnh thực hiện, cùng với một dàn sao hài như Tấn Beo, Phước Sang, Quang Thắng, Tuyền Mập… Các phim hài Biết chết liền, Yêu anh em dám không… cũng khiến nhà sản xuất không thể cười nổi. Ngay cả phim hài tết Tía tôi là cao thủ có Hoài Linh diễn tuy doanh thu cao nhất nhưng bị nhận xét là chọc cười nhạt nhẽo. Khán giả cũng đang ngán ngẩm khi cứ hễ hài là xuất hiện những gương mặt ấy, cách diễn ấy và những câu chuyện xàm xàm với những tiếng cười vô thưởng vô phạt.
“Làm phim hài không dễ ăn. Chọc cười khán giả cũng trần ai lắm bởi thị hiếu là khó lường, tưởng như vậy khán giả sẽ cười nhưng khán giả sẽ không cười, thậm chí tẩy chay bộ phim”, diễn viên Thái Hòa đã từng nói sau khi vấp phải phản ứng của khán giả do hình tượng người chuyển giới bị “làm lố” để gây cười trong Để Hội tính. Nhà sản xuất Hoàng Mập giờ đổi vị không làm hài mà chuyển sang kinh dị.
Một bộ phim hay phải có chất lượng đồng đều ở các khâu, diễn viên hài dù có tên tuổi cũng phải hợp vai và ê kíp sản xuất phải thể hiện sự đầu tư, sáng tạo, tài năng của người làm phim. Nếu chỉ làm phim theo kiểu “ăn xổi ở thì” dựa vào tên tuổi một diễn viên hài nào đó chắc chắn sẽ bị thị trường đào thải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.