Dọc đường Triệu Quang Phục (Q.5) không chỉ san sát những cửa hàng bán thuốc đông y, vốn đã nổi tiếng Chợ Lớn , mà còn được nhiều người dân ở TP.HCM biết tới là "phố mài dao, mài kéo" với hơn chục gia đình còn gắn bó với nghề truyền đời này.
Nhiều gia đình ở Chợ Lớn gắn bó với nghề mài dao kéo hàng thập kỷ, từ ngày còn mài dạo ngoài đường đến khi "lên đời" ở những cửa hàng mặt tiền trên đường Triệu Quang Phục. "Buôn có bạn, bán có phường", những gia đình người Hoa mài dao mài kéo hầu hết tập trung ở đây, là điểm đến quen thuộc của khách có nhu cầu...
Đi học đoạn đường Triệu Quang Phục, Trần Hưng Đạo... không khó để bắt gặp những cửa hàng mài dao kéo, những người thợ lành nghề miệt mài bên những chiếc dao kéo cũ và chiếc đá mài
Là đời thứ 3 gắn bó với công việc mài dao kéo truyền thống của gia đình ở Chợ Lớn, ông Đức (56 tuổi) cho biết mình có thâm niên hơn 30 năm, gia đình ông làm nghề này cũng hơn nửa thế kỷ. Hồi trước, ông làm thợ khóa, sau này theo người thân học nghề rồi gắn bó với công việc này, từ trước cả khi ông lập gia đình. "Trước đây tôi làm, chỉ là một góc mài dao nhỏ vỉa hè trên đường Triệu Quang Phục, sau này mới mở cửa hàng này. Làm nghề này không giàu đâu, chỉ đủ ăn đủ sống, nhưng nếu không làm nghề này thì không biết làm nghề gì", ông Đức tâm sự
[CLIP]: Phố mài dao kéo độc nhất Chợ Lớn
Nhớ lại thời hoàng kim của nghề này những thập kỷ nước, ông kể thời đó, nghề may phát triển, đông nghẹt khách tìm đến ông nhờ "tân trang" lại những chiếc kéo cũ cho bén hơn, mới hơn. Ông làm liên tục từ sáng tới tối, nhiều lúc phải hẹn lại khách qua hôm sau mới tới lấy được. "Sau này, nhu cầu cũng giảm đi, nghề càng ngày càng mai một. Bây giờ, có ngày chỉ có 3 - 4 khách, ngày đông thì nhiều hơn, nhưng cũng không thể nào sánh với trước", bà Hiền, vợ ông Đức kế bên bày tỏ
Mỗi chiếc kéo, dao mà ông Đức mài, tùy loại, kích cỡ mà có giá khác nhau, từ 5.000 - 70.000 đồng. Ông tâm sự rất có thể mình là thế hệ cuối cùng trong gia đình gắn bó với nghề này, bởi 2 người con của ông đều đi học, không có mong muốn nối nghiệp gia đình
Anh Phong (43 tuổi) làm nghề mài dao kéo cũng hơn 15 năm nay, nối nghiệp từ nghề của cha, ông Toàn. Anh chủ cho biết năm nay cha đã lớn tuổi, đã về hưu. Dù khách không còn như xưa, nhưng vì tiếc với cái nghề mà anh đã thành thục, gắn bó hơn nửa đời nên vẫn muốn gắn bó, giữ gìn
"Làm nghề chơi dao này thấy vậy chứ cũng nguy hiểm lắm. Mình chủ quan, sơ suất một chút là đứt tay như chơi. Có lần, tôi đang mài cũng gặp một tai nạn ở mắt, phải đi cấp cứu. Đó là lý do dù làm lâu năm hay mới làm, đều không được chủ quan", anh chia sẻ
Mỗi ngày, cửa hàng của anh Phong mở cửa từ 7 giờ sáng tới 19 giờ
Qua bao thăng trầm, những người làm nghề mài dao kéo hiếm hoi còn lại ở Chợ Lớn vẫn quyết tâm gắn bó với nghề, đến khi nào không còn sức thì thôi
Bình luận (0)