Phó chủ tịch Quốc hội: ‘Giáo dục thế nào mà bắt trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng’

27/04/2020 14:25 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn lại vụ việc cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng tại Quảng Ninh để nói về trách nhiệm của địa phương, cơ sở trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em.

Nơi phải bảo vệ trẻ em thì trẻ em cũng bị xâm hại

Sáng 27.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về xâm hại trẻ em dự kiến sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp 9 tới đây.
Phát biểu tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với nhận định tại báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về phòng, chống xâm hại trẻ em cho rằng, những số liệu về xâm hại trẻ em theo các báo cáo từ Chính phủ chỉ là “phần nổi của tảng băng”.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc dẫn lại con số từ báo cáo cho biết, trung bình cứ mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại. “Con số này được công bố thì sẽ rất sốc”, ông Phúc nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát, thì khẳng định tình hình xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, hậu quả nghiêm trọng và các con số chưa phản ánh hết tình hình thực tiễn.
“Ngay nơi chúng ta gọi là bình yên nhất đối với trẻ em là gia đình thì trẻ em cũng bị xâm hại. Nơi phải bảo đảm yêu cầu bảo vệ trẻ em theo văn minh là trường học nhưng đều có thể xảy ra những việc thế này. Ngay cả chỗ đã đưa các cháu vào để bảo vệ là trung tâm bảo trợ trẻ em thì trẻ em vẫn bị xâm hại”, ông Lưu nói và cho rằng, đây là vấn đề rất nhức nhối.
Theo ông Lưu, một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, ngay cả gia đình, thầy cô giáo, người có trách nhiệm cũng chưa thực sự sâu sắc, đầy đủ…
Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Lưu, vai trò của gia đình, đoàn thể cũng rất cần đặt ra. “Hành vi xâm hại trẻ em có phát hiện kịp thời không? Có trường hợp không phát hiện, có trường hợp phát hiện không kịp thời, có trường hợp phát hiện ra rồi thì bỏ mặc nếu công luận, báo chí và bản thân các em không lên tiếng”, ông Lưu nói.
Từ đó, ông Lưu cho rằng, cần phải đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan và người đứng đầu trong việc để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em. “Vì việc bảo vệ trẻ em gắn với cơ sở. Một số nơi có những hiện tượng mà các đồng chí biết cả. Giáo dục, tuyên truyền thế nào mà bắt trẻ em uống nước giặt giẻ lau bảng”, ông Lưu nêu.

"10 Bộ Lao động cũng không làm hết được"

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ sở rất quan trọng trong việc để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ông thấy nhiều vụ xâm hại, đánh đập nhưng nhà trường, đoàn thể, chính quyền không hề biết. Nhiều trẻ em bị bố, mẹ đánh đập, khóc ầm ĩ cả xóm nhưng không ai can thiệp, coi đó là việc của gia đình người khác.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp sáng 27.4

Ảnh Gia Hân

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, rất nhiều vụ việc chính quyền chỉ biết khi đã được đưa lên công luận, báo chí. “Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em”, ông Tỵ nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung, các vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra mọi nơi, mọi chỗ, mọi thời gian, rất khó quản lý. “Quản lý thì ban ngày nhưng việc lại xảy ra ban đêm và trong bóng tối. 10 Bộ Lao động cũng không làm hết được”, ông Dung nói.
Từ đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu tất cả các đơn vị để xảy ra các vụ xâm hại trẻ em. “Một tay bảo vệ xâm hại 2 - 3 cháu thì ngoài việc xử lý đối tượng thì người đứng đầu cơ quan bị xử lý thế nào? Một xã nông thôn mới để xảy ra chuyện này thì xử lý ra sao?”, ông Dung nêu vấn đề.
Ông Dung cũng kiến nghị, trong nghị quyết của Quốc hội về vấn đề phòng, chống xâm hại trẻ em cần yêu cầu Hội đồng nhân dân các địa phương có nội dung riêng về ngân sách dành cho công tác này để đảm bảo vấn đề kinh phí cho việc bảo vệ trẻ em.
“Có địa phương đầu tư tổ chức 1 đêm trung thu mấy tỉ nhưng đầu tư cho quản lý nhà nước về công tác trẻ em chỉ 50 triệu. Mà đó là tôi phải gọi điện xuống thì mới bố trí. Có câu chuyện địa phương trong 3 năm không bố trí xu nào. Phải đến khi Chính phủ tổ chức hội nghị mới vội vàng bố trí mấy trăm triệu”, ông Dung dẫn chứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.