Đấu thầu nhưng giá vàng vẫn tăng tột đỉnh
Sáng 13.5, tại phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách bổ sung năm 2023, các tháng đầu năm 2024, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: giá vàng nhảy múa như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào?
"Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa như thế. Thị trường gì thì thị trường nhưng không để có thị trường nhảy múa như thế được. Tôi chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng - giảm đột biến thế. Tôi đề nghị công tác quản lý nhà nước phải rõ", ông Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao.
"Chúng tôi thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái (đang dự tại phiên họp - PV) đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu vàng được vài phiên, nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh", bà Nga nhấn mạnh.
Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần có bàn tay của Nhà nước để can thiệp vào thị trường.
Biến động vàng ngày 13.5: Giá vàng tiếp tục cơn điên đảo, lên xuống bất thường
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại "nhảy múa" và có thời điểm đạt mức cao lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng. "Cần đánh giá tại sao lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư vàng lại đang diễn ra như vậy, đồng thời phải có giải pháp", bà Thanh nêu.
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu, việc giá vàng "nhảy múa" như vừa qua làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, tác động đến lạm phát trong nước. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát sao, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
"Tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước là vấn đề chúng ta quan tâm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng", ông Mẫn nói.
Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập
Trước đó, thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Theo ông Thanh, thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Có ý kiến cho rằng, ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm (giao dịch mà không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước) về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Đặc biệt là hành vi "ưa thích" vàng, ngoại tệ ngày càng gia tăng, nhưng chưa được điều chỉnh phù hợp, có thể ảnh hưởng đến công tác điều hành kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường, phản ánh qua tình hình buôn lậu vàng, ngoại tệ, tội phạm gia tăng; tỷ giá niêm yết chính thức trong một số giai đoạn thấp hơn nhiều so với thị trường tự do; mua bán ngoại tệ phổ biến ở các tiệm vàng.
Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC, 2023), ở Việt Nam, 81% nhà đầu tư đã từng đầu tư vào vàng và cho biết họ sẽ xem xét đầu tư vào vàng một lần nữa, chỉ số này cao hơn Trung Quốc (72%), Ấn Độ (67%) và toàn cầu (45%). Bên cạnh đó, năm 2022, Việt Nam tiêu thụ 43 tấn vàng, tăng 37% so với năm 2021, cao nhất khu vực ASEAN.
Còn theo Bộ Công an, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam, gia tăng hoạt động tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.
Bình luận (0)