Phố đèn đỏ Geylang, Singapore - Kỳ 1: Nỗi ám ảnh của cảnh sát đảo sư tử

04/04/2014 10:30 GMT+7

(TNO) Lần đầu tiên, lực lượng cảnh sát Singapore thừa nhận khu đèn đỏ Geylang 'có dấu hiệu vô luật pháp' và đến 'cảnh sát đôi lúc cũng bị đám đông hooligan chặn đường'.

(TNO) Lần đầu tiên, lực lượng cảnh sát Singapore (SPF) thừa nhận khu đèn đỏ Geylang "có dấu hiệu vô luật pháp" và đến "cảnh sát đôi lúc cũng bị đám đông hooligan chặn đường".

 
Thuốc kích dục được bày bán tràn lan trên vỉa hè ngay góc Đại lộ Geylang và Đại lộ Ajunied, trong khi các cô gái chèo kéo khách công khai trước mặt nhiều người - Ảnh: Thục Minh

Những nhận định trên được chính Giám đốc SPF Ng Joo Hee nói tại tòa án hôm 25.3.

Và nếu không có vụ bạo động xảy ra tại khu Tiểu Ấn vào đêm 8.12.2013, có lẽ công chúng Singapore sẽ khó có thể nghe được từ cơ quan chức năng những nhận định có phần gây hoang mang như vậy.

Vụ bạo động ngày 8.12 với hơn 300 công nhân từ các nước Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh tấn công cảnh sát, lực lượng phòng vệ dân sự và đốt phá xe công vụ của Singapore, sau khi một công nhân Ấn Độ bị xe buýt cán chết.

Tiểu Ấn là nơi tập trung sinh sống và kinh doanh của người Singapore gốc Ấn và thu hút hàng chục ngàn công nhân Nam Á vào những ngày cuối tuần. 

Biến cố diễn ra sau gần nửa thế kỷ vắng bóng bạo động, bất ổn trên đảo sư tử giàu có và bình yên khiến chính quyền vô cùng quan tâm.

Một ủy ban điều tra tức tốc được thành lập với những cựu quan tòa, luật sư và cảnh sát để độc lập xem xét các nguyên nhân dẫn đến vụ việc và tìm ra những phương cách ngăn chặn bạo động trong tương lai.

Phiên tòa điều tra kéo dài đến 5 tuần, bắt đầu hôm 19.2, đã lần lượt chất vấn hàng trăm nhân chứng là những người có mặt tại sự việc đêm 8.12 cũng như các chuyên gia nhiều lĩnh vực.

Giám đốc SPF Ng Joo Hee đã xuất hiện nhiều lần tại tòa để đưa ra các lời khai từ việc chỉ huy lực lượng dẹp bạo động, trả lời về các quyết định điều hành của mình cũng như về trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội nói chung.

 
Khu đèn đỏ Geylang với những con đường nhỏ (Lorong) “mọc” ra như xương cá từ Đại lộ Geylang bị bủa vây bởi các khách sạn giá rẻ và tính phí theo giờ, đặc biệt là 2 chuỗi khách sạn Hotel 81 và Fragrance  - Ảnh: Google Map

Và phần trả lời tại tòa của ông hôm 25.3 làm lộ ra một góc tối khác ở Singapore, tuy không mới, nhưng thật sự đáng quan ngại - khu đèn đỏ Geylang.

Ổ mại dâm, thuốc lá lậu, băng đảng và côn đồ

Trong phần tường trình của mình về tình hình trật tự quốc gia được báo Straits Times trích đăng, ông Ng nhìn nhận Geylang là nơi quần tụ của các công nhân nước ngoài gốc Trung Quốc, và một số lượng đáng kể gốc Nam Á. Họ tụ tập về đây gặp gỡ, ăn uống, và mua sắm, không chỉ vào cuối tuần.

Chưa hết, các quán bar, hộp đêm, quán ăn bình dân... cũng thu hút đông đảo người dân địa phương.

“Là một phố đèn đỏ truyền thống, khu vực này tự nó có sức hút đặc biệt, và vì vậy cũng luôn hiện diện một loạt các thách thức. Đây là một điểm nóng cờ bạc trái phép, lừa đảo, là nơi bán thuốc lá lậu, ma túy và các loại thuốc kích dục phi pháp”, ông Ng nói.

Bên cạnh đó, các khách sạn bình dân, nhà nghỉ với giá tính theo giờ cũng là những điểm nhức nhối trong công tác bảo vệ trật tự ở nơi đây.

“Một điều mà ai cũng biết là các băng đảng tội phạm, thành phần lừa đảo thường thích tụ tập ở Geylang”, ông Ng nói.

Vậy nên, theo ông, “gom tất cả lại, Geylang đại diện cho một hệ sinh thái phức tạp, ẩn chứa bóng dáng tội phạm. Và đó là những dấu hiệu về tình trạng bất ổn tiềm tàng ở đây”.

“Nhưng có lẽ điều đáng quan ngại nhất ở Geylang là thái độ ra mặt căm ghét và chống đối lực lượng cảnh sát. Các bạn có thể cảm thấy bất an thực sự khi nghe rằng cảnh sát đôi lúc cũng bị đám đông hooligan chặn đường khi thi hành công vụ tại đây”, ông Ng tiết lộ.

Ông cũng thuật lại chuyện một cảnh sát bị đánh bởi một đám côn đồ khi tiến hành vây bắt chủ một sới bạc.

Do “lờn mặt” cảnh sát, hoạt động phi pháp đôi lúc diễn ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật.

Chẳng hạn, chiều 28.3, cảnh sát bắt giữ nhiều thuốc lá lậu do một băng tội phạm vận chuyển trong một con hẻm cạnh một ngôi chùa trong khu này.

 
Nhiều quán ăn bình dân nằm ở đầu những con hẻm khu Geylang là nơi tụ tập, gặp gỡ giữa gái bán hoa, khách hàng và những tay dắt gái. Không khó để nhận ra ở những nơi này, ai là thực khách chân chính - Ảnh: Thục Minh.

Phức tạp hơn khu Tiểu Ấn

Sau vụ bạo động 8.12.2013, tình hình trật tự ở khu Tiểu Ấn trở thành mối quan tâm lớn của chính phủ và đề tài bàn tán của công chúng.

Lệnh cấm bán bia rượu trong những ngày cuối tuần, hạn chế công nhân tụ tập ở một số điểm trong khu này đã được ban hành. Cảnh sát cũng tăng cường tuần tra nơi đây.

Tuy nhiên, phát biểu hôm 25.3, ông Ng nói: “Nếu người Singapore phiền lòng vì tình trạng xả rác, tiếng ồn và nạn băng ngang đường bất chấp đèn đỏ ở khu Tiểu Ấn, thì họ chắc chắn sẽ nhanh chóng nhận ra ở Geylang tồn tại dấu hiệu vô luật pháp”.

Ông Ng chỉ ra rằng, khu Geylang có nhiều “vấn nạn” mà khu Tiếu Ẩn không có, như “đặc thù” phố đèn đỏ, nhà nghỉ, khách sạn tính tiền phòng theo giờ, nơi quần tụ các hoạt động phi pháp và các băng nhóm côn đồ.

Chính vì vậy, “số lượng hành vi phạm tội ở Geylang cao và không theo một tỉ lệ nào. Các loại tội phạm đặc biệt đáng quan ngại như cướp giật, bạo động, ẩu đả tồn tại kinh niên và luôn luôn chực chờ xảy ra”, ông Ng phát biểu.

Ông này cũng đưa ra số liệu thống kê tội phạm ở hai khu vực từ năm 2008 -2013. Theo đó, con số ở Geylang luôn cao hơn ở khu Tiểu Ấn.

Ví dụ năm 2008, khu Tiểu Ấn có 132 vụ giết người, hiếp dâm, cướp giật, trộm xe... và 35 vụ ẩu đả, đâm chém trọng thương; thì các con số đó lần lượt ở khu Geylang là 213 và 45.

Năm 2013, các con số đó ở khu tiểu Ấn là 83 và 25, thì khu Geylang là 135 và 49.

Vậy nên, trong năm 2013, Biệt đội tác chiến nội đô đã được triển khai đến khu Geylang đến 41 lần, trong khi đến Tiểu Ấn chỉ 16 lần.

Vào những ngày cuối tuần, Geylang có đến 5 đội phản ứng nhanh của SPF quần thảo, trong khi ở khu Tiểu Ấn chỉ có 3 đội, còn những khu vực khác chỉ có một đội.

Ngoài ra, khoảng 20 sĩ quan đồng phục cũng đi bộ tuần tra trong khu vực, trong khi một lực lượng cảnh sát mặc thường phục khác trà trộn vào các quán bar, hộp đêm vào điểm mát-xa để kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Ng thừa nhận có thể làm nhiều hơn để tăng cường sự hiện diện của cảnh sát ở Geylang. Và kế hoạch gần nhất của ông là đưa thêm 150 cảnh sát tuần tra thường xuyên ở nơi này.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ 1: Cái tát đau điếng
>> Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ 2: Phố đèn đỏ và những câu chuyện đau lòng
>> Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ 3: Đường dây đưa gái ra nước ngoài
>> Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ 4: Đường đến phố đèn đỏ
>> Mại dâm Việt ở Singapore - Kỳ cuối: Phạm vi khống chế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.