Thay đổi để “sống sót”
Các quán bar, vũ trường ở phố đi bộ Bùi Viện đồng loạt thay đổi mô hình hoạt động, chuyển sang kinh doanh nhà hàng, quán ăn. Cửa được mở rộng nhằm tạo không gian thoáng đãng, bàn ghế sắp xếp giãn cách. Mỗi bàn ăn đều được trang bị sẵn nước rửa tay sát khuẩn, tất cả nhân viên bắt buộc đeo khẩu trang.
Không còn tiếng nhạc ồn ào náo nhiệt, bàn DJ phủ kín để nhường chỗ cho những bản nhạc âm lượng vừa phải. Menu được điều chỉnh lại với mức giá phù hợp.
|
Anh Trịnh Nguyễn Hùng Dũng (Cố vấn tập đoàn Quốc Thanh F&B) chia sẻ: “Để phòng chống sự lây lan của dịch Covid-19, mọi quán bar, vũ trường đều phải tạm ngưng hoạt động. Thế nhưng trước sức ép tài chính, các doanh nghiệp cần một phương án tạm thời để có thể cầm cự cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, cách đây 5 ngày, chủ của các quán bar, vũ trường lớn tọa lạc trên phố đi bộ Bùi Viện đã nhất trí cùng nhau thay đổi mô hình hoạt động để thích nghi với tình hình thị trường thời kỳ phòng chống dịch bệnh".
Anh cũng khẳng định, nhà hàng, quán ăn muốn mở cửa trở lại đều phải tuân thủ tuyệt đối những quy định phòng ngừa dịch của Bộ Y tế. Mọi doanh nghiệp đều phun xịt khử trùng trung bình hai lần một tuần và áp dụng chặt chẽ các quy trình phòng chống dịch bệnh, tuyệt đối duy trì tối đa 30 khách ở trong quán.
Anh nói: “Vừa chung tay chống dịch nhưng cũng không để kinh tế bị gãy đổ. Đó mới thực sự là chống dịch hiệu quả".
|
|
|
|
|
Chị Kim Hồng (29 tuổi, quản lý của bar Lost In Saigon nay là nhà hàng Lost In Saigon) cho biết từ chiều 28.8, nhà hàng đã tiến hành điều chỉnh lại menu cũng như thực hiện quy trình phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho khách cũng như nhân viên, chuẩn bị mở cửa hoạt động trở lại.
“Lost In Saigon giờ đây sẽ chuyển đổi sang hình thức kinh doanh quán bia đường phố chuyên bán các món ăn uống bình dân, tôi hy vọng rằng quán sẽ thu hút một lượng lớn khách hàng là các bạn trẻ Việt Nam thay vì khách du lịch như thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát”, chị nói.
Tương tự như vậy, nhiều quán bar, vũ trường khác ở Bùi Viện như lacasa, Ocean, Maya, Sahara,... cũng chuyển sang kinh doanh nhà hàng để “thích nghi” với tình hình hiện tại.
Bước đầu còn nhiều khó khăn
Theo ghi nhận của PV, ngày đầu tiên hoạt động trở lại nên việc kinh doanh vẫn chưa thực sự suôn sẻ, lượng khách đến Bùi Viện còn thưa thớt. Dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng các quản lý và nhân viên tại các nhà hàng ở Bùi Viện vẫn không khỏi hồi hộp, lo lắng.
|
Tuy nhiên, sự trở lại của phố đi bộ Bùi Viện vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ của các bạn trẻ. Nguyễn Quốc Khánh (23 tuổi) có mặt tại con phố này vào buổi tối đầu tiên mở cửa trở lại đã bày tỏ sự thích thú: “Mình nghĩ việc thay đổi hình thức kinh doanh như thế này là một hướng đi hợp lý trong thời điểm hiện tại. Bởi nó vừa đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm không gian vui chơi, xả stress cuối tuần của giới trẻ, vừa đảm bảo an toàn cho mọi người trong thời điểm hiện tại".
|
|
|
Theo Quốc Khánh, không khí nhộn nhịp, vui vẻ của phố Bùi Viện từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của TP.HCM. Vì vậy, anh mong rằng con phố này sẽ nhanh chóng trở về với nhịp sống rộn ràng trước đó.
Chị Nguyễn Thị Liễu (32 tuổi, quản lý nhà hàng Monaco) bày tỏ: “Trước khi chuẩn bị mở cửa hoạt động trở lại, mình và nhân viên phấn khởi lắm. Nhưng vì là ngày đầu tiên, thông tin chưa được lan truyền rộng rãi nên số lượng khách ghé quán còn ít. Đến tối rồi mà lượng khách vẫn thưa thớt nên trong lòng có chút buồn". Chị hy vọng rằng sau một thời gian hoạt động, Monaco sẽ được nhiều người đón nhận hơn.
|
|
Thời gian tạm đóng cửa, các doanh nghiệp vẫn phải trả tiền mặt bằng, đóng thuế hàng tháng. Dù đã cắt giảm nhân sự đến 50%, một số bar vẫn không đủ chi phí để trả lương cho nhân viên. Dẫn đến việc nhiều nhân viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì không có thu nhập. Nếu tiếp tục đóng cửa, không chỉ doanh nghiệp mà cả nhân viên cũng sẽ bị đẩy vào đường cùng.
Chị Kim Hồng bộc bạch mong muốn lớn nhất vẫn là đủ chi phí hỗ trợ cho anh em nhân viên. Chị bảo: “Chưa cần phải trở về thời kỳ hoàng kim, chỉ cần được tầm 50% so với hồi trước để có thể có thu nhập chi trả tiền mặt bằng cũng như trả lương cho nhân viên là chúng tôi đã vui lắm rồi!”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Tâm, Chủ tịch UBND P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM cho biết, từ trước tới nay, các quán bar ở khu Phố đi bộ Bùi Viện đều đăng ký kinh doanh với hình thức nhà hàng, do vậy, việc các quán "thay đổi hình thức" hoạt động từ bar sang nhà hàng để mở cửa trở lại là bình thường, phù hợp giấy phép đăng ký kinh doanh.
Theo ông Tâm, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quán bar, quán nhậu trên Phố đi bộ Bùi Viện đều phải đóng cửa thời gian dài, nhưng chủ quán vẫn tốn một khoản tiền khá lớn khi phải chi trả mặt bằng, hỗ trợ nhân viên... nên việc chuyển đổi cách thức hoạt động như một lối ra mới cho chủ quán bar, nhà hàng.
"UBND phường thường xuyên đi kiểm tra để yêu cầu các quán này hoạt động như nhà hàng thì không được có DJ, không lên nhạc, không mở đèn chớp. Dù một số nhà hàng thông thường vẫn có, nhưng do đặc thù khu Bùi Viện nên chúng tôi vận động quán như vậy. Từ đầu dịch tới nay, các quán ở khu này đều chấp hành tốt chủ trương của phường", ông Tâm cho biết.
(Vũ Phượng ghi)
|
Bình luận (0)