Trong cuộc gặp các phóng viên vào ngày 31.7, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho biết, trong số các nước ASEAN, Việt Nam là quốc gia có số lượng thỏa thuận và hiệp định nhiều nhất với EU, trong đó có Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định khung về quan hệ Việt Nam - EU (PCA), Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và nhiều thỏa thuận khác.
Phó chủ tịch EC cho rằng: "Đã có sự sâu sắc, mạnh mẽ trong quan hệ hai bên và sự thiện chí chính trị, tôi nghĩ rằng chúng ta phải bắt đầu ngay lập tức để nâng tầm mối quan hệ đối tác giữa hai bên lên mức Đối tác chiến lược toàn diện".
Đánh giá về nỗ lực của Việt Nam để có thể được gỡ thẻ vàng IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), ông Borrell cho biết, cả EU và Việt Nam đều cần nỗ lực để bảo đảm sự bền vững trong nghề cá.
"Các đồng nghiệp của chúng tôi đã có những trao đổi và hợp tác hiệu quả với Bộ NN-PTNT Việt Nam về những vấn đề cụ thể, như lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá để truy vết. Tiếp theo là đảm bảo thực thi hiệu quả những biện pháp này tại các địa phương liên quan", ông nói.
"EU hy vọng sẽ nhận được báo cáo từ các cơ quan liên quan của Việt Nam trong mùa thu năm nay. Dựa trên báo cáo, EU sẽ tổ chức đoàn thanh tra đến Việt Nam để đánh giá tình hình và xem xét có dỡ bỏ thẻ vàng hay không. Tôi hy vọng thẻ vàng có thể được gỡ bỏ", ông Borrell cho biết.
Trả lời câu hỏi về việc vì sao EVIPA chậm được phê duyệt, ông Borrell cho biết đang có tình trạng chậm trễ phê chuẩn EVIPA ở các nước thành viên EU. Hiện có 18/27 nước EU đã phê chuẩn EVIPA; còn 9 nước thành viên EU chưa phê chuẩn là Ireland, Áo, Ba Lan, Bỉ, Đức, Pháp, Síp, Hà Lan, Slovenia.
Phó chủ tịch EC cho biết đang thúc giục các quốc gia thành viên còn lại tăng tốc quá trình xem xét phê chuẩn EVIPA, vì hiệp định này vừa có lợi cho các nước thành viên vừa có lợi cho Việt Nam.
"Khi có sự bảo đảm về môi trường, giảm thiểu rủi ro thì các nhà đầu tư sẽ muốn đầu tư nhiều hơn. Các doanh nghiệp châu Âu đã sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, chỉ còn vấn đề một số quốc gia thành viên chậm phê chuẩn", ông Borrell nhấn mạnh.
Bình luận (0)