Buổi tọa đàm Những vấn đề của sáng tác điện ảnh và phim truyện truyền hình hiện nay, trong khuôn khổ giải thưởng điện ảnh Cánh diều vàng, đã cho thấy cái nhìn thẳng thắn từ chính “người trong cuộc” về những điểm yếu của các bộ phim dự giải, cũng là điểm yếu của điện ảnh Việt đương đại.
Tọa đàm diễn ra vào sáng 9.4 ở trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, do Hội Điện ảnh VN và Hội Điện ảnh TP.HCM phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các giám khảo chấm giải, nhà làm phim và phê bình điện ảnh.
Tranh giải Cánh diều năm nay có 19 phim điện ảnh, 20 phim truyền hình và 16 phim ngắn (tổng số 523 tập), 13 phim hoạt hình, 44 phim tài liệu, 33 phim khoa học và 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Một số giám khảo khen ngợi các phim dự giải Cánh diều năm nay đã có bước tiến đáng kể về kỹ thuật, thể hiện ở các khâu quay phim, âm thanh, ánh sáng, xử lý hậu kỳ, kỹ xảo... so với mùa trước. PGT-TS Trần Luân Kim (Trưởng ban giám khảo phim truyện) cũng xác nhận điểm tiến bộ nhất ở mảng phim điện ảnh tranh giải là khâu kỹ thuật. Hình ảnh, âm thanh của 19 phim tranh giải được cải thiện, chăm chút rõ rệt. Đặc biệt trong một số phim, nhờ kỹ thuật xử lý tốt nên đã tạo phong cách riêng trong thể hiện không gian, thời gian, nhịp điệu của bộ phim.
Chỉ chạm đến bề nổi của vấn đề
Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, điểm yếu chung của phim Việt hiện nay là nội dung phim không sâu sắc, mới mẻ, chi tiết hài giả tạo, nhiều cảnh rượt đuổi bạo lực. Trong số 19 phim truyện tranh giải, ông chỉ đánh giá cao một số phim như: Cha cõng con, Chờ em đến ngày mai, Bao giờ có yêu nhau, Tấm Cám - chuyện bây giờ mới kể, Sài Gòn anh yêu em.
|
|
PGT-TS Trần Luân Kim nhận định rằng đã có những phim Việt đề cập tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống, như gái quê lên thành phố, bảo kê, cho vay nặng lãi, các hiện tượng tiêu cực trong xã hội... nhưng tiếc rằng chỉ mới chạm đến bề nổi của vấn đề, chưa tạo ra tác động xã hội hoặc rung cảm sâu sắc cho người xem. Nhà biên kịch Thiên Phúc lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do kịch bản phim “thiếu muối và bức xúc của cuộc đời. Phải có muối trong phim. Nếu không, phim Việt sẽ như chim không cánh”, anh nói. Các đạo diễn đều thừa nhận kịch bản đang là khâu yếu nhất trong sáng tác điện ảnh hiện nay, khiến các phim được làm ra thời gian qua đều nhạt nhòa.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết anh không thể lạc quan về diện mạo phim điện ảnh Việt hiện nay. “80% phim thể hiện bạo lực và bày trò, yếu tố giả gái và đồng tính bị lạm dụng. Tôi nhấn mạnh ở đây là bày trò chứ không phải là hài, nói phim hài là một sự xúc phạm hài, vì hài là một phần của nghệ thuật. Những phim kiểu này như một vi rút lây lan, chi tiết “bày trò” ngày càng thừa thãi, không biết để làm gì. Nếu phim nào cũng vậy sẽ khiến ta ngu xuẩn đi, cũ mòn đi. Điện ảnh Việt sẽ ngày càng bị mất mát, bị mất khán giả”, đạo diễn Thanh Vân bức xúc.
Vay mượn yếu tố ngoại
Mặc dù được khen ngợi có nhiều tiến bộ lớn trong các cách xử lý về kỹ thuật, hình ảnh và các chiêu thức hành động, nhưng các phim về cổ trang và phim hành động vẫn được cho rằng không có sự sáng tạo về nghệ thuật, thiếu dấu ấn võ thuật dân tộc Việt. Trái lại, ở những phim này đều mang hơi hướng võ thuật chưởng Hồng Kông, Trung Quốc hoặc phim hành động phương Tây, cũng như cách xử lý đánh đấm đầy bạo lực thường thấy trên phim Hàn.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhận định trường hợp dòng phim truyền hình về đề tài hình sự, hành động hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự như phim điện ảnh. “Phim hình sự ngày càng nhiều, phản ánh nhiều về các băng nhóm xã hội đen, có những phim nói về sự trả thù suốt 3 đời của một dòng họ, mang hơi hướng phim truyền hình nước ngoài. Trong dòng phim hình sự Việt hiện nay, nhân vật công an giờ chỉ là thứ yếu, phần lớn chỉ toàn các băng nhóm xã hội đen xử lý lẫn nhau, đậm tính bạo lực như các phim Vòng tròn tội lỗi, Kẻ giấu mặt, Trận đồ bát quái...”, ông nói.
Nhà lý luận phê bình Ngô Ngọc Ngũ Long rất lo lắng trước việc các nhà làm phim Việt bị lép vế trên sân nhà trong các dự án phim hợp tác. Trong nhiều phim truyền hình hợp tác với Hàn Quốc, tất cả những gì thể hiện trên phim đều là của Hàn Quốc, từ ẩm thực, đi lại, ăn mặc, cung cách sống... đều là của người Hàn. “Điều này thật chua xót. Nó ảnh hưởng rất tồi tệ cho giới trẻ Việt”, chị phân tích. Nhà phê bình này cũng cho rằng những cảnh bạo lực, đánh đấm quá nhiều trên phim sẽ có ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Bình luận (0)