Theo đó, hội thảo đã có 108 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục vào các trường ngoài công lập, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tư vấn du học cùng đại diện các sở, ban, ngành của TP.HCM và lãnh đạo các quận, huyện tham dự.
Ở nhóm các trường mầm non, trường phổ thông nhiều cấp học có vốn trong nước và vốn nước ngoài, đại diện các cơ sở giáo dục tập trung vào các nội dung liên quan đến chính sách thuế, chính sách vay vốn, tiền thuê đất, quy hoạch đất. Bên cạnh đó là những đề xuất chính sách hỗ trợ cho giáo viên ngoài công lập như với trường công lập, giấy phép lao động của người nước ngoài, hỗ trợ kinh phí học tập nâng cao trình độ hay kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất…
Còn đại diện các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tư vấn du học, kỹ năng sống đưa ra những câu hỏi về thủ tục tổ chức hội thảo du học, thủ tục cấp giấy phép hoạt động, hỗ trợ tập huấn chứng chỉ tư vấn du học cho nhân viên tư vấn…
Chia sẻ với các doanh nghiệp, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: "Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục có những khó khăn nhất định và khó có thể lấy lại vốn ngay được. Xác định như vậy thì các doanh nghiệp sẽ thấy bớt khó khăn hơn".
Ông Nam cũng nhấn mạnh, vấn đề quỹ đất là một trong những khó khăn của TP.HCM. Hiện thành phố đang trong quá trình xây dựng dự thảo đề án xây dựng trường học theo phương thức đối tác công tư. Dự kiến có khoảng 106 đề án kêu gọi đầu tư với hình thức TP.HCM cung cấp quỹ đất, các nhà đầu tư xây dựng và khai thác với nhiều hình thức. Mức đầu tư mỗi dự án trường học khoảng trên 100 tỉ đồng để xây dựng các trường học khang trang, phù hợp với sự phát triển của xã hội trong giai đoạn tới. UBND TP.HCM sẽ phê duyệt và công khai địa chỉ các dự án ở các địa phương để các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ có các chính sách hỗ trợ về vay vốn.
Tại buổi đối thoại, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, yêu cầu Sở GD-ĐT mở thêm các kênh tiếp nhận thông tin và có phản hồi thường xuyên cho các doanh nghiệp, công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT. Đồng thời tạo không khí tin cậy lẫn nhau để trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ lẫn nhau.
"Tôi đề nghị các sở, ngành lắng nghe những ý kiến đóng góp trên tinh thần cầu thị, có sự chia sẻ và hướng dẫn giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân", Phó chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra yêu cầu.
Song song đó, ông Dương Anh Đức cũng cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan cấp trên bổ sung, sửa đổi một số quy định còn bất cập. Đặc biệt Phó chủ tịch UBND TP.HCM còn quán triệt tinh thần làm việc đối với các sở, ngành trên địa bàn thành phố là hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, không được cứng nhắc trong việc xử lý các hồ sơ thủ tục.
Bình luận (0)