Phố nghề phố buôn bán chục ngàn tỉ
PGS-TS-KTS Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Kiến trúc Hà Nội, đã nhắc tới doanh thu luôn đứng đầu toàn thành phố của Q.Hoàn Kiếm trong nhiều năm qua, tại hội thảo Bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội (do UBND Q.Hoàn Kiếm, Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức ngày 8.10). Theo đó, quận này có doanh thu tới 11.000 tỉ đồng mỗi năm. Nhưng ông Trúc Anh không nói tới câu chuyện kinh tế, mà nhấn mạnh, có được doanh thu này là nhờ di sản của phố nghề xưa để lại. “Toàn bộ hộ cá thể giờ chuyển thành các công ty khai thác di sản, đóng thuế bền vững. Tiền thu được từ dịch vụ, buôn bán chứ không phải là từ đất. Đó là sự lợi hại của phố nghề phố buôn bán tập hợp từ xưa để lại, là di sản đậm đặc”, ông Trúc Anh nói.
Cũng theo ông Trúc Anh, từ quy hoạch truyền thống, mọi tinh hoa đều kết tinh vào phố cổ. “Không gian kiến trúc cảnh quan của phố cổ hiện là di tích cấp quốc gia. Giá trị kiến trúc và quy hoạch của phố cổ rất đặc biệt ở phố nghề, phường nghề và đậm đặc lễ hội truyền thống. Ở Trung Quốc, ở Nhật Bản cũng có những phố nghề kết hợp buôn bán như vậy. Đó là nét đặc trưng của châu Á”, ông nói.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết khu phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể lớn với 121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; Trong đó, có 25 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am. Khu phố cổ cũng có các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn như: sinh hoạt của người dân, ẩm thực, các loại hình diễn xướng dân gian như ca trù và xẩm, các lễ hội truyền thống ở đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội kim hoàn... tạo nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội ngàn năm.
|
Làm hồ sơ di sản nâng cấp danh hiệu
PGS-TS Trúc Anh cho rằng cần khai thác giá trị kiến trúc phố cổ như sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao. Theo ông Trúc Anh, phải đưa vào nghị quyết của Đảng chương trình chỉnh trang đô thị Q.Hoàn Kiếm gắn với kinh tế đô thị và có cả kinh tế ngày và đêm. Trọng tâm chỉ phát triển giá trị văn hóa du lịch, không xây thêm các công trình tập trung dân, chuyển đổi sang khách sạn. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần giao quyền cho Q.Hoàn Kiếm về việc chỉnh trang phố cổ.
PGS-TS Phạm Hùng Cường, Trường đại học Xây dựng, đề xuất nên đẩy mạnh tiếp cận thông tin về phố cổ qua điện thoại. Theo đó, có thể lập trung tâm thông tin với dữ liệu lớn về lịch sử văn hóa di sản phố cổ. “Với công nghệ 5G trong tương lai, các dữ liệu lớn về lịch sử văn hóa, di sản của Hà Nội nói chung và của phố cổ Hà Nội nói riêng có thể dễ dàng tiếp cận qua các cổng thông tin ngay trên đường phố”, ông Cường nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài, nguyên Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, gợi ý nâng cấp các danh hiệu cho phố cổ. Từ đó có thể truyền thông về di sản tốt hơn. “Phố cổ rất xứng đáng là di tích quốc gia đặc biệt. Đừng sợ mang tiếng hội chứng chạy theo danh hiệu. Nếu ta đủ tiêu chí thì cứ làm hồ sơ đề nghị nhà nước”, ông Bài nói.
Ông Bài cũng nhắc đến chuyện khi làm hồ sơ gửi UNESCO để xét danh hiệu di sản văn hóa cho Hoàng thành Thăng Long đã có chuyên gia đề nghị đưa phố cổ vào. Giờ đây, có thể nghĩ đến việc trình lại hồ sơ đó để mở rộng diện tích như đang làm với vịnh Hạ Long. “Có thể bổ sung phố cổ Hà Nội vào hồ sơ Trung tâm Hoàng thành Thăng Long đệ trình UNESCO. Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cùng phố cũ thời thực dân và phố cổ thì hợp thành một phần của đô thị di sản. Từ góc nhìn đó, tôi nghĩ là sẽ thúc đẩy Hà Nội thành TP di sản, đô thị di sản”, ông Bài nói.
Bình luận (0)