Sau nhiều tuần lễ thâm nhập, PV Thanh Niên đã tiếp cận được những nhân vật có vai trò quyết định trong việc hô biến đất rừng phòng hộ thành đất vườn để xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng...
Ông Sơn (đi trước) dẫn phóng viên đi khảo sát mảnh đất rừng tại khu Lâm Trường - Ảnh: Nam Anh |
Ở thôn Lâm Trường, xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, Hà Nội, chúng tôi tiếp cận một người tên Đức, tự nhận là cán bộ ngành lâm nghiệp nghỉ hưu và có quan hệ thân thiết với một số đầu mối chuyên chạy giấy tờ mua bán, chuyển đổi đất rừng. Trong số đó, lộ ra hai cái tên đáng chú ý là ông Cam và ông Sơn. Theo lời ông Đức khẳng định thì ông Cam là Trưởng thôn Lâm Trường, còn ông Sơn là Phó giám đốc Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội (thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội).
Hai đầu mối “chạy” thủ tục
Khi biết chúng muốn mua khu đất rừng vị trí đẹp, mát mẻ, ông Đức nói có một mảnh đất diện tích 3 sào muốn bán và dẫn chúng tôi đi xem. “Mảnh đất này đã được đóng thuế và cấp mã số đất. Sổ đỏ chưa có nhưng không việc gì phải làm cho tốn tiền. Đợi cả khu xung quanh làm luôn thể”, ông Đức nói. Đó là một khu đất từng có thông già, nhưng đã bị chặt phá gần hết để bạt núi, san lấp mặt bằng. Ông Đức khuyên chúng tôi nên mua cả khu đất rừng thông ở phía sau, để dải đất chạy thẳng tắp lên đỉnh núi, sau này không ai có thể nhảy vào được nữa, xung quanh sẽ rất thông thoáng, muốn làm trang trại hay xây biệt thự kiểu gì cũng được…
Sau vài tiếng thăm đất và mặc cả về giá, ông Đức nói 3 sào đất này giá 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, tiền lo lót chuyển đổi chúng tôi phải tự lo liệu. Ông chỉ đứng ra dẫn mối để việc chuyển đổi được suôn sẻ. Ngay trưa hôm ấy, ông Đức gọi điện thoại cho ông Cam để hỏi về việc chạy giấy tờ chuyển đổi. Theo lời ông Đức, từ trước tới nay nhiều người trong thôn vẫn chạy “cửa” ông Cam. Nhưng dạo này công việc nhiều, nên ông Cam từ chối, nói ông Đức nhờ “cửa” khác. Tới đây, ông Đức tiếp tục gọi cho ông Sơn. Sau vài phút gọi điện, ông Đức hồ hởi quay sang nói với chúng tôi là ông Sơn đã nhận lời, nhưng hiện ông này đang bận, để hôm sau gặp.
Ông Đức cho số điện thoại của ông Sơn bảo chúng tôi liên lạc trực tiếp và dặn khi nói chuyện thì xưng là “cháu bác Đức”. Qua điện thoại chúng tôi được ông Sơn đồng ý giúp. Tuy nhiên ông Sơn nói rất vắn tắt và bảo không nên nói qua điện thoại mà phải gặp mặt trao đổi trực tiếp.
“Cho trung tâm một trăm, còn cán bộ xã, kiểm lâm... khoảng mấy chục”
Ngày 17.3, ông Đức hẹn gặp chúng tôi tại ngôi nhà sàn sang trọng ở thôn Lâm Trường, sau đó ít lâu, ông Sơn xuất hiện. Sau vài phút làm quen, ông Đức dẫn ông Sơn cùng chúng tôi đi xem lại mảnh đất một lần nữa. Lúc này, chúng tôi bày tỏ muốn mua thêm 7 sào đất rừng chạy thẳng lên đỉnh núi, liền ô với mảnh đất của ông Đức. Nghe nói vậy, ông Sơn khẳng định là mua được và nói chúng tôi nên mua luôn cho liền ô, liền mảnh. Sau vài phút khảo sát thực địa, ông Đức, ông Sơn nói chúng tôi quay về ngôi nhà sàn để tiện trao đổi công việc. Cũng tại đây, ông Đức cười nói: “Có chú Sơn đây chống lưng thì các chú cứ yên tâm, không việc gì phải lo hết”.
Nghe ông Đức nói vậy, ông Sơn bảo “mảnh đất đó mua được” và khuyên chúng tôi nên mua thêm cả lô đất rừng phòng hộ phía sau chạy dọc lên đỉnh núi. Về phần giấy tờ, ông Sơn sẽ dẫn chúng tôi đến gặp các quan chức của xã Minh Phú. Đến đó, ông Sơn sẽ giới thiệu chúng tôi là người nhà, là anh em họ hàng muốn mua mảnh đất để ở. Để việc xây dựng được thuận lợi, ông Sơn hướng dẫn chúng tôi rằng: Khi đến xã thì phải nói với họ là xin xây cái nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá thôi chứ đừng nói xây biệt thự, bởi “về pháp luật thì không ai cho phép anh làm chuyện đó”. Còn về mảnh đất rừng phòng hộ phía sau thì ông Sơn hứa sẽ “kết nối” để chúng tôi gặp người được giao giữ rừng và mua luôn.
Trong cuộc thảo luận này, ông Sơn cho biết sẽ kết nối đến các cán bộ kiểm lâm địa bàn, thanh tra xây dựng, lãnh đạo thanh tra xây dựng, Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội... Nhưng kinh phí thì người mua phải chuẩn bị chu đáo. Mức kinh phí mà ông Sơn tiết lộ cụ thể: “Cho trung tâm một trăm, còn cán bộ xã, kiểm lâm... khoảng mấy chục”. Sau đó ít lâu, ông Sơn ra về và hẹn sẽ nói chuyện lại một cách cụ thể vào hôm sau.
Đến ngày 25.3, chúng tôi hẹn gặp ông Sơn tại nhà riêng, cách Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội chỉ vài trăm mét. Tại nhà riêng, ông Sơn giục chúng tôi, nếu mua được thì phải mua luôn chứ không gặp nhau nhì nhằng, gặp nhiều không giải quyết được việc gì. Sau đó ông Sơn lấy điện thoại gọi cho một người được giao giữ rừng nào đó trao đổi về việc mua bán đất rừng phòng hộ. Khoảng 5 phút sau, ông quay lại và gật đầu tỏ ý công việc suôn sẻ. Tại đây, một lần nữa ông Sơn nhắc lại, kinh phí lo chạy giấy tờ chúng tôi phải chi ra, còn các thủ tục khác ông lo hết.
Chiều 19.4, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Ngô Đại Ngọc - Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội. Tại buổi làm việc, ông Ngọc xác nhận ông Lê Văn Sơn hiện là Phó giám đốc Trung tâm phát triển lâm nghiệp Hà Nội. Về những nội dung thông tin mà Báo Thanh Niên cung cấp và phản ảnh, ông Ngọc khẳng định sẽ vào cuộc điều tra làm rõ và có biện pháp xử lý nghiêm.
Liên quan tới nhân vật tên Cam, ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch UBND xã Minh Phú, H.Sóc Sơn, cho biết ở xã Minh Phú có Trưởng thôn Lâm Trường tên Ngô Văn Cam. Ông Hân cho biết chính quyền sẽ xác minh, làm rõ việc ông Cam có liên quan tới sai phạm đất rừng hay không.
|
Bình luận (0)