Phố guitar ở TP.HCM: Tiếng lòng của người đàn ông 40 năm sống với... đàn

08/11/2023 13:45 GMT+7

Phố guitar Nguyễn Thiện Thuật (P.2, Q.3, TP.HCM) dài chưa tới 1km nhưng có hơn 30 cửa hàng bán đàn.

Thế giới âm thanh giữa phố thị

Các cửa hàng có không gian khá khiêm tốn, có tiệm chừng khoảng 20m2, vừa để trưng bày nhạc cụ, vừa để làm đàn tại chỗ.

Nhiều người ví con đường này như nơi "ẩn mình" giữa phố thị ồn ào bởi khi chỉ cần bước chân vào một tiệm đàn nào đó, bạn đã bỏ lại sau lưng mọi xô bồ để được đắm chìm trong thế giới âm thanh.

Phố cổ ở Sài Gòn: "Nắng chiều" reo ở phố guitar - Ảnh 1.

Những cây đàn guitar được làm thủ công đã tạo nên tên tuổi của phố guitar

Uyển Nhi

Hỏi thăm chủ tiệm của nhiều cửa hàng trên phố đàn này, đa số là những người ngoài tỉnh đến mở cửa hàng lập nghiệp. Có cửa hàng bán đủ các loại nhạc cụ từ đàn guitar, mandolin, trống, đàn điện và cả sáo, tiêu, harmonica… Có cửa hàng chỉ chuyên bán guitar. Chia sẻ với PV, ông Phạm Thành Quyết (53 tuổi, Q.3), chủ tiệm đàn Quyết, là một người chế tác trong gia đình có 3 thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề làm đàn cho rằng, phố đàn ngày xưa là ở đường Hồ Văn Ngà (Q.1) giờ là đường Lê Thị Hồng Gấm. Sau này, các chủ tiệm đàn bắt đầu chuyển về đường Nguyễn Thiện Thuật. 

Ông Quyết chia sẻ: "Đất nước hội nhập, phát triển, thu hút đầu tư nước ngoài, đời sống kinh tế phát triển nên việc mua bán đàn cũng trở nên sầm uất hơn. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, số hiệu đàn đã vơi mất 1/3".

Phố cổ ở Sài Gòn: "Nắng chiều" reo ở phố guitar - Ảnh 2.

Ông Tôn Thất Ánh, đồng sở hữu tiệm đàn Duy Ngọc

Uyển Nhi

4 thập kỷ sống với đàn

Tiệm đàn Duy Ngọc là điểm đến quen thuộc của giới mộ điệu và những người yêu thích đàn guitar trong và ngoài nước. Ông Tôn Thất Ánh (55 tuổi, Q.3) tính nhẩm cũng đã gần 40 năm ông bám trụ nghề nghiệp của mình. Ông Ánh là người gốc Huế, mê đàn từ nhỏ, theo học nghề của bác họ, rồi cùng anh em gia đình vào TP.HCM lập nghiệp, mở tiệm đàn Duy Ngọc.

"Nhất nghệ tinh nhất thân vinh", 4 thập kỷ sống với đàn, hỏi ông có bao giờ thấy khó khăn mà muốn bỏ cuộc không, thì ông mỉm cười, chắc mẩm: "Không. Cả cuộc đời tôi, ngoại trừ gia đình, thì tất cả thời gian của tôi dành cho cây đàn và cho âm nhạc". Ông Ánh giỏi tiếng Anh, nói ít và rất khiêm tốn về bản thân, nhưng ông có thể kể hàng giờ về cách làm đàn, quan điểm sống và âm nhạc.

Ông Ánh không nhớ rõ mình đã làm bao nhiêu cây đàn. Ông nói có thể tính mỗi ngày tiệm của ông sẽ làm xong và bán được 1 cây đàn. Điều đặc biệt, ông chỉ chuyên tâm và bán duy nhất đàn guitar. Ông nghe không biết bao nhiêu loại đàn, đọc không biết bao nhiêu tài liệu nước ngoài, phân biệt rất rõ từng loại gỗ làm đàn, từng loại âm, tiếng bass, độ vang, độ rung… "Cũng giống như mỗi người có giọng nói, cái chất khác nhau. Người chơi đàn cũng phải chơi thế nào, tìm cây đàn phù hợp để ra cái chất của riêng mình", ông Ánh nói, lần giở những quyển sách cũ được viết bằng tiếng Anh về nghề làm đàn.

Phố cổ ở Sài Gòn: "Nắng chiều" reo ở phố guitar - Ảnh 3.

Một trong những sáng tác của ông Tôn Thất Ánh.

Uyển Nhi

Chia sẻ quan điểm về nghề nghiệp của mình, ông cho rằng người làm đàn guitar phải biết, phải học bài bản, am hiểu về âm nhạc và loại nhạc cụ thì mới có thể làm ra những cây đàn có chất lượng thực thụ. 

"Ba tôi là giáo viên, dạy rằng làm gì bất cứ điều gì trong đời cũng phải học, hỏi, hiểu, hành. Thị trường làm đàn bây giờ hỗn độn. Nhiều cửa hàng mọc lên nhưng không có cái hồn, cái chất. Một số người làm đàn từ gỗ kém chất lượng, không đúng kỹ thuật, quy trình sản xuất công nghiệp nhanh chóng. Những người chạy theo lợi nhuận, thậm chí những người không biết gì về đàn, về nhạc cũng ra bán hàng, tôi không thể làm như vậy được", ông Ánh cho hay.

Theo ông, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều sách vở tài liệu về nghề làm đàn nên người làm đàn còn phải giỏi ngoại ngữ để tìm tòi, học hỏi.

Giá đàn guitar tại cửa hàng Duy Ngọc thấp nhất là 3 triệu đồng/cây. Hỏi đó có phải là cây đàn cho người mới bắt đầu hay không thì ông Ánh tỏ vẻ nghiêm khắc: "Tôi không bao giờ làm đàn phân biệt theo trình độ. Tôi muốn bất cứ cây đàn nào làm ra, dù giá rẻ, người chuyên nghiệp chơi vào cũng thấy thích". 

Hôm chúng tôi đến, ông Ánh chơi đàn "đãi" chúng tôi bài "Nắng chiều". Con phố nhỏ vẫn đông xe qua lại giờ tan tầm, còn ông Ánh vẫn nghêu ngao hát: "Mây lướt thướt trôi/Khi nắng vương đồi/Nhớ em dịu hiền/Nắng chiều ngừng trôi".

Phố cổ ở Sài Gòn: "Nắng chiều" reo ở phố guitar - Ảnh 4.

Những tiệm đàn ở phố Nguyễn Thiện Thuật.

Uyển Nhi

Ông Ánh cũng sáng tác nhạc. Ông cho chúng tôi xem bản chép tay của ông ghi bài hát có tên "Dù chỉ là phút giây". Ông bắt đầu gảy đàn: "Dù chỉ là phút giây/Khi ta gặp nhau đây/Tình bạn thêm lưu luyến tràn đầy/Không chỉ là chút men cay…". Khi hỏi ông có muốn một thế hệ kế thừa nghề nghiệp của mình không thì ông trầm ngâm một lúc, sau đó nói "Khó", bởi ông vẫn quyết đoán tin rằng không phải ai cũng có thể học "một sớm một chiều".

"Tôi cũng có nhiều bạn bè là bác sĩ, kỹ sư, cũng hỏi tôi tại sao không mở lớp dạy làm đàn hay kiếm đệ tử để đào tạo, tôi hỏi vậy tại sao các anh không kiếm người khác truyền nghề như vậy thì họ trả lời sao được, phải học hành bài bản, có lý thuyết căn bản. Đó, rõ ràng các anh cũng đã hiểu sai nghề của tôi rồi. Nghề tôi cũng là một nghề có chuyên môn, phải học, rồi phải rèn luyện qua ngày tháng mới được, chứ không phải chỉ qua cầm tay chỉ việc", ông Ánh chia sẻ.

Theo lời kể của những người bán đàn ở phố Nguyễn Thiện Thuật, đàn thủ công ngày gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế và sự cạnh tranh của hàng sản xuất công nghiệp nhanh chóng. Thị trường tiêu thụ đàn trong nước vơi dần, tuy nhiên, kinh doanh đã lâu, các chủ tiệm đàn đều có mối riêng cho mình và đặc biệt có thế mạnh xuất khẩu đàn sang các nước như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Úc… Dù vậy, nhiều cư dân TP.HCM vẫn tìm đến đây mỗi khi muốn tìm mua một cây đàn hoặc giới thiệu bạn bè mua. Ông Nguyễn Văn Hoàn (Q.10, TP.HCM) mê đàn và chơi đàn từ năm 13 tuổi. Đối với ông, phố đàn còn mang cho mình một giá trị thẩm mỹ và lịch sử, như đồ cổ vậy. Giờ đây, phố guitar không sầm uất, không mua bán tấp nập như nhiều địa điểm khác ở TP.HCM, nhưng đến đây, dành thời gian nán lại ở một hiệu đàn, chắc chắn sẽ tìm được chút "hồn" của ngày tháng xưa.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.