Pho sử liệu quý về Bắc - Trung kỳ Việt Nam cuối thế kỷ 19

12/05/2020 06:15 GMT+7

Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Cộng đồng Pháp ngữ (1970 - 2020) và 1 năm ra đời tủ sách Pháp ngữ Góc nhìn Sử Việt , Omega+ và NXB Đà Nẵng vừa ra mắt độc giả tác phẩm Một chiến dịch ở Bắc kỳ.

Đây là tác phẩm hiếm có, tường thuật về những cuộc hành trình quân sự mà bác sĩ quân y người Pháp Charles-Édouard Hocquard may mắn tham gia từ năm 1884 - 1886, với số lượng tranh ảnh lớn (225 tấm ảnh và 4 bản đồ) về Việt Nam từng được in, và nội dung cuốn sách được xem là một trong những công trình quan trọng nhất về văn hóa - lịch sử, về cách vận hành xã hội Việt Nam giai đoạn này.
Ký sự hành trình Một chiến dịch ở Bắc kỳ đến với độc giả lần đầu tiên bằng tiếng Pháp trên tạp chí Le Tour du Monde (Vòng quanh thế giới) từ năm 1889 - 1891, khi mới đăng báo có tựa Trente Mois au Tonkin (Ba mươi tháng ở Bắc kỳ). Đến năm 1892, NXB Hachette (Paris) in toàn bộ tác phẩm này thì Charles-Édouard Hocquard đặt lại tên Một chiến dịch ở Bắc kỳ với 229 tranh khắc và bản đồ về Việt Nam. Tới năm 1896, ảnh chụp mới được in trực tiếp trên tạp chí L’Illustration (minh họa) chứ trước đó chỉ có thể in tranh khắc, tức phải qua công đoạn trung gian của người thợ khắc, sau đó mới dùng sản phẩm khắc để in lên báo.

Phụ nữ Hà Nội

Câu chuyện trong cuốn sách diễn ra từ tháng 6.1883 đến tháng 4.1886 với một chiến dịch do Pháp tổ chức chống lại các đội quân của người Việt, nhằm chiếm đóng Bắc kỳ (Việt Nam) và giữ vững sự bảo hộ của Pháp tại đó. Tác giả cuốn sách là một bác sĩ quân y đam mê viết lách và nhiếp ảnh. Ông tham gia chiến dịch quân sự một cách tự nguyện và vì không tham chiến trực tiếp nên hành trình qua 8 tỉnh thành từ Bắc đến Trung kỳ; từ vùng châu thổ đến các bản làng miền núi, thị trấn đồng bằng; từ các con lộ đến đường mòn, các lối dọc ven sông được tác giả tường thuật theo kiểu “mắt thấy tai nghe” một cách chân thực và lôi cuốn.
Hocquard lấy con người và nhiếp ảnh làm vị trí trung tâm, vì vậy mà trong 225 ảnh của cuốn sách thì có hơn 40% số lượng ảnh ông chụp những nhạc công, cô bán hàng chợ, người bán thịt rong, thợ khảm, thợ cạo, thợ cày, cô bán than, ông lão mù, phu phen, người nông dân xay lúa, thợ gốm, thợ rèn, tổng đốc, sứ thần, đốc học, trưởng làng, sĩ quan Pháp, tù nhân, thổ phỉ, lính khố đỏ… Ngoài một số bức ảnh mô tả về đời sống lao động, chân dung cá nhân, Hocquard dành một phần không nhỏ cho các nghi thức tôn giáo và các tập tục: đám ma, thờ cúng tổ tiên, cùng nhiều hoạt động giải trí: trò chơi, âm nhạc...
Tác giả Charles-Édouard Hocquard sinh ngày 15.1.1853 tại Saint-Nicolas du Port, tỉnh Meurthe, nay là Meurthe-et-Moselle (Pháp); theo học và lấy bằng tiến sĩ tại Viện Quân y Val-de-Grâce. Ông qua đời tại Lyon (Pháp) vào ngày 11.1.1911.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.