Dòng xe vẫn nườm nượp đi qua, vội vàng, đông đúc. Chỉ có phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung, nơi lẽ ra cũng nhộn nhịp không kém thì cực kỳ vắng vẻ. Bàn ghế bày ra ít ai ghé, tiểu thương tám chuyện, dùng điện thoại giết thời gian.
Ông Nguyễn Văn Thảo - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.10 cho biết, phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung ra mắt từ cuối năm 2020. Thời điểm mới đi vào hoạt động, tuyến phố có lúc đón cả ngàn khách vào cuối tuần. Nhưng đó đã là chuyện của mấy năm về trước.
Những sạp hàng xếp gọn, nghỉ bán buôn. Món ăn vốn đã không đa dạng, nay kinh doanh ế ẩm, khiến tiểu thương bỏ sạp càng làm cho tình hình kinh doanh của phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung thêm ảm đạm.
Phố ẩm thực ế ẩm, chuyên gia nhận định: Vì dàn trải, thiếu đặc trưng
"Hồi lúc mới bán thì cũng đông nhưng càng lúc càng vắng dần bởi con đường này không nhiều người đi, không nhiều người biết tới luôn. Nếu mà bán một ngày ở đây thì có thể tính được bao nhiêu cái một ngày luôn. Là vì vắng quá nên mới có thể tính được. Tầm một ngày chỉ có thể bán được 8-10 cái bánh flan thôi. Còn trà sữa cũng chỉ loe hoe vài ly thôi", chị Nguyễn Trần Phương Thanh, chủ quán bán đồ ăn vặt chia sẻ.
Gắn bó với phố đi bộ này từ những ngày đầu, gầy dựng được lượng khách quen khá ổn định nhưng chính bà Lê Thị Bạch Huệ (67 tuổi) cũng bán buôn cầm chừng, than thở vì từng bán ngày mấy trăm phần, nay sức mua giảm còn một nửa.
Nhìn nhận những khó khăn mà các phố ẩm thực ở TP.HCM đang gặp phải, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn tỏ ra không mấy bất ngờ về thông tin một số phố ẩm thực tại TP.HCM thất bại, vắng khách.
"Chuyện ế ẩm là chuyện tất nhiên thôi. Tại vì chúng ta không có một sản phẩm nào đặc trưng hết. Ban đầu có thể người ta đi vì tò mò, mới mở thì họ đi xem có gì hay không, nhưng đi rồi thì thấy không có gì hay hết thì tâm lý con người họ sẽ đến một lần rồi họ không trở lại nữa. Quanh quẩn chỉ có bắp xào, bán hủ tiếu, bán mì, bán phở thì ở góc phố nào trên TP.HCM này cũng có hết, việc gì mà gia đình phải chở nhau, rồi gửi xe rồi đi bộ vào đó ngửi bụi… để mua".
Theo ông Sơn, vấn đề của các phố ẩm thực là thiếu điểm nhấn, gọi là phố ẩm thực nhưng cách bài trí lộn xộn, thiếu không gian nên khách chỉ tới tham quan 1-2 lần vì tò mò rồi không muốn quay lại.
Theo ghi nhận của phóng viên, trái ngược với kỳ vọng về không gian mua bán tấp nập mỗi khi thành phố lên đèn, chỉ một số nơi nổi tiếng như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ (quận 10), Vĩnh Khánh (quận 4) mới thu hút đông người dân và khách du lịch.
Những tuyến phố khác như Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ Đài Quang Trung (quận 10) đều rơi vào cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Cách khu ẩm thực thuộc phố Kỳ Đài Quang Trung khoảng 10 phút đi xe máy là phố ẩm thực đường Hậu Giang (quận 6). Tuyến phố này có phần đông hơn, nhưng sức bán không đồng đều. Khách ăn chủ yếu tập trung ở những hàng quán bán lẩu hoặc quán nhậu.
Theo chia sẻ của một số thực khách, con đường này tuy bán nhiều món ăn nhưng không thực sự đặc trưng. Cách bài trí, sắp xếp cũng khá lộn xộn, xe máy để kín trên vỉa hè, chen chúc với bàn ăn, ghế ngồi.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh, ngoài món ăn, không gian và cách sắp xếp là yếu tố cực kỳ quan trọng để níu chân thực khách.
Bình luận (0)