Nhân 20 năm ngày Doanh nhân VN, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Nutifood, về chiến lược của một công ty thuần nội mang khát vọng trở thành nhà dinh dưỡng hàng đầu khu vực và thế giới.
Hầu hết các công ty khi có nhà đầu tư chiến lược, khi sáp nhập và mua lại (M&A) doanh nghiệp… đều công bố thông tin rộng rãi. Đặc biệt trong bối cảnh hàng trăm ngàn doanh nghiệp, bao gồm cả những "cây đa cây đề" đã phải rời bỏ thị trường thì M&A không chỉ là điểm cộng trong hoạt động kinh doanh mà còn là "tuyên ngôn" về sức khỏe và sự phát triển của doanh nghiệp mình. Tôi biết Nutifood đã M&A rất mạnh trong những năm qua, từ mua công ty thực phẩm chức năng của Thụy Điển, đầu tư vào thảo dược, lấn sân sang cà phê và mới nhất là mua lại kem Kido, một trong những thương vụ lớn nhất trên thị trường M&A nội địa năm 2023 xét về mặt giá trị. Có điều, tất cả các thương vụ đó đều được thực hiện rất lặng lẽ, vì sao vậy?
Ông Trần Bảo Minh: Nó có sự khác biệt về mục tiêu. Với những công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán, hoặc những công ty có nhu cầu gọi vốn từ các quỹ đầu tư thì họ cần "làm lớn" các hoạt động M&A để gây sự chú ý. Ví dụ thông tin Nutifood mua kem Kido được tung ra, các nhà đầu tư bên ngoài lập tức hiểu là Nutifood đã lên một giá trị khác cao hơn. Vì anh đã mua một công ty lớn, quy mô mở rộng hơn nên khả năng tăng trưởng, khả năng thành công của anh tất nhiên cũng cao hơn. Vậy thì anh phải kể câu chuyện đó ở vòng gọi vốn tiếp theo sao cho có lợi nhất, để huy động được vốn rẻ nhất.
Việc mua được cái gì đó tốt, thêm trong hệ sinh thái của công ty tài sản có giá trị, làm công ty của mình hùng mạnh hơn, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nó đối với nhà đầu tư thì phải kể chứ, thậm chí phải la làng lên chứ? Tôi nghĩ đó việc làm cần thiết và hiệu quả, kể chuyện luôn là chiến lược quan trọng với tất cả các doanh nghiệp. Chỉ là chúng tôi không có nhu cầu kể cho ai và đó là lý do chúng tôi "lặng lẽ" như cách nói của cô.
Nutifood có khát vọng trở thành nhà dinh dưỡng hàng đầu trong khu vực nhưng lại không có nhu cầu gọi vốn, cũng không có nhu cầu truyền thông ra bên ngoài, vậy các hoạt động M&A mạnh mẽ trong những năm gần đây của Nutifood là nhắm tới mục tiêu gì?
Khi nói đến các sản phẩm từ sữa, người ta thường nghĩ ngay đến kem. Vì vậy, mua kem Kido sẽ giúp hệ sinh thái của Nutifood được mở rộng thêm, từ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe qua các sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức ngon miệng của tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Kem cũng có tỷ lệ lợi nhuận cao hơn khá nhiều so với ngành sữa, nên mua kem thì tỷ suất lợi nhuận nói chung của Nutifood sẽ được nâng lên. Nhưng yếu tố quan trọng nhất trong việc mua kem Kido như tôi vừa nói, là sự hiện diện của chúng tôi, của Nutifood trong đời sống của người tiêu dùng, sẽ được mở rộng hơn. Cũng như khi chúng tôi đầu tư vào giáo dục thì sự tương tác của thương hiệu, của công ty sẽ được nâng lên một bậc. Thế nên nếu cô hỏi mục tiêu của chúng tôi là gì thì câu trả lời là Nutifood muốn chạm đến trái tim và cuộc sống của bà mẹ, trẻ em và người tiêu dùng ở mọi khía cạnh.
Nhân anh nhắc đến giáo dục, tôi nhớ là thông tin Nutifood ký kết hợp tác đầu tư vào Trường quốc tế Anne Hill (Anne Hill International School) được công bố khá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, khác hẳn trạng thái im ắng khi mua kem Kido và các thương vụ trước đó? Có vẻ giáo dục là ngoại lệ?
Chính xác. Kinh doanh thuần túy thì chỉ cần trả lời câu hỏi, làm việc đó, thực hiện thương vụ đó có lời không, lời nhiều không? Thậm chí giữa cái này và cái kia, cái nào lời nhiều nhất thì mới làm. Còn giáo dục là xây dựng con người, giúp các em có nền tảng kiến thức, có tư duy đúng để từ đó đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội. Vì vậy nước nghèo cũng phải đầu tư vào giáo dục còn nước càng giàu thì đầu tư cho giáo dục lại càng nhiều. Thế nên nếu mua kem Kido vẫn thuần túy là kinh doanh thì đầu tư vào giáo dục, xây cầu, xây bệnh viện… nghĩa là Nutifood nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn chúng tôi cho phép mình được làm những việc mang giá trị cộng đồng, giá trị nhân văn nhiều hơn. Giáo dục vượt qua khỏi cái chuyện tiền bạc, lợi nhuận... chúng tôi muốn góp phần xây dựng con người tốt hơn, cho một xã hội tốt hơn.
Anh vừa nói đấy, nghèo cũng phải đầu tư vào giáo dục mà giàu thì lại càng đầu tư mạnh hơn cho giáo dục. Bố mẹ nghèo cũng cố gắng cho con đi học và giàu thì đổ rất nhiều tiền trang bị kiến thức cho con cái… Có nghĩa là đầu tư vào giáo dục không chỉ hiệu quả mà còn bền vững.
Tôi không phủ nhận điều đó, Nutifood vẫn là một nhà đầu tư. Nhưng như tôi vừa nói, kinh doanh thuần túy thì chúng tôi sẽ chỉ đầu tư vào sữa, dinh dưỡng vì nó mang lại giá trị cao hơn nhiều. Như việc Nutifood mua kem Kido, nó đóng góp vào doanh thu chung của công ty mỗi năm hàng trăm triệu USD. Chúng tôi đang đưa thêm các sản phẩm dưới thương hiệu Celano, Merino, thêm nước và các thương hiệu cao cấp khác nữa, mục tiêu 3 - 5 năm tới sẽ tăng gấp đôi doanh số hiện nay. Rõ ràng về mặt kinh tế, nó rất lớn, rất hiệu quả.
Còn giáo dục, như cô thấy đấy, tại TP.HCM hiện nay các trường quốc tế ở top đầu học phí rất cao nên không ít người có nhu cầu nhưng không đủ năng lực tài chính. Chiến lược của chúng tôi là duy trì mô hình giáo dục chất lượng cao nhưng giá cả phải chăng để nhiều người hơn nữa tiếp cận với các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế. Chúng tôi chưa đặt mục tiêu lợi nhuận lúc này.
Cũng chia sẻ thật là trong tất cả các thương vụ M&A mà Nutifood đã thực hiện, giáo dục, tiền không phải lớn nhất nhưng nó làm chúng tôi thấy vui nhất, hạnh phúc nhất. Đó là vì sao chúng tôi muốn kể câu chuyện giáo dục.
Trước khi tới đây, tôi có đọc 2 thông tin liên quan đến thị trường F&B. Thứ nhất là chỉ trong 6 tháng đầu năm, có tới trên 33.000 cửa hàng trong ngành này đóng cửa. Thứ 2 là quán cà phê Starbucks Hàn Thuyên (Q.1, TP.HCM) dọn đi nơi khác vì không chịu nổi giá mặt bằng… Với tôi, các con số này cho thấy sự khốc liệt của của ngành F&B mà từ "gã khổng lồ" cho tới những người buôn bán nhỏ đều có thể phải rời cuộc chơi. Còn anh, những con số này nói với anh điều gì?
Tôi không nghĩ Starbucks đóng cửa hàng ở Hàn Thuyên mà không mở cái mới, còn hơn 33.000 cửa hàng F&B đóng cửa, cũng là chuyện hết sức bình thường. Như chủ đề M&A mà chúng ta đang nói, cũng đóng góp cho kết quả trên một tỷ lệ không nhỏ. Thực tế có rất nhiều thương vụ M&A không tạo ra giá trị như kỳ vọng, thậm chí còn trở thành gánh nặng nên sau đó tất yếu phải thanh lọc. Chuyện này xảy ra ở hầu hết các công ty thực hiện M&A mà không có chiến lược, hoặc cứ thấy rẻ là mua. Tất nhiên, cũng có những cái mua đúng nhưng kết quả không như mong muốn.
Nutifood cũng vậy, chúng tôi cũng phải thanh lọc để thực hiện chiến lược lõi của mình. Cô thấy đấy, có rất nhiều câu trả lời cho con số hơn 33.000 cửa hàng F&B đóng cửa của cô.
Thật ra khi kinh tế khủng hoảng cũng là cơ hội để mua được hàng tốt, giá mềm. Thế giới đã có nhà đầu tư lừng danh nhờ "tham lam khi thị trường sợ hãi". Còn anh, anh sẽ dựa trên các tiêu chí nào để quyết định chốt deal hay bỏ qua một thương vụ M&A?
Chiến lược. Tất cả các quyết định M&A của chúng tôi đều dựa trên tiêu chí duy nhất là chiến lược lõi của công ty. Nếu đã có chiến lược thì khi đứng trước các thương vụ M&A chúng tôi sẽ đặt câu hỏi: Cái này đóng góp gì vào chiến lược lõi của mình? Nó có làm cho thương hiệu của mình ý nghĩa hơn với người tiêu dùng không? Nó có giúp mình khác biệt hơn so với các đối thủ trên thị trường không?. Nếu cả 3 câu trả lời đều là không thì không mua. Còn nếu thắng trên mục tiêu chiến lược mà mình mong muốn thì chơi thôi.
Nghĩa là hoạt động M&A của Nutifood là để phục vụ cho chiến lược "trở thành công ty dinh dưỡng hàng đầu khu vực", tôi hiểu như thế có đúng không?
Đúng thế. Cô cứ nhìn ThaiBev, họ cạnh tranh được với Pepsico, Coca trong ngành nước giải khát vì họ có rượu, bia. Nhờ nguồn lực đó, họ vươn ra bên ngoài, qua cả VN thâu tóm bia Sài Gòn, tăng giá trị thêm vài tỉ USD và trở thành một tập đoàn hùng mạnh trong khu vực. Đó cũng là cách mà Nutifood sẽ đi.
Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty dinh dưỡng hàng đầu khu vực, muốn đến đó thì thiếu cái gì, thừa cái gì, chúng tôi soát xét trên cái sườn chiến lược như vậy. Thừa thì bỏ, không tiếc. Vì mình tiếc, giữ lại nó sẽ khiến mình nặng nề hơn, làm chậm tiến trình chuyển dịch cơ cấu để phục vụ chiến lược lớn mà mình đặt ra. Còn cái mình thiếu, nếu tự làm mất quá nhiều thời gian, hoặc nếu không có năng lực để làm thì mình mua thôi. Tôi lưu ý là "thiếu" ở đây, chúng tôi nhìn trong bối cảnh cạnh tranh của 10 năm tới.
Nutifood đã mua công ty thực phẩm chức năng uy tín của Thụy Điển, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm các thương hiệu nước ngoài để cạnh tranh ở thị trường thế giới. Ví dụ ở mức độ sạch, mức độ tự nhiên theo xu hướng mới hiện nay thì không nơi nào có thể so sánh được với Úc, NewZealand. Trong khi nhu cầu về các sản phẩm dinh dưỡng sạch thì ngay khu vực Đông Nam Á thôi cũng là một thị trường rất lớn, rất tiềm năng. Xây dựng thương hiệu dựa trên xuất xứ của những quốc gia uy tín về nguồn nguyên liệu và phát huy được ở thị trường rộng lớn ngay bên cạnh… mình kể đúng câu chuyện đó thì sẽ thành công thôi.
Nói chuyện với anh, có cảm giác "giông bão" ngoài kia chưa tới cửa Nutifood, Nhưng thực tế là thị trường vẫn đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn đang chật vật để tồn tại. Điều khác biệt gì hay bí kíp nào để Nutifood không chỉ vững chãi mà còn tận dụng được sóng gió để vươn lên mạnh mẽ như vậy?
Những khó khăn chung của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong nước và thế giới, chúng tôi đều phải đối mặt, như tất cả các công ty khác. Nhưng như tôi nói lúc đầu, chúng tôi bám vào chiến lược lõi mà đi.
Có một vấn đề tôi nhận ra ở không ít doanh nghiệp, đó là khi gặp khó khăn chỉ chăm chăm giải quyết những vấn đề lắt nhắt, những vấn đề của ngày hôm nay mà không còn sự thông thoáng, tự do để nghĩ dài hơn, nhìn xa hơn. Nhưng 1 - 2 năm sau khi kinh tế hồi phục, mọi thứ tốt hơn rồi, mình không có gì để tăng trưởng cả. Nhiều lúc thắng thua chỉ là như vậy.
Hay có nhiều người thích "đẻ" con, brands cũng là đứa con của doanh nghiệp. Khi anh hùng mạnh, anh nghĩ thương hiệu chỉ là cái tên, càng nhiều tên thì càng mạnh nhưng chưa chắc. Giàu cỡ nào thì nhiều con quá cũng khó mà quan tâm, chăm sóc và đầu tư bằng những người ít con. Cuối cùng không có một cái tên nào đủ mạnh, đủ tạo ấn tượng mà người tiêu dùng cứ nói đến sản phẩm đó là nhắc đến cái tên đó.
Nutifood chỉ có một mục tiêu, một câu chuyện. Đó là đóng góp vào sự phát triển và trưởng thành của con người. Tất cả các sản phẩm của chúng tôi đều có chung một mục đích là phục vụ cho câu chuyện đó, làm cho câu chuyện đó ngày càng có ý nghĩa hơn. Chúng tôi bám vào chiến lược đó mà đi chứ không có bí kíp gì đặc biệt cả.
Bình luận (0)