Phố cổ khốn khổ vì thi công xây kè

28/12/2015 06:09 GMT+7

Hàng loạt kiến trúc cổ tại Khu di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) bị nứt nẻ, có nguy cơ đổ sập, do cách thi công dự án kè sông Hoài.

Hàng loạt kiến trúc cổ tại Khu di sản văn hóa thế giới Hội An (Quảng Nam) bị nứt nẻ, có nguy cơ đổ sập, do cách thi công dự án kè sông Hoài.

Kè sông Hoài đang được thi công - Ảnh: Hoàng SơnKè sông Hoài đang được thi công - Ảnh: Hoàng Sơn
Khoảng 50 nhà cổ bị ảnh hưởng do việc thi công. Trong đó, những căn nhà sát cầu An Hội bị nứt nặng nề nhất. Tuyến đường Bạch Đằng phía sát mép sông đang bị sạt lở mạnh, giữa đường xuất hiện những vết nứt lớn. Anh Lương Tường, quản lý nhà hàng Hoa Anh Đào trên đường này, cho hay đầu tháng 12.2015 tình trạng nứt tường đã xảy ra khi hiện trường thi công cách nhà hàng khoảng vài chục mét. Anh Tường đã nộp đơn lên các cấp đề nghị ngừng thi công để kiểm tra. Nhiều vị trí của nhà hàng xuất hiện vết nứt dài theo chiều dọc. Rõ nhất là phần nền đoạn sát mép đường Bạch Đằng có vết nứt lớn với độ hở khoảng 3 cm. Nhà số 102, 104 Bạch Đằng cũng bị rung chấn gây nứt tường. Nền nhà 104 Bạch Đằng bị nứt nghiêm trọng nhất với chiều dài 4 - 5 m, độ hở lớn nhất 2 cm.
“Làm với mục đích giữ lại phố cổ là rất tốt, nhưng cách làm lại gây nứt nhà khiến chúng tôi không khỏi bất an. Nứt nhà rồi, có gia cố để giữ lại thì giá trị cũng mất đi”, anh Tường nói.
“Không còn lựa chọn nào khác”
UBND TP.Hội An cho biết đoạn kè bảo vệ khu phố cổ Hội An đi qua P.Minh An dài gần 800 m (đoạn từ chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam), do được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, thường xuyên bị ngập lụt nên tình trạng xuống cấp đã diễn ra gần chục năm qua. Cuối năm 2014, sau khi T.Ư bố trí hơn 50 tỉ đồng, tỉnh Quảng Nam đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 triển khai kè từ cầu An Hội đến cầu Cẩm Nam. Đoạn còn lại từ cầu An Hội đến khu vực chùa Cầu sẽ tiếp tục thi công trong thời gian tới.
UBND TP.Hội An cũng nhìn nhận việc thi công đã khiến khoảng 50 nhà cổ nứt tường làm người dân lo lắng. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP, cho hay để giảm thiểu tác động do rung chấn, các bên liên quan đã chọn phương án búa rung kết hợp ép cọc bê tông bằng thủy lực. Theo ông Hùng, trước khi thi công, ngành chức năng TP đã khảo sát và mua bảo hiểm cho các nhà cổ. UBND TP.Hội An cũng đã thành lập tổ giám sát, trong đó có ngành bảo tồn di sản tham gia. “Chúng tôi lường trước sẽ có rung chấn gây ảnh hưởng nhà cổ nhưng đành phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác. Trong quá trình thực hiện, TP giám sát rất chặt chẽ để đáp ứng ngay khi xảy ra sự cố”, ông Hùng nói. Hiện đoạn kè đã hoàn thành được 50 m cọc bê tông. Riêng đoạn kè từ cầu An Hội đến chùa Cầu, TP đề nghị nghiên cứu giải pháp khác mà không kè bằng biện pháp ép cọc, do khu vực này nền đất quá yếu và chùa Cầu đang xuống cấp, dễ bị ảnh hưởng.
Cục Di sản thuộc Bộ VH-TT-DL đã có văn bản thỏa thuận dự án với Hội An về việc xây bờ kè sông Hoài. Tuy nhiên, bước tiếp theo của việc thỏa thuận là đồng ý với bản thiết kế kỹ thuật thì hiện chưa có văn bản. Trong khi đó, theo luật, Hội An phải có thỏa thuận đồng ý với bản thiết kế kỹ thuật của Cục Di sản mới được làm.
Ý kiến:
“Việc đóng cọc mà vẫn bảo đảm an toàn cho nhà cổ Hội An không thể nói là không làm được. Đây hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật và hoàn toàn có thể làm được. Phải coi đó là việc bắt buộc phải làm dù có thể mất công, tốn kém. Với một di sản quan trọng như phố cổ Hội An, lại là nơi dân đang sống, phải xác định nếu không tìm được phương án làm kè bảo đảm an toàn cho nhà cổ thì không làm. Chứ làm cái này phá cái khác mà lại nói là “không thể khác được” thì không ổn. Theo tôi, phải dừng ngay lập tức việc đóng cọc khi có ảnh hưởng tới nhà cổ để xem lại phương án. Nếu không tìm được phương án an toàn thì chưa làm”.
KTS Lê Thành Vinh
(Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.