Kỹ xảo điện ảnh nâng tầm phim Việt
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện tình cảm, lãng mạn, xu hướng làm phim hiện đang mở rộng với nhiều thể loại khác nhau. Đáng chú ý, việc ứng dụng kỹ xảo trong từng thể loại phim cũng tạo ra nhiều hiệu ứng đặc biệt, giúp “lôi kéo” lượng lớn người hâm mộ. “Xu hướng mới hiện nay là tham gia vào phong cách giả tưởng và khoa học viễn tưởng: thế giới tưởng tượng, thế giới tương lai, người ngoài hành tinh… Điều này đòi hỏi rất nhiều công việc tiền sản xuất và ngân sách chính xác. Điều này có nghĩa là các studio VFX cần phải tham gia từ giai đoạn kịch bản phim”, ông Thierry Nguyễn, đại diện Bad Clay Studio chia sẻ với Thanh Niên.
Theo đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp, kỹ xảo đóng vai trò quan trọng, tạo nên sự chân thật và tinh tế trong phim điện ảnh. Cụ thể, đạo diễn Trái tim quái vật cho biết: “Tùy yêu cầu kịch bản mà phim có hàm lượng kỹ xảo ít hay nhiều. Một bộ phim được hỗ trợ kỹ xảo sẽ hiệu quả hơn. Kỹ xảo làm tăng cảm xúc hoặc làm phim dày lên, kỹ xảo không dừng ở những thứ thứ nhỏ nhặt như: một cái cây, một phông nền, chi tiết nhỏ… Những phim hay, hút khách tại Việt Nam hiện đang ứng dụng kỹ xảo rất nhiều. Nhu cầu của khán giả ngày càng cao, đòi hỏi kỹ xảo chân thực. Kỹ xảo làm phim nhiều cảm xúc, thăng hoa hơn”.
|
Trên thực tế, kỹ xảo điện ảnh giúp tiết kiệm chi phí dàn dựng và tạo lập những cảnh tượng hoàng tráng. Nhiều “bom tấn” Việt Nam trình làng gần đây có thể thấy được hiệu ứng hình ảnh ngày một nâng cao. Hai Phượng, Chị chị em em, Mắt biếc… là loạt tác phẩm điện ảnh có nhiều cảnh ấn tượng nhờ ứng dụng công nghệ. Dù đóng góp nhỏ vào các tiểu tiết, nhưng các hiệu ứng được tạo từ kỹ xảo làm gia tăng sự kịch tính cũng như mức độ chân thật của phim.
“Nếu có niềm tin thì các nhà sản xuất sẽ xây dựng kịch bản có dụng ý về kỹ xảo. Thị trường càng ngày tốt hơn, những dòng phim cần đầu tư kỹ xảo mà gặt hái được thành quả thì các nhà đầu tư, nhà sản xuất cần cân nhắc… Đó là một sân chơi rất hay, những người làm nghề ai cũng muốn ứng dụng kỹ xảo trong phim”, đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp nói thêm.
Nhà sản xuất Việt Nam vẫn e ngại đầu tư
Mặc dù càng có nhiều phim điện ảnh Việt Nam ứng dụng kỹ xảo, tuy nhiên, trên thực tế đây chỉ là một con số nhỏ. Theo các chuyên gia, số lượng nhà sản xuất chi trả và có ý đồ thực hiện kỹ xảo trong phim nội địa không nhiều. Lý do chủ yếu chính là kinh phí thực hiện đắt đỏ. “Kinh phí cho VFX ở Việt Nam hiện nay thực sự thấp so với các sản phẩm nước ngoài. Nhưng nó đang tiến triển đúng hướng, khi các nhà làm phim ngày càng quen thuộc với VFX”, ông Thierry Nguyễn chia sẻ.
|
Cũng theo tiết lộ của đại diện Bad Clay Studio, việc đầu tư VFX vào phim điện ảnh tiêu tốn nhiều chi phí do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nguồn nhân lực bao gồm những nghệ sĩ kỹ xảo có tay nghề hiện rất hiếm nên mức thu nhập bình quân cao. Bên cạnh đó, ngành VFX sử dụng nhiều phần mềm cao cấp khác nhau và cần được cập nhật thường xuyên (một số phần mềm có giá hơn 200 triệu đồng/giấy phép). Ngoài ra, đối với những dự án “bom tấn”, các nhà làm kỹ xảo cũng cần phải trang bị thêm nhiều loại máy móc hàng đầu, thậm chí bỏ chi phí để di chuyển nếu quốc gia sở tại không có trang thiết bị cần thiết. “Nhu cầu sử dụng VFX ngày càng cao, nhưng ngân sách không đủ cao. Một bộ phim Hollywood sẽ có ngân sách 100 triệu USD chỉ dành cho VFX, còn ở đây thường là từ 10.000 - 100.000 USD”, phía này nói thêm.
“Ở Việt Nam, các nhà đầu tư thực sự thận trọng vì nguồn thu chủ yếu là bán vé. Nếu phim không đạt được kỳ vọng thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Ở nước ngoài, họ có nhiều lợi thế hơn so với Việt Nam: thị trường phòng vé, bản quyền trên mạng, quảng bá quốc tế…”, ông Thierry Nguyễn chia sẻ. Mặc dù xu hướng đầu tư kỹ xảo hiện đang phổ biến, tuy nhiên, trước những rủi ro về thị hiếu khán giả và chi phí thực hiện, các nhà làm phim vẫn phải cân nhắc. Đại diện Bad Clay Studio nhắn nhủ: “Cần nhiều tư duy hơn ở giai đoạn phát triển, tìm ra cách thông minh và hiệu quả để kể một câu chuyện mà không tốn quá nhiều tiền cho VFX. Mặc dù đây là công việc của chúng tôi để làm VFX, nhưng tôi luôn khuyên các nhà làm phim nên tìm cách tránh sử dụng VFX”.
Ngành kỹ xảo ở Việt Nam tiềm năng nhưng chưa bắt kịp thế giớiÔng Samuel Stevenin, Giám đốc studio Sparx chia sẻ: "Nguyên nhân chính khiến ngành kỹ xảo vẫn chưa có sự phát triển đột phá tương xứng với tiềm năng tại Việt Nam là vì những đóng góp của ngành vẫn chưa được biết đến rộng rãi cũng như được cộng đồng ghi nhận. Vẫn còn rất ít thông tin về các cơ hội phát triển nghề nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực sản xuất hiệu ứng hình ảnh với các bạn trẻ yêu thích game và phim ảnh.
Giải pháp trước mắt đối với các studio trong nước chính là nhanh chóng gia tăng nguồn lao động cho ngành bằng cách phối hợp với các trường, trung tâm đào tạo cũng như tích cực tổ chức các kênh tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên thuộc mảng mỹ thuật, thiết kế. Bên cạnh đó, các studio cũng cần hỗ trợ chính những đơn vị đào tạo; cập nhật, cải thiện chất lượng giáo trình, nâng cao chuyên môn đội ngũ giảng dạy để sinh viên, học viên khi tốt nghiệp được trang bị tốt về kiến thức và kỹ năng tiệm cận với chuẩn cao nhất của ngành. Về lâu dài, cần có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài cho lĩnh vực sản xuất hiệu ứng, để những studio lớn trên thế giới thành lập trụ sở và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh chuyển giao kiến thức, công nghệ và giúp cho thị trường trở nên cạnh tranh hơn, từ đó nâng cao chất lượng nhân lực, mỹ thuật và dự án". |
Bình luận (0)