(TN Xuân) Dường như được viết, được ngẫm nghĩ, được hoài niệm về Sài Gòn đang trở thành một nhu cầu của những người gắn bó với thành phố này khi họ chợt nhận ra có những thứ từng thuộc về nó có thể sẽ không còn nữa.
Ảnh: Độc Lập
|
Hồn Sài Gòn trong ký ức cư dân
“Sách viết về thành phố này không nhiều như sách viết về Hà Nội, về Huế... trong khi người viết ở Sài Gòn thời nào cũng đông” - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận, tác giả Sài Gòn - Chuyện đời của phố nhận định - “Tôi nghĩ có một khoảng trống lớn về đời sống đô thị đời thường ở Sài Gòn những năm 1950, 1960”.
Có lẽ vì nhận thấy khoảng trống đó, mà cuốn sách của Phạm Công Luận, ra mắt lần đầu vào tháng 1.2014, có thể coi là một tập khảo cứu kết hợp với tản văn, chứa đựng nhiều tư liệu thú vị về đời sống đô thị Sài Gòn trước năm 1975: một cuộc thi hoa hậu, nghề đóng sách đẹp, xe điện Sài Gòn, giai phẩm xuân học trò, những giai nhân một thuở, những tờ nhạc rời, xóm ngụ cư, một thời hippy, sơn mài Thành Lễ… Sự tỉ mỉ trong thu thập tư liệu, cộng với cảm xúc dành cho thành phố nơi anh đã chập chững tập đi những bước đầu tiên trong ngôi nhà nhỏ ở Phú Nhuận cách nay nửa thế kỷ đã khiến cuốn sách được phủ lên một không khí nhớ nhung man mác, khiến người ta có thể cứ nhẩn nha mà đọc, mà cảm nhận cái hồn của một Sài Gòn xưa đang phảng phất...
Nhà báo Phạm Công Luận
|
“Trong những giá trị của Sài Gòn xưa đã và đang mai một, anh tiếc nhất giá trị nào?” - tôi hỏi. Phạm Công Luận khiến tôi bất ngờ, khi điều anh nói lại nằm ở chỗ ít người để ý. “Ngày xưa người ta chú ý nhiều đến thể diện” - anh trầm ngâm. “Ông thầy giáo ra đường phải chỉnh tề, cô giáo khi có khách đến chơi phải bận áo dài ra tiếp, cúng kiến ngay tại nhà cũng bận áo dài cho trang trọng. Người ta chú ý cả cách ăn nói chuẩn mực phù hợp với tuổi tác, nghề nghiệp, vai trò của mình trong xã hội chứ không phải ở gia đình, giảng đường hay công sở thì đạo mạo, trong quán xá, ngoài đường phố thì thoải mái, buông thùa. Bên cạnh đó, tính khiêm cung của ngày xưa thể hiện rõ trong giao tiếp, khi bàn bạc, tranh luận. Bây giờ, người ta luôn cảm thấy cần thể hiện bản thân nên tính cách ấy trở nên lạc hậu, nếu bộc lộ ra thì thành yếu đuối, hạ mình, dễ bị lấn lướt”.
Đến nay, Sài Gòn - Chuyện đời của phố đã được tái bản lần 1, và Phạm Công Luận đang chuẩn bị cho ra mắt phần 2. Anh sẽ đưa vào sách một số câu chuyện mà đáng lẽ đã xuất hiện trong phần đầu, nhưng do chưa đủ tư liệu nên gác lại. Đó là câu chuyện về một góc dân cư sống quây quần quanh ngôi nhà Nghệ sĩ nhân dân Năm Châu trong khu cư xá huyền thoại, Chu Mạnh Trinh tại Phú Nhuận, với rất nhiều nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn danh tiếng của Sài Gòn cư ngụ. Là những cố gắng xây dựng một ngành du lịch của Sài Gòn trong tình trạng chiến tranh trước 1960, với đoàn xe Tri-Lambretta sơn trắng chạy quanh thành phố có dòng chữ “Saigon Sight Seeing” bên hông, hay quán cà phê có khách ngồi uống trên xe xích lô ở khách sạn Majestic cuối thập niên 1970. Là siêu thị Nguyễn Du đầu tiên mở ra giữa Sài Gòn năm 1967 với diện tích 30 ngàn mét vuông, trang bị hoàn toàn không thua kém các siêu thị ngày nay, để rồi Bangkok phải mời qua để hướng dẫn cách tổ chức... Với Phạm Công Luận, hồn Sài Gòn không chỉ nằm trong những di tích ta có thể thấy bằng mắt, mà trong cả ký ức về Sài Gòn do cư dân của thành phố lưu giữ, càng trải nghiệm lâu càng dày lên. “Bên trong họ, kho ký ức sống động đang mờ dần do tuổi tác, do sức khỏe và nếu chúng ta không lưu giữ sẽ dần mất đi. Việc tìm kiếm, ghi chép, xuất bản những câu chuyện cũ từ các nhân chứng còn sống quan trọng không kém việc lưu giữ một di tích cổ”.
Blogger Lê Phương Thảo
|
Tìm đâu ngôi quán quen…
Nếu Sài Gòn - Chuyện đời của phố khiến người đọc rưng rưng vì những ký ức gắn với cuộc sống dân lao động thành thị, thì Ve vãn Sài Gòn - tập tản văn của tác giả Chị Đẹp (bút danh của blogger Lê Phương Thảo) lại khiến ta sống lại với một Sài Gòn phù hoa, điệu đàng trong lối ăn, lối mặc, lối chơi của tầng lớp được coi là thượng lưu ngày trước. Cuốn sách ra đời vào tháng 6.2013, và chỉ vài tháng sau đã được tái bản.
Từ khi sách ra đến nay, lại có thêm những địa điểm ở trung tâm sắp biến mất, nối thêm vào danh sách dài những chốn lui tới mà tác giả yêu thích được nhắc tới trong sách đã không còn. Do công việc, người phụ nữ này đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam. Qua những dòng status trên Facebook, có cảm giác như khi sống ở Mỹ chị đang tận hưởng hiện tại, còn khi về Sài Gòn chị lại chập chờn trong nỗi nhớ chính thành phố này - “nhớ cái kiểu lo xa, nhớ cái kiểu chưa xa đã nhớ. Rồi đang nhớ lại sợ mình đã quên…”.
Một người yêu thích ẩm thực và lang thang quán xá như Lê Phương Thảo rồi cũng phải quen với sự hụt hẫng khi không thể “tìm cho ra ngôi quán quen” (*) ở khu vực trung tâm Sài Gòn, bởi nơi đây đang thay đổi quá nhanh. Những ngôi quán ấy, với chị, cũng mang một phần hồn Sài Gòn: “Tháng này còn nhìn thấy bảng hiệu đấy, tháng sau đã thấy một bảng hiệu mới treo lên, lại đập phá sửa chữa và xây dựng. Người ta không thể nhớ kịp nơi này trước đây đã từng là căn nhà như thế nào. Những điều này tạo nên một bản tính “ăn xổi ở thì”, không có gì là lâu dài bền vững cả. Nó biến Sài Gòn thành một nơi để mọi người tụ về chứ không trụ lại. Người ta rồi sẽ có tâm lý tìm đến những ngôi quán mới lạ mỗi khi ra phố, chứ không còn thích ngồi ở quán quen, vì chưa kịp làm quen với quán thì quán đã mất đi rồi. Và hồn của Sài Gòn cũng như thế, cứ chuẩn bị để tỏa đi, mỏng ra”.
Chợ hoa tết trên khúc sông trước dãy nhà cổ ở bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM - Ảnh: Nguyên Trương
|
Có một nơi Lê Phương Thảo thường ngồi, mà theo chị là thích hợp để cảm nhận về Sài Gòn. Đó là ban công trên lầu quán Jaspas, góc Đồng Khởi và Ngô Đức Kế. “Ngồi đây, có thể nhìn thẳng ra đầu đường Đồng Khởi, có bến Bạch Đằng, nhìn qua trái là Grand Hotel với những khung cửa sổ cao, hẹp, có chút nét kiêu kỳ Tây phương, nhìn qua phải sẽ chạm đại lộ Nguyễn Huệ, nhìn người ta đi từ một con đường nhỏ Ngô Đức Kế, tỏa rộng ra một đại lộ, rất thú vị, giống như cá từ suối nhỏ đổ ra sông lớn. Ở đây còn hai hàng cây lớn trên vỉa hè, mùa nào cũng có lá nhỏ li ti như lá me, bay khắp phố. Nắng đổ lưa thưa nhiều chiều. Mưa rơi hơi bí bức giới hạn. Ngồi nơi này như đang sống trong quá khứ”. Thì ra, cái cảm giác “như đang sống trong quá khứ” đã níu chân chị. Và chị thì ao ước có thể níu giữ những quá khứ cho Sài Gòn. “Nhiều nơi trên thế giới họ cũng cao tầng hóa khu trung tâm, nhưng họ không đập bỏ tất cả. Họ vẫn giữ lại mặt tiền cổ kính như cũ, bước qua mặt tiền đấy, vào bên trong là một khuôn viên vô cùng hiện đại. Họ tìm cách để hòa nhập chứ không bứng đi. Ước gì mình cũng có thể làm như thế cho Sài Gòn”.
Dù đã về hưu, song kiến trúc sư Lưu Trọng Hải vẫn theo dõi sát sao tình hình quy hoạch đô thị TP.HCM. Vị kiến trúc sư đã nhiều năm làm việc trong cương vị chuyên viên của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP.HCM dự định sẽ xuất bản một tập sách với những bài viết xoay quanh câu chuyện kiến trúc và quy hoạch đô thị Sài Gòn.
Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải
“Trong năm vừa qua, bộ mặt trung tâm Sài Gòn thay đổi rất nhiều, và người dân cũng có ý kiến trái chiều đối với việc đập bỏ nhiều công trình kiến trúc vốn quen thuộc với họ. Đó là điều bình thường. Những cái người ta hay nhìn thấy, gắn với cuộc sống sinh hoạt của họ, lâu dần sẽ trở thành một phần ký ức. Thay đổi nó, người ta sợ đánh mất đi ký ức của mình. Nhưng đô thị nào cũng phải trải qua điều đó trong quá trình phát triển. Vấn đề là chúng ta phải biết nên giữ lại cái nào, và cái nào có thể xây dựng mới” - ông nói.“Cao tầng hóa Sài Gòn là điều không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển đô thị. Theo ông, nên giữ lại điều gì như một phần hồn của Sài Gòn hiện tại cho thế hệ mai sau?” - tôi hỏi. Lưu Trọng Hải nói ngay, dường như ông đã nghĩ về điều này từ lâu lắm: “Hãy giữ lại những con phố chuyên doanh - tức là cả dãy phố chỉ bán một mặt hàng: phố hàng điện tử, phố nội thất, phố xe máy, phố áo cưới, phố đồ mỹ nghệ... Đây là điểm khác biệt, độc đáo của Sài Gòn so với những đô thị khác trên thế giới. Chẳng hạn tôi đem xe đến phố sửa xe, trong tiệm không có cái đèn loại xe của tôi, thế là ông chủ sai ngay thằng con chạy ù sang tiệm bên cạnh lấy về... Phố chuyên doanh thể hiện truyền thống buôn có bạn, bán có phường của người Việt, bên cạnh đó là truyền thống vừa hợp tác, vừa cạnh tranh rất thú vị của người Sài Gòn”. |
Bình luận (0)