“Phố Tàu” ở Hà Tĩnh

28/07/2012 03:40 GMT+7

Chỉ trong một thời gian ngắn, người Trung Quốc xuất hiện kéo theo một loạt các thay đổi khiến vùng quê bình yên phía nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đảo lộn mọi thứ.

>> Nhiều người Trung Quốc khám bệnh “chui”
>> Vụ giao đất cho người Trung Quốc ở Bình Thuận: Chưa chặt chẽ, thiếu minh bạch...
>> Vụ người Trung Quốc nuôi cá trên vịnh Cam Ranh: Yêu cầu xử lý sai phạm tập thể và cá nhân liên quan

Đỏ mắt với biển hiệu

Chúng tôi đến huyện Kỳ Anh và không khỏi giật mình trước những gì chứng kiến được. Theo quốc lộ 1A hướng từ Nam ra Bắc, xe vừa qua khỏi hầm Đèo Ngang - ngăn cách giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình - được vài cây số, đoạn thuộc địa phận xã Kỳ Phương đã thấy chình ình một bảng hiệu khổ lớn chi chít chữ Trung Quốc dựng trên chân đế cao hơn 2 m. Chúng tôi thực sự “choáng” khi đến địa phận các xã Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Thịnh. Không phải tự nhiên mà nhiều người thốt lên “phố Trung Quốc” bởi dọc hai bên trục đường xương sống 1A đầy rẫy biển hiệu như nấm mọc sau mưa. Hầu như bảng hiệu nào cũng tràn ngập chữ Trung Quốc, từ tên công ty, ngành nghề kinh doanh đến các thể loại nhà hàng, ăn uống, dịch vụ cưới hỏi, rửa xe, hút bụi...

 công nhân Trung Quốc
Không hiếm cảnh công nhân Trung Quốc chở 3 sau giờ tan ca -  Ảnh: T.Q.Nam

Một người đi cùng chúng tôi bức xúc: “Đây là Việt Nam. Trong chúng ta mấy ai biết được đó là chữ gì, ý nghĩa nó thế nào. Mở mắt dậy là thấy, ra đường là đập vào mắt”.

Những gia đình lai

Hết giờ làm việc buổi sáng, nhiều công nhân bịt kín mặt “kẹp” ba, bốn người trên một xe máy từ công trường thi công tổ hợp cảng biển và nhà máy luyện gang thép FORMOSA trở ra. Một số về nhà trọ nghỉ, số đi ăn cơm quán.

Một nữ công nhân người Việt chỉ cho chúng tôi biết vài quán cơm mà người Trung Quốc thường hay ăn. Ghé vào một quán gần cầu Khe Lau (xã Kỳ Liên), cảnh tượng ồn ào, hỗn độn, nhếch nhác thấy rõ. Người ăn, người nói, tiếng Việt, tiếng Trung xô đẩy lẫn nhau. Đối diện bên kia đường có tấm bảng với dòng chữ Việt duy nhất “Ẩm thực Đài Loan”, còn lại toàn chữ Trung Quốc. Chủ quán là người Đài Loan và vợ người Việt Nam, họ mới thuê lại nhà của một vợ chồng người địa phương. Hỏi chuyện được biết cô vợ người Sóc Trăng, lấy chồng Đài Loan được 7 năm nhưng chưa có con, vợ biết tiếng Hoa nhưng chồng chẳng biết tiếng Việt.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương bày tỏ sự lo lắng: “Trên địa bàn có hơn 10 gia đình cho người nước ngoài thuê ở. Bước đầu có ảnh hưởng, cái lo nhất là tình trạng lừa đảo về kinh tế đã xảy ra. Trước kia, đây là vùng thuần nông, giờ ruộng đất mất hết rồi, hiện người dân có thể làm những việc phổ thông, chân tay chứ đến lúc xây dựng xong thì biết làm gì. Lo nhất những người trong độ tuổi 40-60”.

Chuyện quan hệ gái trai, hôn nhân cũng đang khiến chính quyền vã mồ hôi. Mới đây, L.T.H (22 tuổi, ở thôn Liên Phú) đã đăng ký kết hôn, tổ chức cưới hỏi với một người quê Thanh Hóa. Đùng cái, H. hủy hết tất cả mọi thứ để theo một người Đài Loan từng thuê ở trong nhà mình. Hai người lén lút qua lại với nhau, nghe đâu là vì ông đó có tiền. Cũng đã xuất hiện một số trường hợp người Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên mua đất.

Thượng tá Trương Xuân Tịnh - Trưởng công an H.Kỳ Anh - cho biết: “Hiện trên địa bàn có trên 420 người Trung Quốc. Họ ở tại các văn phòng, nhà dân, khách sạn. Người Trung Quốc rất khó quản lý, họ đã không trình báo như người các nước châu Âu mà còn trốn tránh sự kiểm tra. Nhiều người thuộc diện hợp đồng lao động ngắn hạn đã tìm mọi cách ở lại khi hết thời hạn. Nhiều người ở luôn trong các container tại công trường nên rất khó kiểm soát. Cũng đã có vụ 2 người Trung Quốc đánh 1 người Việt Nam”.

Công an huyện Kỳ Anh thừa nhận rất khó để vào trong công trường FORMOSA nên họ chỉ kiểm tra ở các địa bàn dân cư. Đầu tháng 7, Công an huyện phát hiện 7 người Trung Quốc sử dụng hộ chiếu du lịch nhưng ở lại làm việc, đã mời đến trụ sở công an nhưng họ bỏ trốn sau đó.

Quản lý lỏng lẻo

Chúng ta đã có quy định cụ thể về việc sử dụng tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu, trong đó quy định không đặt chữ viết tên nước ngoài lên trên chữ tiếng Việt, và tên nước ngoài phải nhỏ hơn tên tiếng Việt. Tại sao bảng, biển chữ Trung Quốc đầy rẫy, trưng thành cả phố dài mấy cây số trên trục đường huyết mạch như vậy mà vẫn ngang nhiên tồn tại?

Chúng tôi tìm gặp Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Đức Thắng nhưng chỉ nhận được những câu trả lời không rõ ràng và “UBND huyện chỉ có trách nhiệm giải phóng mặt bằng”. Còn Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nguyễn Lộc Hằng cho rằng mức độ chưa có gì để phải xử lý. Ông Hằng nói: “Chỉ một số ít các công ty nước ngoài trưng biển hiệu trước trụ sở. Tên nước ngoài vẫn được quảng cáo nhưng theo quy định trong Nghị định 75, ví như kích cỡ chữ như thế nào...”. Nói thế nhưng khi chúng tôi hỏi phòng đã tiến hành kiểm tra tại các xã vùng nam chưa thì ông Hằng ấp úng.

Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Liên Nguyễn Hồng Cương đã nhìn nhận thẳng thắn: “Việc này mới nở rộ từ đầu năm nay. Không thể để chữ Trung Quốc nhiều hơn chữ Việt Nam được, điều này rất phản cảm, sống giữa đất nước Việt Nam sao không dùng chữ Việt Nam. Đành rằng để phục vụ người Trung Quốc mới sang không biết tiếng Việt nhưng vậy cũng không được, không thể Trung Quốc hóa Việt Nam. Làm như thế, người đi qua địa bàn này sẽ đặt câu hỏi tại sao đây là đất Việt Nam mà lại toàn chữ Trung Quốc. Vừa rồi giao ban chúng tôi đã giao cho Trưởng ban Văn hóa xã tham mưu cho Phòng Văn hóa huyện để có biện pháp xử lý. Đầu tiên sẽ xử lý những biển hiệu làm không đúng quy định”.

 phố Tàu
Hàng loạt bảng vi phạm nhưng ngành văn hóa Hà Tĩnh không biết - Ảnh: T.Q.Nam

Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.